Xã hội Huế

Khi người dân bắc cầu nối những bờ vui

Xã hội Huế – Thương cảnh bà con sống ở thượng nguồn sông Hương (Thừa Thiên -Huế) phải cách trở giao thông bởi sông Tả Trạch, “lụy đò” cực khổ suốt mấy chục năm qua, hai nông dân quê xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã vào thiết kế, bắc cầu phao để người dân đi lại dễ dàng, nhất là các em nhỏ đi học không còn phải lo lắng mỗi khi nước lũ đổ về. Việc làm nghĩa hiệp của hai nông dân này đã khiến nhiều người cảm phục…
Những ngày đầu tháng 5 này, người dân tỉnh Thừa Thiên-Huế ở xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà) và xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy), sống hai bên bờ sông Tả Trạch, khu vực thượng nguồn sông Hương, đã hết sức vui mừng khi chiếc cầu phao của anh Trần Văn Trường (biệt danh Trường “Hai lúa”) và anh Trần Công Chức (đều trú xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) hoàn thành đưa vào sử dụng. Kể từ đây, họ không còn phải sống trong cảnh tròng trành đò ngang, đối mặt với bao hiểm nguy rình rập như trước nữa.
Chị Mai Thị Hoa, ở thôn Bằng Lãng, xã Thủy Bằng, nhà nằm ngay sát chân bến đò – nơi mà anh Trường chọn vị trí bắc cầu đã không giấu được niềm vui: “Tui ở đây đã 47 năm rồi nhưng hôm nay mới lần đầu tiên tận mắt thấy chiếc cầu phao bắc qua con sông Tả Trạch ni. Bà con ở đây ai nấy đều mừng lắm chú à”. Vì bị chia cắt bởi sông nước, giao thương buôn bán khó khăn nên đời sống của bà con ở các thôn “ốc đảo” như: Sơn Thọ, Thạch Hàn, La Khê Trẹm, Kim Ngọc và Đình Môn của xã Hương Thọ còn rất nghèo khó.
Đặc biệt vào mùa mưa lũ, con em học sinh nơi đây bất chấp nguy hiểm khi tròng trành đò ngang đến trường. “Nhiều hôm nước lớn chảy xiết, sợ nguy hiểm đến tính mạng các cháu nên phụ huynh không cho con em đi học nữa, nhưng giờ có cầu thì yên tâm rồi”, chị Hồ Thị Minh Châu tâm sự…

Bên chiếc cầu phao mới hoàn thành, Trường “Hai lúa” kể rằng, vào năm 1987, anh đi bộ đội, 3 năm sau xuất ngũ về quê rồi cưới vợ. Vợ chồng gom góp vốn liếng nuôi tôm sú nước lợ. Thế nhưng, trận lũ tháng 9/2005 đã cuốn phăng mọi công sức kèm theo khoản nợ 150 triệu đồng từ ngân hàng. Trắng tay, anh xin đi giữ 50 héc ta rừng, chăn một đàn bò và dê gần cả trăm con cho một ông chủ ở huyện Triệu Phong.
Sau một năm có được ít vốn, anh về quê tậu con xe 81 rồi thuê một cái quầy nho nhỏ ở thị trấn Hồ Xá để buôn tôm. “Đến năm 2008, nghe nói bến đò ông Bớ ở xã không có người làm, thế là mình viết đơn xin đi… chèo đò”, anh Trường nhớ lại.
Chính những ngày tháng chèo đò đưa khách sang sông ấy, anh Trường hiểu rằng, phải làm sao bắc được một chiếc cầu cho bà con đi để chấm dứt cảnh đò ngang nguy hiểm. Nghĩ là làm, anh cùng một số bạn bè là anh Trần Công Chức và anh Trần Duy Bôn ở xã Vĩnh Sơn và Phạm Dũng ở xã Triệu Thuận (Triệu Phong, Quảng Trị) góp vốn bắc chiếc cầu phao qua sông Bến Hải. Cầu dài 120m, rộng 2,5m, với số tiền đầu tư 1,8 tỷ đồng. Và tình cờ một lần đi đò lên “ốc đảo” Sơn Thọ, thấy các em học sinh và người dân nơi đây phải khổ sở khi “lụy đò”, anh về bàn bạc cùng anh Chức để một lần nữa đưa ra quyết định bắc cầu phao ở đoạn sông này.
Anh tâm sự: “Với số tiền đầu tư 4 tỷ đồng, hai anh em tui dự tính sẽ thu phí khoảng gần chục năm với giá xe đạp 1.000 đồng/lượt, xe máy 3.000 đồng/lượt… thì khoảng chục năm sau sẽ hoàn vốn. Nhưng để bảo đảm an toàn cho chiếc cầu, anh em tui còn đầu tư trên 30 triệu để xây hẳn hai trụ móng âm lớn ở hai bờ, lắp đặt 13 tấm biển báo đường sông, đặc biệt là thiết kế khoang thông thuyền rộng 10m, cách mặt nước 4m để tàu thuyền được ra vào trên sông dễ dàng”.
Chiếc cầu được thiết kế bằng 1.000 thùng phuy nhựa 120 lít (100 dàn phuy), dài 160m, rộng 2,5m, mặt cầu được ráp bằng những tấm sắt dài 6m, dày 3 ly, hai bên thành cầu còn có lan can sắt chắc chắn do hai “kỹ sư chân đất” này và hơn chục người thợ tay nghề cao làm nên…
Trao đổi về việc bắc cầu phao nối đôi bờ sông Tả Trạch của anh Trường và anh Chức, ông Mai Văn Xuân – Chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho biết: “Khi các anh Trường và Chức đề xuất ý kiến bắc cầu phao cho bà con và học sinh trong xã thuận tiện việc đi lại, học hành, lãnh đạo chính quyền địa phương và người dân đều ủng hộ. Xã nhanh chóng tạo điều kiện giải quyết các thủ tục pháp lý và giúp đỡ công tác giải phóng mặt bằng. Chiếc cầu phao đã được đưa vào sử dụng từ ngày 30/4, nhưng vẫn chưa thu phí, đến khi nào UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế có quyết định mức giá thu thì mới tiến hành thu phí người đi qua cầu”.
Còn ông Trần Văn Trí – Trưởng thôn Bằng Lãng, không giấu được niềm vui lẫn sự xúc động: “Người dân địa phương không ai thể ngờ gần 80 năm “lụy đò” đến nay lại có được cầu qua sông, mà cây cầu lại do các nông dân ở tỉnh Quảng Trị vào làm…

Nguồn: cand.com.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button