Giảng viên đại học Mỹ tập huấn cho xích lô Huế
Du lịch Huế – Để tạo hình ảnh đẹp của Huế trong mắt du khách, một lớp tập huấn rất đặc biệt dành cho giới xích lô do các giảng viên đến từ Đại học Hawaii (Mỹ) thực hiện, vừa được Trung tâm giáo dục nhân đạo Huế tổ chức hôm 22-12.
Bà Nguyễn Thị Kinh – giám đốc Trung tâm giáo dục nhân đạo Huế (nguyên phó giám đốc Đại học Huế) – cho biết tình trạng chèo kéo, lừa khách và ứng xử thiếu văn hóa của một số người đạp xích lô đã làm “rầu” một sản phẩm du lịch của Huế vốn rất được du khách ưa chuộng.
Đó là một hình ảnh xấu cho du lịch Huế cần phải tích cực chấn chỉnh. Và một trong những việc cần thiết, theo bà Kinh, là phải giúp họ nhận ra sự nguy hại của tình trạng này, cũng như nâng cao hiểu biết của họ về công việc đang làm. Bà Kinh đã huy động tài trợ từ các tổ chức xã hội để tổ chức lớp tập huấn với mục đích bồi dưỡng kiến thức nghề cho giới xích lô Huế.
Hội trường chật kín người nhưng im ắng lạ thường. Hơn 350 học viên là những người đạp xích lô tạm nghỉ một buổi “kiếm cơm” để đi học bồi dưỡng “nghiệp vụ”. Buổi học bắt đầu bằng bài tập… “làm chủ hơi thở”. Những con người hằng ngày tất bật trên các đường phố, đang ngồi tĩnh tâm, nhắm mắt trong tĩnh lặng.
Người bán hàng cũng cần được đào tạo
Bà Phương tâm sự nếu có cơ hội sẽ mở thêm lớp đào tạo cho cả những người bán hàng ở các “chợ du lịch” tại Huế. Điều này rất quan trọng, vì muốn trở thành thành phố du lịch thì bản thân mỗi con người trong thành phố đó phải có tố chất của người làm du lịch.
Giải thích cho bài học này, giáo sư Lê Ngọc Thảo – giảng viên ngành phát triển con người, Đại học Hawaii (Mỹ), cho rằng với công việc đạp xích lô, sự thư thái là rất cần thiết. Bởi họ chính là những đối tượng đầu tiên tiếp xúc với hàng ngàn du khách đến từ khắp nơi.
Tuy nhiên, từ lâu nay xích lô ở Việt Nam đơn giản chỉ là cái nghề kiếm cơm. Miếng cơm manh áo buộc họ phải giành giật khách mà quên đi vai trò một người chủ thân thiện của du lịch. Bài học hôm nay của giáo sư Thảo hi vọng sẽ đem lại một sự thay đổi cho những người đạp xích lô, bắt đầu từ thái độ niềm nở, yếu tố hàng đầu trong danh sách “bảo bối” giữ chân khách lưu trú lâu hơn.
Điểm yếu nữa của người đạp xích lô là trình độ tiếng Anh thấp (chủ yếu là tiếng “bồi”) và kiến thức văn hóa về vùng đất nơi khách du lịch sinh sống. Trong khi điều này thật sự cần thiết để họ mời chào khách cho đúng phép lịch sự và tạo thiện cảm. Ví dụ, với người Mỹ, việc đeo bám theo khách từ phía sau tạo cảm giác bất an, không đàng hoàng nên họ sẽ lẩn tránh.
Nữ giảng viên Lê Kim Phương, cũng đến từ Đại học Hawaii, nhắc lại: “Chẳng phải trước đây khách du lịch đến Huế vẫn trầm trồ về sự hiểu biết của những người đạp xích lô hay sao? Chẳng phải có một thời hình ảnh người đạp xích lô ngồi đọc sách trong khi chờ khách trở thành một nét văn hóa độc đáo, hiếm thấy của Huế hay sao?”.
Đáng tiếc thời gian sau này những hình ảnh đẹp đó đã vắng dần đi.
Tuy nhiên, theo bà Phương, qua lớp tập huấn có thể thấy người chạy xích lô Huế cơ bản vẫn rất tốt, chỉ cần đào tạo họ thành “nhà nghề” là được. Bổ sung kiến thức tiếng Anh giao tiếp, kỹ năng sống và một số hiểu biết văn hóa căn bản của khách du lịch khắp nơi để họ tác nghiệp.
Điều quan trọng nhất, mang tính lâu dài là để người đạp xích lô tự ý thức công việc của mình mà tự bồi dưỡng, tìm hiểu thêm kiến thức. Để làm được việc này cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch.
Theo bà Nguyễn Thị Kinh, ngoài việc tập huấn kỹ năng cho người đạp xích lô, các cơ quan chức năng cần phân loại xích lô thành các loại hình cụ thể: chở khách, chở hàng. Cuối buổi tập huấn, bà Kinh tâm sự: người đạp xích lô còn là hướng dẫn viên du lịch, là từ điển sống của Huế. Vì vậy, đạp xích lô không phải là nghề ngửa tay xin tiền người khác.
Ông Phạm Văn Lầu (69 tuổi), người có 15 năm trong nghề đạp xích lô, cho biết có những người thường ngày vẫn tranh giành khách của nhau, giờ có dịp ngồi lại với nhau, nghe giảng viên nói về sự xấu xí ấy, họ càng hiểu nhau hơn. Ông Lầu nói vẫn có không ít người đạp xích lô tâm huyết với du lịch Huế, nên hi vọng hình ảnh đẹp về xích lô Huế sẽ không mất.
“Giữ gìn hình ảnh đẹp xích lô Huế cũng là giữ nồi cơm của mình mà thôi!”, ông Lầu nói.
Theo: Tiến Long – tuoitre.vn