Đất - Người Huế

Góp sức cho Huế ngày càng hấp dẫn

Đất – Người Huế – Không chỉ Nhà nước, tỉnh hay thành phố mà cả những người con của Huế như anh Tân “Cồn Nón”, anh Ngộ “Bến Xuân”, anh Đài “Biệt phủ Thảo Nhi”… đang cùng chung sức làm cho Huế đẹp mỗi ngày.
Sau Tết quý Tỵ, NSND- đạo diễn Đặng Nhật Minh, đứa cơn ưu tú của Huế, vào thăm quê và đã có đêm giao lưu, gặp gỡ với trí thức và công chúng yêu nghệ thuật điện ảnh Huế tại cà phê Cồn Nón. Trả lời câu hỏi về việc làm sao để quảng bá thương hiệu Huế ra toàn thế giới, đạo điễn Đăng Nhật Minh.

  Cho rằng “Huế đã là một thương hiệu tầm cỡ thế giới rồi. Mỗi năm có gần 2 triệu người tìm thăm Huế, trong đó gần một triệu khách nước ngoài. Chúng ta càng dốc sức làm cho Huế đẹp hơn, tiện ích hơn thì Huế càng hấp dẫn thế giới hơn. Sau một thời gian ngắn trở lại quê hương, tôi rất ngạc nhiên thấy có rất nhiều cái mới.. Ví dụ Quán cà phê Cồn Nón (cái tên của nó dài dòng mà sách vở là: Trung tâm Trải nghiệm Huế xưa và nay) ở Đập Đá. Trước đây là một cồn đất cỏ lau xao xác. Bây giờ là một địa chỉ hấp dẫn nhất với du khách để ngắm Huế ngày đêm. Tôi thấy có rất nhiều người nước ngoài đến đây. Đầu tư để xây cái Cồn Nón này không nhiều tiền, chỉ cần có con mắt nghệ thuật và lòng yêu Huế”.
 Theo cách nghĩ của NSND Đặng Nhật Minh, tôi nhận ra Huế trong mấy năm nay đã lặng lẽ làm rất nhiều việc lớn cho thành phố ngày càng xanh sạch đẹp hơn, ngày càng hấp dẫn du khách hơn. Huế không có nhiều cao ốc, đại lộ, mà Huế đẹp bởi Huế ngày càng Huế hơn: cổ kính và lịch lãm, ấm cúng.
 Có thể kể ra hàng chục, hàng trăm dự án lớn nhỏ mà tỉnh và TP Huế đã triển khai trong nhiều năm qua đã mang đến cho Huế một diện mạo mới: Xanh hơn, khang trang hơn và sạch hơn. Đó là các dự án 260 tỷ đồng, xây dựng 3 khu tái định cư cho gần 1.000 hộ dân vạn đò sống trên sông Hương. Năm 2013 này, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục chọn là “Năm đô thị”, sẽ tập trung phát triển mạnh mẽ khu vực Nam sông Hương trở thành những khu phố sầm uất của Huế. Ngân sách đã bố trí vốn, sau khi tiến hành giải toả, đền bù, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng, sẽ tiến hành khởi công. Dự kiến đến hết năm 2013, sẽ hoàn thành. Theo số liệu của cơ quan chức năng, hiện ở Huế, 100% tuyến phố chính đều được chiếu sáng với tổng chiều dài 210km. Các đường kiệt, ngõ hẻm cũng đã lắp đặt điện chiếu sáng với 66km. Hiện, đang bố trí kinh phí để đầu tư đèn điện chiếu sáng trên 99km còn lại của toàn bộ các tuyến đường, ngõ hẻm của TP Huế…
  Ấn tượng nhất là việc chỉnh trang các con đường Lý Thường Kiệt, Đội Cung, Phùng Hưng, Đống Đa… và những cây cầu trong nội thành Huế. Từ nhiều năm nay dân Huế ta quen mắt với những con đường nhỏ, những cây cầu nhỏ hẹp, Thế mà một buổi sáng có việc đi về đường Đội Cung, tôi thấy một công trường mở rộng đường gấp đôi đang khẩn trương lao động. Phần đường Đội Cung cũ người vẫn qua lại. Năm ba tháng nữa thôi, sẽ có con đường Đội Cung rộng rãi khang trang cho Huế. Tôi không biết nguồn vốn bao nhiêu, ai đầu tư, ai là người nghĩ ra việc giải tỏa mở rộng đường, nhưng rõ ràng đây là một việc cụ thể chứng minh rằng, không có gì là không làm được để cho Huế đẹp hơn, hấp dẫn hơn. Đường Lý Thường Kiệt cũng vậy. Ai xa Huế chục