Không “Phật lớn chùa to”, nhưng ai cũng biết…
Văn hóa Huế – Từng được mệnh danh là kinh đô Phật giáo, Huế có mật độ chùa chiền, tự viện tập trung khá dày đặc. Trong đó có nhiều Tổ đình, cổ tự hết sức nổi tiếng như Thiên Mụ, Từ Đàm, Bảo Quốc, Tây Thiên, Từ Hiếu, Vạn Phước, Thuyền Tôn…Cũng tại đất Cố đô này, có một ngôi chùa khác tuy không thuộc loại “Phật lớn chùa to” nhưng hầu như dân Huế ai cũng biết tiếng: Chùa Ba Đồn.
Chùa Ba Đồn nằm trên đường Tam Thai, thuộc phường An Tây, Tp Huế. Ngôi chùa này khá đặc biệt bởi “do các phường nghề (các phổ) tự lập và những người giữ chùa là những người bán thế xuất gia (có gia đình), không có tu sĩ như các chùa khác” (Dư địa chí Thừa Thiên Huế).
Các tài liệu nghiên cứu cho hay, vào năm 1803, để xây dựng Kinh thành Phú Xuân, vua Gia Long cho giải tỏa 8 ngôi làng ở bờ bắc sông Hương. Số mồ mả không có người nhận được cho dời lên hiệp táng (chôn chung) tại khu vực Ba Đồn bây giờ, gọi là cồn mồ 8 làng. Sau đó, xây dựng đàn Nam Giao và lăng Gia Long, những mồ vô chủ lại được dời tiếp đến đây an táng, tạo thành hai cồn mồ lớn nữa. Năm 1835, vua Minh Mạng cho lập một bàn thờ ở giữa trời (đàn) tại cồn mồ 8 làng đề hằng năm nhà nước tổ chức cúng tế những cô hồn của 8 làng. Về sau, cho dựng thêm hai đàn nữa để cúng tế những cô hồn của cồn mồ thứ hai và thứ ba. Dân chúng gọi ba cồn mồ có ba đàn hằng năm tế lễ đó là Cồn mồ Ba Đàn. Cái tên Ba Đồn có lẽ được đọc trại từ Ba Đàn mà định danh cho đến nay.
Năm Ất Dậu 1885, sau biến cố thất thủ Kinh đô (23 tháng 5 âm lịch), di hài, di cốt của hàng ngàn tử sĩ, dân chúng đã hy sinh, tử nạn trong trận chiến không cân sức với giặc Pháp cũng được đưa lên Ba Đồn hiệp táng và hình thành thêm một số Cồn mồ nữa. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, đó là lý do để có thể xem Ba Đồn là một Nghĩa Trang Liệt Sĩ mở đầu thời chống xâm lược Pháp.
Công chúng, phật tử đến Ba Đồn để nguyện cầu, tưởng niệm…
Dưới thời nhà Nguyễn, việc cúng tế tại Ba Đồn rất được chú trọng. Ngoài lễ tế của triều đình, các phường nghề còn có ngày cúng tế của riêng mình. Dịp tháng 5 âm lịch, tưởng nhớ các anh linh, vong linh trong biến cố thất thủ Kinh đô, Lễ cúng âm hồn do các phổ tổ chức ở Ba Đồn kéo dài cả tuần lễ, bắt đầu từ ngày 23 tháng 5 cho đến cuối tháng 5 âm lịch. Rất nhiều câu chuyện đã được đồn thổi, thêu dệt hư hư thực thực chung quanh khiến cho Ba Đồn nổi tiếng linh thiêng. Một thời gian rất dài, rất nhiều người mong tìm đến đây xin quẻ xăm đầu năm để xem tài vận thế nào trong năm tới…
Năm 2005, nghĩa địa và chùa Ba Đồn được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm ngoái, nhân kỷ niệm 127 năm ngày thất thủ Kinh đô (1885-2012), một đại lễ cầu siêu và tế âm linh cô hồn đã được tổ chức trang trọng tại đây. Đại diện lãnh đạo tỉnh, thành phố Huế, các cơ quan, ban ngành hữu quan và hàng ngàn phật tử, công chúng đã tựu về, dâng nén tâm hương, đồng lòng tưởng nhớ, cầu nguyện…
Nguồn: baothuathienhue.vn