Kinh tế Huế

Hải quan Thủy An: Niềm tin từ cải cách

Kinh tế Huế – Chiếm tới 70% tổng thu ngân sách của Cục Hải quan Thừa Thiên-Huế và kết quả ấn tượng từ triển khai thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT), Chi cục Hải quan Thủy An đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều DN.

Rút ngắn thủ tục hải quan

Cách TP. Huế chừng 20 cây số, trụ sở Chi cục Hải quan Thủy An đặt giữa trung tâm Khu Công nghiệp Phú Bài (Thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế). Xen lẫn sự ồn ào, náo nhiệt từ nhà máy hay phân xưởng sản xuất, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những cán bộ Hải quan đang ngồi trước máy vi tính, nhanh chóng xử lý tờ khai cho những lô hàng mới cập bến. Chỉ có 28 cán bộ, công chức (CBCC) nhưng trung bình mỗi tháng đơn vị thực hiện thông quan cho trên 1.000 tờ khai XNK. Là điểm thông quan ngoài cửa khẩu, Chi cục Hải quan Thủy An không chỉ là địa chỉ tin cậy của hơn 30 DN ở khu công nghiệp này mà còn có thêm 40 DN ngoài địa bàn đến làm thủ tục.

Nhắc đến tình hình thu ngân sách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thủy An Phạm Thị Bích lo ngại, thời gian từ nay đến cuối năm còn rất ngắn mà chỉ tiêu thu ngân sách còn cách khá xa. Một trong những giải pháp Chi cục Hải quan Thủy An đưa ra là tích cực cải cách thủ tục hành chính, lấy mũi nhọn là TTHQĐT.

Cũng theo bà Phạm Thị Bích, TTHQĐT đã giúp DN tiết kiệm chi phí đi lại qua việc khai báo ngay tại trụ sở và truyền dữ liệu đến cho cơ quan Hải quan. Nhờ đó, các DN cũng chủ động hơn trong quá trình sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Hơn nữa, bản thân DN khi tham gia TTHQĐT cũng thuận tiện hơn trong việc lưu trữ hồ sơ. Cùng thời điểm khai báo hải quan, DN có thể  nhận được đầy đủ mọi thông tin từ cơ quan Hải quan khi có yêu cầu gửi đến DN đối với mỗi tờ khai luồng: Xanh, Đỏ, Vàng. Quá trình này phần nào rút ngắn thời gian thông quan. Còn đối với Chi cục, đến nay mọi vướng mắc về TTHQĐT đã được khắc phục một cách triệt để. Nhờ thực hiện TTHQĐT đã giúp cho CBCC nâng cao trình độ hiểu biết về nghiệp vụ hải quan. Có thể thấy rõ hơn cả ở chính sách mặt hàng có sự thay đổi khi thời gian xử lý đối với một lô hàng thuộc luồng Xanh chỉ mất 3 phút. Vì vậy, nếu CBCC không cập nhật các văn bản mới thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ đó, TTHQĐT không những tạo sự chuyển biến về nhận thức mà còn tạo tác phong làm việc chuyên nghiệp, hiện đại.  

Bên cạnh đó, căn cứ trên hệ thống thông quan điện tử, công tác thống kê hải quan cũng được rút ngắn thời gian, đạt độ chính xác cao. Không những thế, TTHQĐT còn giúp cho việc phân cấp ở từng vị trí công việc từ khâu tiếp nhận tờ khai đến khâu thông quan. Nhờ đó, lãnh đạo đơn vị có thể kiểm soát được quá trình xử lý của mỗi CBCC, hạn chế được những sai sót. Vả lại khi gặp vướng mắc trên dây chuyền thủ tục, CBCC cũng có thể tự đề xuất, xin ý kiến lãnh đạo Chi cục để có hướng xử lý. Điển hình là những lô hàng có nghi vấn, cần kiểm tra chi tiết hồ sơ hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa, TTHQĐT có thể xử lý thông tin một cách chính xác về lô hàng như dừng thông quan đột xuất hay tăng mức độ kiểm hóa thực tế hàng hóa.

