Kinh tế Huế

Hướng mở cho nuôi cá lồng trên sông Đại Giang

[ad_1]


Những khúc sông không có bèo lục bình vây kín nhưng cá vẫn chết

Sông thoáng, cá vẫn chết

Tại thôn Kênh Tắc, nơi có số hộ nuôi cá lồng lớn nhất của xã Phú Gia, hằng ngày, mỗi hộ phải vớt khoảng 1 rổ cá mè chết, mỗi con từ 8 lạng – 1kg.

Chị Lê Ti – một hộ nuôi cá lồng ở thôn Kênh Tắc thở dài: “Gia đình tui nuôi 4 lồng cá mè, ít nhất so với những người trong thôn, nhưng 2 tháng ni, ngày mô cũng phải chèo ghe ra vớt cá chết. Với trọng lượng mới hơn 1kg nên chỉ có nước cho heo ăn do bán không ai mua vì thịt cá còn nhão”.

Trước khi chèo ghe ra sông vớt cá chết, ông Đỗ Viết Toàn, người cùng thôn với chị Ti tiếp lời: “Thôn Kênh Tắc có khoảng 70 hộ nuôi cá lồng, bình quân mỗi hộ nuôi 2.000 con/4 lồng, cá biệt có hộ ông Hoàng Văn Đê nuôi gần 20 lồng. Mấy bữa ni, dù nuôi ít hay nuôi nhiều thì bà con trong thôn ai cũng cùng cảnh đau xót nhìn cá chết không rõ nguyên nhân”.

Người dân vớt cá chết có trọng lượng trên dưới 1kg trên sông Đại Giang

Thiệt hại nặng nhất là hộ ở thôn Hòa Phong với số lồng cá nuôi trên sông Đại Giang nhiều nhất xã Thủy Tân. Với khoảng 40 hộ, nuôi từ 250-300 lồng, chủ yếu là các loại cá: mè trắng, mè hoa, thác lác, lóc, diêu hồng, trong đó, cá mè trắng chiếm đa số, hơn 2 tháng qua, hàng chục ngàn cá mè trắng của người dân thôn Hòa Phong lần lượt phơi bụng trên sông.

“Hiện tại, số cá mè trắng từ 8 lạng đến hơn 1kg của những hộ trong thôn gần như chết sạch, chỉ còn lại những con cá dưới 5 lạng. Cũng như những hộ ở thôn Kênh Tắc, do cá đang mới hơn 1kg nên chúng tôi chỉ có thể vớt bán với giá rẻ cho người mua làm thức ăn cho heo”, anh Trương Tèo, người vừa bị chết 2.000 cá mè trắng, tương đương 1,4 tấn ở đội 2 (thôn Hòa Phong) thở dài.

Ông Võ Độ – một trong số những hộ nuôi nhiều cá mè trắng nhất ở thôn Hòa Phong – đã chết 5.000 cá mè trắng- nói: “Năm ngoái tui thiệt hại 5 tấn cá. Năm ni lo càng thêm lo. Mấy ngày qua, mỗi khi ra vớt cá chết là mỗi lần vợ chồng tui bỏ cơm”.

Tuy tình trạng cá mè trắng chết đã xảy ra hơn 3 tháng qua, nhưng đến hiện tại, những hộ nuôi cá nói trên vẫn không biết được nguyên nhân cụ thể. “Nếu như những năm trước, nguyên nhân có thể lý giải do mật độ nuôi và bèo lục bình dày đặc khiến cá ngột oxy mà chết thì năm nay, những đoạn sông nuôi cá lồng không có bèo lục bình nhưng cá vẫn lăn ra chết”, ông Võ Độ thắc mắc.

Nguyên nhân & hướng đi mới

Ông Nguyễn Tấn Hợp, Chủ tịch UBND xã Thủy Tân cho biết, tình trạng cá mè trắng chết dù mặt nước không bị ảnh hưởng bởi bèo lục bình có rất nhiều nguyên nhân. “Ngoài việc loài cá này sức chịu đựng kém hơn mè hoa, thác lác, lóc… khi thời tiết thay đổi đột ngột, thì nhiều khả năng còn do nước tót (nước lưu lại trên các chân ruộng sau khi gặt), dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi khai hoang đồng ruộng… thẩm thấu xuống sông. Ngoài ra, cũng có thể một nguyên nhân nữa là do mấy năm nay không có lụt nên sông không được thau rửa, vệ sinh tầng đáy, dẫn đến cá thiếu oxy và chết”, ông Hợp nhận định.

Theo ông Hợp, dù các phòng, ban chuyên môn đã khuyến cáo nuôi giãn cách, giảm mật độ cá trong lồng, thường xuyên vệ sinh, vớt rác, bèo… quanh khu vực nuôi cá và mỗi hộ nên đầu tư thêm 1-2 máy sục oxy (khoảng 2 triệu đồng/máy), nhất là sau đợt cá chết hồi tháng 7 và tháng 9 năm ngoái (xã Thủy Tân thiệt hại khoảng 70 tấn cá các loại) nhưng vẫn chưa thấy hộ nào lắp đặt.

“Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng gay gắt trong khi các hộ nuôi cá lồng không chịu đầu tư thêm máy sục oxy, nhiều khả năng từ đây đến tháng 7, cá nuôi của bà con sẽ còn chết nhiều”, ông Hợp lo lắng.

Ông Nguyễn Khai, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX. Hương Thủy cho biết, qua thực tế nuôi thử nghiệm ở một số hộ tại xã Thủy Tân 2-3 năm qua, TX. Hương Thủy đã có chủ trương chuyển đổi tất cả các loại cá lồng trên sông Đại Giang của 2 xã: Thủy Tân, Thủy Phù và P. Thủy Lương. “Theo đề án, các loại cá nuôi lồng sẽ được thay thế bằng cá thác lác, giống từ các tỉnh miền Tây đưa về. Tuy giá thành cá con đắt hơn so với các loại khác (6-7 ngàn đồng/con) nhưng sức chịu đựng tốt, giá trị kinh tế cao (tùy thời điểm cá được bán với giá 70-85 ngàn đồng/kg)”, ông Khai nói.

“Bên cạnh khuyến cáo người dân nuôi theo hướng lồng cách lồng, trang bị máy sục oxy, thị xã cũng đã lên phương án dùng máy hút hoặc đánh để bùn phân hủy, trôi theo nước ở những đoạn đáy bà con đặt lồng nuôi trước đây nhằm vệ sinh đáy, giúp nguồn nước khơi thông và giảm thiểu thấp nhất tình trạng cá chết do ngột oxy. Mọi việc sẽ được triển khai trước tháng 9, sau khi có kết quả của đơn vị tư vấn là Trường ĐH Nông lâm Huế”, ông Khai thông tin.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button