Kinh tế Huế

Hồi sinh nguồn lợi thủy sản

[ad_1]


Vùng đầm phá hồi sinh khi ngư dân đánh bắt hiệu quả

Thu nhập 6-10 triệu đồng/tháng

Ngư dân Trần Thanh Bình ở xã Lộc Điền (Phú Lộc) kể: Vùng đầm phá Đá Dầm, xã Lộc Điền vốn lắm tôm nhiều cá. Một thời, do nạn đánh bắt hủy diệt môi trường, NLTS vùng đầm phá này ngày càng cạn liệt. 

Từ khi Khu Bảo vệ NLTS Đá Dầm được thành lập gắn với tái tạo và bảo vệ, NLTS bắt đầu hồi sinh. Hằng năm, các ban ngành, chính quyền địa phương tổ chức thả cá, tôm trên vùng đầm phá này. Hoạt động tái tạo NLTS thật sự có ý nghĩa giáo dục. Ngư dân từng bước nhận thức, từ bỏ các nghề khai thác dủy diệt môi trường.

Ông Trần Thanh Bình cũng như nhiều ngư dân một thời vì lợi ích trước mắt đã không ngần ngại sử dụng các loại lừ mắt lưới nhỏ, xung điện, te quệu, giã cào… để khai thác thủy sản. Giờ đây, không riêng ông Bình mà hầu hết ngư dân Lộc Điền thật sự ý thức, nhận ra rằng bảo vệ NLTS chính là bảo vệ nguồn sống của chính mình. Từ đó, bà con đã bỏ hẳn các nghề đánh bắt thủy sản hủy diệt môi trường.

Từng mang tiếng “ngư tặc”, ông Bình và nhiều ngư dân Lộc Điền giờ đây trở thành những người góp công bảo vệ NLTS vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Hằng ngày bủa lưới, giăng câu, các thuyền của ngư dân còn có nhiệm vụ canh chừng đầm phá, phát hiện, xua đuổi, tham gia truy bắt các thuyền có dấu hiệu vi phạm khai thác thủy sản.

Hằng năm, ngư dân Lộc Điền truy đuổi hàng chục phương tiện, đối tượng ở nơi khác đến đánh bắt trái phép trên vùng đầm phá Đá Dầm.

Cạnh Khu Bảo vệ NLTS Đá Dầm là Khu Bảo vệ NLTS Hòn Voi Vũng Đèo, xã Lộc Trì (Phú Lộc). Các hoạt động tái tạo và bảo vệ NLTS trên vùng đầm phá này được ngành thủy sản và chính quyền địa phương triển khai hằng năm. Nhiều ngư dân Lộc Trì một thời khai thác hủy diệt NLTS nay chuyển sang bảo vệ nguồn sống của chính mình.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, ông Nguyễn Quang Vinh Bình đánh giá, hoạt động tái tạo và bảo vệ nghiêm ngặt đã mang lại hiệu quả, khi NLTS trên vùng đầm phá Lộc Điền, Lộc Trì nói riêng và nhiều vùng đầm phá khác đang dần hồi sinh mạnh mẽ. Tại các vùng nước xung quanh các khu bảo vệ NLTS xuất hiện nhiều loại thủy sản tự nhiên có giá trị kinh tế như cua xanh, ghẹ vàng, các loại cá: dìa, mú, hồng, ong, nâu, hanh, tôm đất… Qua khảo sát, giá trị thu nhập bình quân mỗi tháng từ khai thác thủy sản của mỗi hộ ngư dân vùng đầm phá trên địa bàn tỉnh đạt 6-10 triệu đồng.

Tái tạo, bảo vệ

Theo Chi cục Thủy sản, ngành thủy sản tiếp tục tái cơ cấu khu bảo vệ NLTS và củng cố, nâng cao hiệu quả mạng lưới khu bảo vệ thủy sản. Dự kiến trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh thành lập mới thêm 10 khu bảo vệ NLTS. Lực lượng kiểm ngư tiếp tục được tăng cường, phối hợp với chi hội nghề cá cơ sở, ngư dân tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác; đồng thời tổ chức các đợt thả giống tái tạo NLTS.

Ngày 17/6, được sự hỗ trợ của dự án LUX- VIE/433, Chi cục Thủy sản tổ chức thả hơn 58 ngàn con tôm sú giống, kích cỡ 4-7cm và 2.000 con cua giống, kích cỡ 3-5 cm về vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Đây là đợt tái tạo thứ tư kể từ đầu năm đến nay, ngành thủy sản tổ chức thả tôm, cua, cá ra các thủy vực biển, đầm phá, vùng nội địa khác.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho rằng, hoạt động tái tạo NLTS là một trong những biện pháp quan trọng trong điều kiện môi trường, thủy sản vùng đầm phá ngày càng cạn kiệt. Đây chính là cơ hội bổ sung nguồn giống, tạo điều kiện cho các loài thủy sản sinh trưởng, sinh sản và phát triển cân bằng môi trường hệ sinh thái đang bị ảnh hưởng.

Thông qua hoạt động tái tạo NLTS còn góp phần giáo dục nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt bà con ngư dân chung tay bảo vệ nguồn sống của chính mình. Từ khi các khu bảo vệ NLTS hình thành, gắn với tái tạo, bảo vệ nghiêm ngặt, NLTS trên vùng đầm phá Tam Giang từng bước hồi sinh, phát triển.

Trên địa bàn tỉnh đã thành lập khoảng 25 khu bảo vệ NLTS trên vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. TS. Nguyễn Quang Vinh Bình thông tin, hàng năm, ngành thủy sản phát động nhiều đợt thả cá, tôm, cua và các giống loài thủy sản vào các khu bảo vệ NLTS và trên vùng đầm phá. Hoạt động này thu hút sự tham gia tích cực của các tổ chức, cộng đồng Nhân dân, xã hội có trách nhiệm bảo vệ NLTS nói chung và môi trường thủy sinh nói riêng. Ước tính bình quân mỗi năm, các ban ngành tổ chức thả khoảng 200 ngàn con giống thủy sản các loại; trong đó ngân sách Nhà nước khoảng 130 ngàn con, còn lại xã hội hóa từ doanh nghiệp, các chương trình, dự án, các tổ chức, cộng đồng ngư dân.

Hằng năm, ngành thủy sản phối hợp với chính quyền địa phương, các chi hội nghề cá… tổ chức các đợt tuần tra, truy đuổi, xử lý nhiều vụ vi phạm khai thác thủy sản trái phép trên vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Tính riêng từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản và các chi hội nghề cá tổ chức khoảng 400 lượt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản trên đầm phá. Qua kiểm tra, đánh giá, các hoạt động khai thác thủy sản trái phép giảm đáng kể so với trước.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button