Nhờ cải cách thủ tục hành chính, cơ quan Hải quan và cộng đồng DN đã thực sự được hưởng lợi, cũng như phát triển quan hệ đối tác Hải quan-DN. Trong số trên 70 DN hiện đang làm thủ tục tại Chi cục có trên 50 số DN XNK thường xuyên và 100% tham gia TTHQĐT. Số doanh nghiệp này tăng theo từng năm (năm 2013 tăng thêm 8 DN). Điểm đáng mừng khi lượng tờ khai, kim ngạch gia tăng cũng kéo theo thu ngân sách Nhà nước tăng đáng kể. Tính từ đầu năm đến nay, Chi cục đã làm thủ tục cho 11.277 tờ khai, tăng 39,03%; tổng kim ngạch đạt 627,8 triệu USD, tăng 22,71% so với cùng kỳ năm 2012. Thu ngân sách tại Chi cục đạt 165,8 tỷ đồng, vượt 23% so với cùng kỳ năm 2012.

DN rộng cửa kinh doanh

Qua lời giới thiệu của cán bộ Chi cục Hải quan Thụy An, chúng tôi tìm đến địa chỉ của Công ty Cổ phần dệt may Huế (Huegatex) tại thị xã Hương Thủy. Đằng sau hàng chục dây chuyền sản xuất sợi, dệt, may với hơn 3.800 nhân công đang hoạt động có sự đóng góp rất lớn của công tác cải cách thủ tục hải quan. Kết quả đó còn được minh chứng trong 9 tháng đầu năm 2013, doanh thu của nhà máy sợi là 477 tỷ đồng, tăng 3,3%; dệt may đạt 458 tỷ đồng, đạt 65,4% kế hoạch, tăng 29% cùng kỳ năm 2012. Trong đó, kim ngạch XK là 46 triệu USD, đạt 93,2%, tăng 43% cùng kỳ 2012.

Ông Nguyễn Thanh Tý, Trưởng phòng Kế hoạch và XNK chia sẻ: Là một doanh nghiệp kinh doanh XNK, chúng tôi mong đợi lớn nhất ở các cơ quan quản lý Nhà nước là cải cách thủ tục hành chính, trong đó có cơ quan Hải quan. Nhờ việc áp dụng TTHQĐT, Huegatex luôn đạt mức tăng trưởng đồng đều hàng năm là 15%/ năm. Ngoài việc rút ngắn thời gian thông quan, Huegatex tiết kiệm được thời gian, chi phí, sắp xếp bố trí nguồn lực, cũng như mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đơn cử như sự hỗ trợ kịp thời từ phía cơ quan Hải quan trong việc thanh khoản tờ khai, DN có thể chủ động nắm bắt thông tin, thực hiện mục tiêu lâu dài trong kinh doanh. Để làm được điều này, Huegatex cũng thường xuyên cập nhật chính sách, pháp luật mới về hải quan thông qua các buổi đối thoại, tập huấn do Cục Hải quan Thừa Thiên-Huế tổ chức. Mới đây nhất là buổi đào tạo về VNACCS/VCIS và Thông tư 128/2013/TT-BTC.

Hưởng lợi từ những tiện ích mà TTHQĐT mang lại còn có Công ty Cổ phần dệt may Phú Hòa An, Công ty TNHH bia Huế… Riêng trong 9 tháng đầu năm 2013, Công ty Cổ phần dệt may Phú Hòa An đã sản xuất được trên 2,3 triệu sản phẩm, tổng trị giá xấp xỉ 60 tỷ đồng. Với công suất hoạt động hiện có, Công ty này đã đáp ứng nhu cầu các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Bức tranh tăng trưởng trên là kết quả của cả một quá trình thay đổi phương thức quản lý hải quan từ khai báo hải quan thủ công sang TTHQĐT. Trong đó, không thể không nhắc đến sự nỗ lực của một tập thể đoàn kết đồng lòng từ lãnh đạo đơn vị đến cán bộ công chức trong từng khâu nghiệp vụ. Đây cũng là tiền đề để Chi cục Hải quan Thủy An nói riêng, ngành Hải quan nói chung hướng đến mục tiêu tự động hóa.

Theo: Quang Hùng – baohaiquan.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button