Huế khô hạn bất thường, toàn bộ thủy điện cạn nước giữa mùa mưa
Tin tức Huế – Chuyện thật như đùa: toàn bộ các thủy điện tại tỉnh TT-Huế bị khô nước ngay giữa mùa mưa năm nay. Đã hơn 3 thập kỷ qua mới có một năm quá bất thường cho ngành thủy văn xứ Huế.
Mục sở thị tại thủy điện Bình Điền (xã Bình Điền, Thị xã Hương Trà) những ngày giữa tháng 12, công trình vừa đi vào phát điện năm 2009, năm cửa van đóng im ỉm suốt hơn tháng nay. Phía bên kia đập là hồ nước với một ít nước trích lại từ những trận mưa cách đây hơn… 3 tháng, đồi núi thường ngày vào mùa mưa cuối năm chỉ còn thấy đỉnh, nay lộ ra những sườn đồi sát mép nước và cây xanh rậm rì. Bên dưới cửa đập, bằng mắt thường có thể thấy dễ dàng còn 2 vũng nước. Nhiều đoạn suối từ chân đập thủy điện dẫn về hạ lưu đã bị tắc nghẽn bởi không có nước.
Nhà máy do không có nước nên phải chạy một ngày chừng gần 4 giờ cho 1 tổ máy để đảm bảo dòng sinh thái cho phía hạ du. Theo số liệu chính xác, lượng mưa trung bình nhiều năm qua đạt đỉnh cao trình tích nước của thủy điện Bình Điền là 3.277mm, nhưng đến cuối năm này, vào thời điểm đầu tháng 12/2012, thủy điện chỉ nhận được lượng mưa hơn 2.000mm – thiếu hơn 1.200mm. Tính ra Bình Điền còn thiếu tổng dung tích nước là 323 triệu m3, một con số cực kỳ lớn.
“Năm ngoái khoảng 23 tháng 10 âm, nhà máy đã tích nước đầy hồ, năm nay thì không có để tích. Kế hoạch năm 2012 chúng tôi đề ra nay chắc chỉ đạt khoảng 64%. Tình thế này trong năm tới chắc sẽ khó khăn lắm. Tuy nhiên vẫn phải cố gắng để đảm bảo cho vụ mùa hè thu 2013. Nhà máy đã có văn bản gửi Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công thương, Công ty mua bán điện và Trung tâm điều độ Quốc gia thuộc EVN để xin trợ giúp trước tình thế khó khăn này” – ông Chu Văn Thành, Phó ban thường trực BCH PCLB Thủy điện Bình Điền cho biết.
Chúng tôi đến Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế và gặp ông Trần Kim Thành, PGĐ phụ trách mảng thủy lợi – thủy điện của Sở. Ông Thành ngao ngán cho biết: “Hai thủy điện Bình Điền và Hương Điền có mực nước chứa trong hồ chỉ cao hơn mực nước chết từ 2 đến 3 mét. Riêng thủy điện A Lưới thì ngang mực nước chết. Toàn bộ 3 thủy điện đã dừng phát điện, mỗi ngày chỉ phát vài tiếng để vận hành máy khỏi hư”.
Qua trao đổi, ông Thành cho hay đây là năm hạn dữ dội nhất tỉnh, dù các hồ thủy lợi cơ bản vẫn đảm bảo được nước nhưng hầu hết toàn bộ 3 thủy điện lớn nhất đều thiếu nước trầm trọng. Nguyên nhân cơ bản vẫn là thiếu mưa. Chuyện như Huế là xứ chuyên mưa dầm lê thê từ tháng 8 âm lịch trở đi với nhiều trận lụt bão mà năm nay ít có giọt mưa nào là điều quá hy hữu, cả 30 năm nay mới xảy ra.
Theo ghi nhận từ Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh, trong lịch sử thủy văn tồi tệ với lượng mưa thấp chỉ có xảy ra vào các năm 1982, 1988, nhưng tại thời điểm đó mưa ở miền núi vẫn cao trên 2.000mm. Hiện toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ đạt sản lượng điện khoảng 80% là tối đa. Tình thế này khiến cho bài toán nước và điện trong năm tới gặp rất nhiều khó khăn nếu không tính toán kỹ, nước phải “dè sẻn” cung cấp cho những ngành nào trọng yếu.Đây cũng là năm rất kỳ lạ khi mà chưa có trận lũ nào xảy ra tại cố đô Huế. Hệ lụy kéo theo là nhiều sâu bệnh, chuột gây hại vẫn sống nhởn nhơ ngoài đồng. Phân bón, thuốc trừ sâu trên toàn bộ thảm thực vật hoa màu canh tác của người dân vẫn còn tồn dư. Nếu có lũ, chắc chắn những yếu tố xấu trên sẽ bị cuốn sạch. Và đất sẽ có thêm nhiều phù sa để cây cối phát triển tốt cho những vụ mùa tới.
“Hiện chúng tôi đang bị tổng công ty phạt vì không phát điện đủ thời lượng như đã quy ước. Tuy EVN đã tăng giá điện lên đáng kể từ 634đ/KWh lên hơn 800đ/KWh nhưng nhà máy không còn điện để bán. Xem ra từ đây cho đến cuối năm có mưa mới là chuyện lạ” – ông Thành than thở.
Mới nhất, vào kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh TT-Huế (từ 7-12/12), ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh này đã phát biểu trước hàng trăm đại biểu cho rằng tỉnh rất lo trước vấn đề thủy điện thiếu nước nghiêm trọng sẽ có tác động xấu đến nhiều ngành nghề trong năm tới trong khi điều kiện kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn thách thức.
Đại Dương – Dân Trí