Giao ban đánh giá tiến độ từng gói thầu dự án cao tốc Bắc – Nam
[ad_1]
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đại biểu tham dự tại điểm cầu Thừa Thiên Huế
“Đây là công trình trọng điểm quốc gia mà Chính phủ quan, tập trung chỉ đạo triển khai”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu mở đầu cuộc giao ban. Theo tiến độ, phấn đấu phần lớn các dự án trong giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong hai năm 2022-2023. Trong 4 năm tới, dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ được triển khai mạnh mẽ.
Phó Thủ tướng nhắc lại chủ trương duy trì giao ban định kỳ hằng tháng để tháo gỡ khó khăn cho công trường, bảo đảm tiến độ dự án. “Chiều qua (10/12), tôi và các bộ, ngành, chủ đầu tư, địa phương đã đi kiểm tra tình hình thực tế ở công trường. Rất mừng là tiến độ khá tốt”.
Theo Phó Thủ tướng, nội dung cuộc giao ban nhằm tập trung vào tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, chuẩn bị vật liệu xây dựng, “đánh giá tiến độ từng hạng mục, từng gói thầu”, không để chậm tiến độ các gói thầu đã khởi công.
Vấn đề cần thảo luận là liên quan đến các ban quản lý dự án, nhà thầu, về công tác thanh toán, bảo đảm trang thiết bị, nhân lực. “Đây là mùa xây dựng, ít mưa thì chúng ta tập trung cao độ vào giải quyết công việc”, Phó Thủ tướng lưu ý, làm đến đâu, dứt điểm đến đó, không dàn trải. Phó Thủ tướng cũng nhắc đến việc chuẩn bị cho giai đoạn 2 của dự án để làm sao hoàn thành tuyến cao tốc dài hơn 2.000 km vào năm 2025.
“Công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phần được bắt đầu thực hiện từ tháng 6/2021, đến nay đã cơ bản hoàn thành”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ trình bày báo cáo tình hình triển khai dự án. Khối lượng còn lại không nhiều, hiện chỉ còn cục bộ một số vị trí với tổng chiều dài khoảng 0,465 km (chiếm 0,07% chiều dài tuyến).
Hiện nay, toàn bộ 11/11 dự án thành phần đã khởi công xây dựng; khối lượng hoàn thành từ ngày 20/10/2021 đến nay khoảng 2.845,58 tỷ đồng, tương đương 4,7% giá tri các hợp đồng; lũy kế khối lượng hoàn thành đến nay khoảng 13.269,51 tỷ đồng/61.015,96 tỷ đồng, tương đương 21,7% giá trị các hợp đồng.
Đến nay, đã giải ngân cho giải phóng mặt bằng hơn 12.664 tỷ đồng, tương đương 84,2%. Từ đầu năm 2021 đến nay, giải ngân đạt 70,3%. Giải ngân cho công tác xây lắp, tư vấn, quản lý dự án và chi phí khác đến nay đạt 32,22%.
Về nguồn vật liệu đất đắp nền đường phục vụ thi công dự án, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 60 và 133 của Chính phủ, các địa phương đã cấp phép mới cho 16 mỏ đất với trữ lượng khoảng 17 triệu m3, nâng công suất khai thác đối với 32 mỏ đất với tổng công suất được nâng thêm khoảng trên 14 triệu m3/năm (tăng 6 mỏ đất cấp phép mới và 28 mỏ nâng công suất khai thác so với số liệu tại báo cáo ngày 20/10/2021 và số liệu tại báo cáo số 86/BC-BTNMT ngày 20/9/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Trong đó, thực hiện Nghị quyết số 133/NQ-CP, đã có 19 mỏ thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa được nâng công suất khai thác với tổng công suất khai thác được nâng thêm khoảng 9 triệu m3.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay tuyến chính đã hoàn thành, đã giải phóng mặt bằng và bàn giao cho đơn vị thi công 66,4/66,4 km (đạt 100%); và các đường gom, đường hoàn trả tuyến tránh Huế (đạt 100%).
Tin, ảnh: Thái Sơn