năm trở lại bỗng thấy lạ lẫm trước một con đường Lý Thường Kiệt nối từ cầu Kho Rèn đường Phan Chu Trinh đến đường Hà Nội rộng tới 30 mét, với nhiều ngân hàng, khách sạn cao tầng mới xây dựng rất khang trang. Hay con đường Bùi Thị Xuân từ mé Cầu Ga đến chân cầu Dã Viên bên sông Lợi Nông trước đây không có lề phố, nhà cửa chen chúc, sau khi xây dựng xong cầu mới Dã Viên, con đường này đã được giải tỏa, mở rộng. Dựng đèn, bó vỉa rất hiện đại. Hay bến xe cũ Nguyễn Hoàng từ mấy chục năm trước, bên ngoài là cây xăng, là các ki-ốt nhếch nhác. Từ khi giải tỏa để làm bến đỗ cho xe du lịch, từ cầu Phú Xuân nhìn xuống, không gian rộng, thoáng đãng và mới lạ hẳn lên.
  Cầu Dã Viên hiện đại và lịch sự, mới đưa vào sử dụng đã góp thêm hình ảnh biểu trưng đẹp cho Huế, vừa làm giảm đáng kể lượng người qua cầu Trường Tiền, Phú Xuân. Nói đến cầu Dã Viên không thể không nói đến hệ thống cầu bắc qua sông Lợi Nông (sông An Cựu) và hệ thống cầu trong nội đô Huế. Hơn chục năm qua, rất nhiều cây cầu hiện đại khác cũng được xây dựng như: cầu Chợ Dinh, cầu Bao Vinh, cầu Xước Dũ…, làm cho mật độ người đi qua các cầu nội đô thưa hơn, giao thương buôn bán phát triển, đời sống nhân dân khá lên. Những cây cầu mới được thiết kế hiện đại, đẹp, rộng gần gấp đôi cầu cũ, có vòng cung rộng nối vào các trục đường rất uyển chuyển làm cho độ an toàn giao thông cao hơn.
  Huế là thành phố văn hóa – du lịch – sinh thái. Đó là mục đích của các nhà quy hoạch Huế hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương. Đó chính là cái thu hút du khách nhiều nhất. Nhiều năm qua, bằng việc phục chế, xây dựng các nhà hàng, biệt thư nhà rường trên khắp các con đường Huế đã làm cho Huế mềm hơn, cổ kính hơn như: Không Gian Xưa, Nam Giao Hoài Cổ, Vỹ Dạ Xưa hay Biệt phủ Thảo Nhi gần lăng Khải Định, trà đình Vũ Di cạnh đồi Thiên An, các nhà hàng ở Phú Mộng – Kim Long v.v… Gần chục năm nay, tại thành phố Huế có hơn 300 ngôi nhà rường được xây dựng mới mô phỏng nhà rường xưa là một phần quan trọng làm nên nét riêng “rất mềm” đặc trưng của văn hóa kiến trúc Huế. Hệ thống nhà rường này kết hợp với vườn Huế, chùa Huế thành quần thể kiến trúc đặc trưng “không nơi nào có được”, làm cho Huế như xứ sở cổ tích.
 Nói đến nhà rường và “nét xưa” trầm mặc của Huế không thể không nói đến khu thưởng ngoạn thiên nhiên bên sông Hương gọi là “Bến Xuân” rất ấn tượng phía trên chùa Thiên Mụ. Nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã viết về “Bến Xuân” nhiều lần. Chủ nhân “Bến Xuân” là đôi vợ chồng Việt kiều rất gắn bó với các hoạt động văn hoá của Việt ở Thuỵ Sĩ: Trương Đình Ngộ và Cẩm Hồng (còn gọi là Camille Huyền). Anh Ngộ quê Quảng Trị, du học tại Đức từ 35 năm trước, nên duyên với cô cựu nữ sinh Đồng Khánh bên trời Tây, không biết “bị” cô gái Huế xinh tươi, hát hay, hay cảnh đẹp nên thơ sông Hương núi Ngự bỏ “bùa mê” mà quyết định bỏ tiền nhờ gia đình vợ mua miếng đất hai ngàn mét vuông để… “chơi với Huế!”. Ở đây có “Lầu Nghinh Phong”, có “sân khấu” để ngâm thơ, hòa nhạc, có nhà hàng với những món đặc sản Huế… và có một bến thuyền đón khách bằng thuyền, từ cầu Trường Tiền, Gia Hội lên… Công trình đang vào giai đoạn hoàn thiện.

Nguồn: baothuathienhue.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button