Kinh tế Huế

Huế kỳ vọng vào sự khôi phục để thu hút đấu tư

Kinh tế Huế – Với nhiều tín hiệu khả quan về thu hút đầu tư, kết hợp với chính sách thu hút đầu tư mới, Thừa Thiên Huế kỳ vọng sẽ tạo nên bước đột phá mới trong lĩnh vực này thời gian tới.
Phát huy tiềm năng và lợi thế
Đầu tháng 3/2013, tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị lãnh đạo tỉnh phát huy vai trò, vị trí, lợi thế chiến lược của tỉnh nằm trong vùng duyên hải miền Trung; tiếp tục thực hiện tốt quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội tỉnh đến năm 2020, phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

“Nếu khu vực Đại nội thuộc quần thể di tích Cố đô Huế được quan tâm giữ gìn, bảo tồn, cùng với nâng cấp cảng hàng không, đa dạng sản phẩm dịch vụ du lịch, thì lượng khách du lịch đến Huế chắc chắn sẽ tăng gấp nhiều lần. Huế nói riêng, cả nước nói chung, phải tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư, phát triển du lịch”, Chủ tịch nước chỉ đạo.
Với nhiều tiềm năng và cơ hội thu hút đầu tư, vài năm trở lại đây, Thừa Thiên Huế đã bứt phá ngoạn mục để vươn lên vị trí là một trong những địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài.
Nhằm đón đầu cơ hội thu hút đầu tư để từng bước chuyển mình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế đang nỗ lực huy động mọi tiềm lực, cải thiện môi trường. Đáng chú ý, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, ngoài các ưu đãi theo quy định hiện hành của Nhà nước, nhà đầu tư còn được hưởng thêm các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên một số địa bàn, dự án, như ưu đãi về thuế và đất đai; hỗ trợ các công trình kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào; ưu đãi, hỗ trợ các dự án trong khu công nghệ thông tin tập trung; hỗ trợ đào tạo; hỗ trợ xúc tiến đầu tư…
Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu công nghiệp
Thừa Thiên Huế xác định năm 2013 là năm “Xây dựng hạ tầng” để thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ lấp đầy các khu công nghiệp. Ban Quản lý các khu công nghiệp Thừa Thiên Huế phấn đấu thu hút 2.900 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư, thu hút thêm khoảng 3.000 lao động trong năm 2013.
Ông Nguyễn Hữu Trân, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2013, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho các dự án đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng khu công nghiệp; hỗ trợ các chủ đầu tư dự án thứ cấp xây dựng nhà máy, huy động các nguồn vốn để xây dựng các hạ tầng ngoài hàng rào, phục vụ cho các dự án trong khu công nghiệp.
Biện pháp để thu hút các dự án vào các khu công nghiệp là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, cũng như tăng cường các dịch vụ tư vấn hỗ trợ cho các nhà đầu tư, đặc biệt là công tác đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho các dự án và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Đến hết năm 2012, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu hút 78 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 15.864 tỷ đồng. Trong đó, có 40 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, với vốn thực hiện đạt 4.060 tỷ đồng.
Thu hút FDI trên đà hồi phục
Theo báo cáo năm 2012 về thu hút FDI, Thừa Thiên Huế đã cấp phép đầu tư mới cho 4 dự án, với tổng vốn đăng ký 16,2 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh đã cấp phép điều chỉnh cho 3 dự án, với tổng vốn đăng ký 15,737 triệu USD.
Đặc biệt, tỉnh đang hỗ trợ 8 nhà đầu tư nghiên cứu dự án, với tổng vốn đăng ký dự kiến 169 triệu USD.
Đến nay, Thừa Thiên Huế đã có 65 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.918,747 triệu USD.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Đình Khánh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2012, các dự án FDI đã có dấu hiệu triển khai trở lại sau một thời gian bị ảnh hưởng của khủng khoảng kinh tế thế giới, đặc biệt là các dự án lớn, nhà đầu tư có năng lực tài chính, như Dự án Laguna Huế, doanh nghiệp dệt máy HBI, Scavi, Dự án Nhà máy may của Công ty Tokyo Style Việt Nam Huế…
Nói về kế hoạch năm 2013, ông Khánh cho biết, tỉnh đặt mục tiêu thu hút 10 – 15 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký khoảng 150 triệu USD. Vốn đầu tư thực hiện dự kiến đạt khoảng 70,7 triệu USD, doanh thu 500 triệu USD, nộp ngân sách khoảng 1.400 tỷ đồng.
“Để thực hiện tốt mục tiêu trên, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt các quy hoạch còn thiếu, hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất, đẩy mạnh cải cách hành chính đối với công tác quản lý hoạt động FDI… Đặc biệt, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thu hút vốn FDI…”, ông Khánh nói.

Nguồn: baodautu.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button