Kinh tế Huế

Giao đất rừng xấu cho người dân

Kinh tế Huế – Đó là nhận định của các nhà quản lý, chuyên gia tại hội thảo “Giao đất giao rừng ở Việt Nam: Chính sách và thực tiễn” do Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung, Viện Tư vấn phát triển, liên minh đất rừng… tổ chức ở Huế ngày 7.6.

Khi được giao, người dân có thể khai thác hiệu quả đất lâm nghiệp – Ảnh: Đình Sơn

Đại diện Cục Kiểm lâm, ông Trần Mạnh Long, cho biết chủ trương giao đất giao rừng đã có từ năm 1983, khi Ban Bí thư T.Ư Đảng đã có Chỉ thị 29 về việc đẩy mạnh giao đất, giao rừng. Tuy nhiên, đến nay trong tổng số hơn 16 triệu ha đất lâm nghiệp, các hộ gia đình, cộng đồng mới được giao quản lý 3,8 triệu ha, số còn lại do Ban quản lý rừng, DN nhà  nước, UBND các cấp… quản lý. Ông Long đánh giá: “Nhiều DN nhà nước quản lý diện tích rừng lớn nhưng không có khả năng kinh doanh”. Theo ông, tình trạng trên làm giảm hiệu quả xã hội của chính sách, chưa huy động được nguồn lực to lớn trong dân.
Bà Lê Thị Diên, giảng viên Đại học Huế, cũng cho rằng khi giao lại rừng tự nhiên các đơn vị quản lý cũng giao loại rừng nào nghèo, hiệu quả khai thác kém, phải mất 20 năm người dân mới có thể khai thác kinh tế được. Điển hình Lâm trường Tân Lạc (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), vì chỉ có 8 nhân viên mà quản lý hơn 2.000 ha đất rừng, nên trả lại khoảng 1.000 ha rừng cho người dân. Ông Bùi Văn Phư, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tân Lạc, thừa nhận số đất trên phần lớn là đất đồi núi, đất xấu. Tương tự, Lâm trường Long Đại (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã giao lại 1.900 ha đất cho người dân nhưng diện tích đất này lại sát biên giới, xa khu dân cư từ 20-25 km, không có đường đi và chất lượng đất quá kém, người dân không thể canh tác.
Cần rà soát lại
Theo ông Phạm Quang Tú, Phó viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE), năm 2003 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 28 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh nhằm quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và rừng, tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Tuy nhiên, quá trình này không đạt được mục tiêu đề ra, lâm trường quản lý không xuể khi mỗi nhân viên “quản” từ 300 – 500 ha rừng và đất rừng, còn dân thì lại thiếu đất sản xuất.
Ông Tô Đình Mai, hiện công tác tại Trung tâm môi trường và phát triển cộng đồng, đề nghị cần mạnh dạn giao lại cho dân đất canh tác tốt. Phú Thọ là một tỉnh trước đây hoàn toàn là đồi trọc, đất sỏi nhưng đến nay đã phủ xanh toàn bộ. Tỉnh vẫn để dân ở trong rừng đặc dụng nhưng rừng vẫn giữ được còn đời sống người dân ngày càng khấm khá do khai thác được các nguồn lợi từ rừng.  Trước tình trạng trên, ông Phạm Quang Tú cho rằng nhà nước cần tổng điều tra, đánh giá lại hiệu quả sử dụng đất của các nông lâm trường, công ty để có phương án đảm bảo khai thác hiệu quả.

Nguồn: thanhnien.com.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button