Hồn của áo
Đất – Người Huế – Tôi lớn lên trong thời chiến tranh. Thủa ấy, thành phố Huế nhỏ hơn bây giờ, nhà cửa đơn sơ hơn, những con đường chật hẹp hơn.
Từ cầu An Cựu về phía Phú Bài là một bãi hoang mênh mông ngập đầy vỏ đồ hộp và dây kẽm. Khi đó, các lăng vua nằm trong vùng bất an ninh, chẳng mấy ai đặt chân đến. Những khu vườn nhà xinh xắn mượt mà thì quá tầm thường trông mắt tôi, bởi khi chưa hề được đặt chân đến những nơi phồn hoa đô hội thì người ta làm sao nhận ra cái đẹp êm đềm của thiên nhiên hoang dã.
Vì vậy, nghe người ta nói: “Huế đẹp, Huế thơ” nhưng trong mắt tôi chỉ là Huế với mưa dầm, nắng rát. Thế mà ông anh họ tôi từ lúc bị động viên đi lính xa nhà, viết thư nào cũng kêu da diết nhớ Huế. Lúc đóng quân ở Phú Bài, chiều thứ bảy nào anh cũng bu xe GMC lên phố. Tôi đi học về thường gặp anh trong cả hàng hàng lớp lớp người đứng trước cổng trường. Hai bên lề một con đường, hai cảnh đối lập nhau: bên kia đường là những trang tu mi năm tử chen vai nhau đứng san sát dưới lá muối; bên này đường, dưới cổng trường Đồng Khánh màu hồng là những tà áo dài trắng tung bay. Tưởng chừng như muôn ngàn cánh chim sâu đang bay rợp một góc trời Huế trước khi tản mát vào những nẻo đường.
Những tà áo nữ sinh khác nào biểu tượng của sự yên bình, là sữa là mật rót vào lòng người.
Ông anh tôi chưa có người yêu để mà đón đưa, vậy mà cũng sắp hàng trong những cây si mọc rể trước đường Lê Lợi. Lúc bấy giờ, tôi mới hiểu trong chiến tranh người ta khao khát một chút gì đó êm ả, dịu dàng. Những tà áo nữ sinh khác nào biểu tượng của sự yên bình, là sữa là mật rót vào lòng người, làm nên những giấc mộng giúp người ta tiếp tục sống và đi qua những năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh.
Từ đó tôi mới nhìn thấy vẻ đẹp của những chiếc áo dài trắng tinh khôi trong sương sớm. Cả người, cả áo, cả sương mù quyện vào nhau, chợt có chợt không. Tôi bắt đầu nhận ra Huế nơi những chuyến đò ngang đầy nón bài thơ và tà áo trắng, trên mặt sông Hương lăn tăn gợi khói vào tiết lập thu, cũng là mùa tựu trường…
Rồi chiến tranh chấm dứt. Những năm mới có hoà bình đầy nỗ lực và gian khổ. Trường Đồng Khánh vẫn còn đó với chiếc cổng cổ kính, với màu vôi hồng và những cây bạch đàn trong sân. Nhưng một ngày nhà thơ Nguyễn Duy về thăm Huế đã thấy bùi ngùi:
Cái hồn của Huế hầu như chỉ thực sự trở về khi những tà áo trắng cuối cùng đã trở lại, không chỉ với Đồng Khánh, mà với khắp mọi mái trường.
Cái hồn của Huế hầu như chỉ thực sự trở về khi những tà áo trắng cuối cùng đã trở lại, không chỉ với Đồng Khánh, mà với khắp mọi mái trường.
Hơn mười năm, Huế vắng những cánh chim câu tinh khiết bay lượn trên những nẻo đường sương sớm. Huế có những con đường lớn hơn, những toà nhà mới hơn, những lăng tẩm được trùng tu và dường như xích gần lại chúng ta qua những tuyến đường du lịch. Nhưng cái hồn của Huế hầu như chỉ thực sự trở về khi những tà áo trắng cuối cùng đã trở lại, không chỉ với Đồng Khánh, mà với khắp mọi mái trường.
Bé Phượng, con gái tôi giờ đây đã là một nữ sinh trung học. Tôi may cho cháu những chiếc áo dài trắng mới. Nhưng cháu chẳng mặn mà cho lắm với những chiếc áo lướng vướng ấy. Và ngày nay cũng không còn cái cảnh nên thơ chiều tan học, với những đấng tu mi nam tử đứng sắp hàng chiêm ngưỡng: “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư”.
Dù vậy, mỗi sáng thứ hai thấy con gái ngập ngừng trông trời mưa để khỏi mặc áo dài, tôi vẫn bảo: “Ngày xưa cậu Vĩnh mỗi tuần phải đi 17 cây số chỉ để về Huế ngắm áo dài Đồng Khánh”. Ông anh họ tôi giờ đây đã chết, như rất nhiều người đã chết thật tình cờ vào những ngày cuối cuộc chiến. Khi chết, ông vẫn chưa có người yêu và không còn cơ hội để thấy những mơ ước thanh bình thành sự thực giữa đời thường.
Tôi về thăm Huế mưa sa
Em ơi Đồng Khánh đã là ngày xưa…
Mẹ ơi, có phải áo dài ngày xưa đẹp hơn bây giờ không? Con tôi hỏi. Tôi nhìn kỹ lại những tấm ảnh cô gái Huế thủa trước. Không, áo dài thủa ấy làm sao bì được với áo dài ngày nay. Chất liệu vải không mềm mại bằng, nghệ thuật cắt may cũng kém thua xa. Làm nên sức quyến rũ, chính là ở hồn của áo, một hồn thơ mãi mãi từ ngàn xưa cho tới tận bây giờ,và mai sau, mai sau nữa…
Còn hôm nay, nếu bé Phượng chưa thấy thích mặc áo dài, thì chỉ vì cháu cũng như những cô bé gái của hai mươi năm trước, không nhận ra vẻ đẹp của mình. Những tà áo của thời mới lớn bao giờ cũng thế, một vẻ đẹp không tự biết, chính vì thế mà càng đẹp, càng hồn nhiênm giản dị và mộng mơ…
Nguồn: netcodo