Làng đan bên phá Tam Giang
Du lịch Huế – Ở một vùng đất hun hút gió Tam Giang, thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, có một làng cổ mang tên Bao La. Nhiều người biết đến nơi này như là “lò” cung cấp thúng, mủng, giần, sàng… cho cả vùng đầm phá mênh mông, nhưng ít ai ngờ rằng, làng đan Bao La đã trải qua lịch sử hơn 600 năm với bao biến cố, thăng trầm mà vẫn giữ được cái nghề có từ thời mở cõi.
Đi tìm lịch sử
Ông bà xưa có câu: “Ruộng mẫu bề bề không bằng một nghề trong tay”. Có lẽ, hơn ai hết, người dân Bao La thấm thía với cảnh “theo đuôi con cá” trên sóng nước đầm phá Tam Giang nên càng phải kiếm tìm cho mình một nghề để tồn tại. Bên cạnh nghề nông và chài lưới bên đầm phá, nghề đan lát mây tre đã đến với làng rồi trở thành một nghề truyền thống hết đời này sang đời khác với chiều dài 600 năm có lẻ. Ông Thái Ngọc Tác, chủ một hộ “sống dựa” hoàn toàn vào nghề đan, vẻ mặt đầy tự hào khi kể với tôi về những dấu mốc lịch sử tạo nên hình hài của làng mình: “Năm 1491, trong bản đồ Hồng Đức đã xác định địa lí làng Bao La thuộc huyện Đan Điền, tổng Phú Ốc. Năm 1804, theo địa bộ Gia Long, làng Bao La thuộc huyện Quảng Điền. Đến năm 1917, khi vua Khải Định tròn 40 tuổi, đã thừa lệnh của các tiên đế sắc phong 3 họ khai canh, khai nghề của làng. Như vậy, làng tui là một trong những làng nghề cổ nhất nhì xứ Thừa Thiên này rồi đó!…”.
Nghe ông Tác nói vậy, trong suy nghĩ của một lữ khách đến từ phương xa – là tôi, gợn lên thật nhiều xúc cảm. Thật lạ kỳ, đã trải qua hơn 6 thế kỷ dằng dặc với bao biến cố, tên huyện, tên tỉnh và cả tên nước thay đổi nhưng làng Bao La vẫn còn đó, vẫn là một làng quê nông nghiệp và nghề truyền thống đan mây tre của thời mở cõi. Có lẽ, ở Bao La, biết bao thế hệ, từ lúc chào đời cho đến khi trở về với đất đã lớn lên trong tiếng vuốt lạt, chẻ tre của những người cha, người mẹ tảo tần bên những ngôi nhà nhỏ. Và cũng kỳ lạ không kém, cho đến bây giờ, những sản phẩm truyền thống như rổ, rá, nong nia, thúng, mủng… tưởng đã biến mất trước trùng trùng điệp điệp các sản phẩm tân kỳ, mà vẫn có mặt khắp nơi, trở thành niềm tự hào của làng.
Nói về nghề đan của làng Bao La, ông Thái Ngọc Tác cho biết thêm: “Nghe ông bà tui kể lại, ngày xưa, cả làng Bao La đều làm nghề đan. Hễ cứ xong mùa vụ là nhà nhà mang tre ra để đan. Bây chừ, làng Bao La có 6 xóm, mỗi xóm chuyên về một mặt hàng: Xóm Chùa chuyên đan rá; xóm Chợ chuyên đan giần, sàng; xóm Đông chuyên đan thúng, mủng; xóm Đình và xóm Hóp chuyên đan rổ, rá các loại; xóm Cầu chuyên đan nia, thúng, mủng…”. Nghe những gì ông Tác tâm sự, tôi như thấy cái quá vãng của làng Bao La năm xưa như vẫn còn hiển hiện cho đến bây giờ với sự tấp nập của người đan, kẻ mua. Nếu “đúc kết” nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại bền bỉ, dẻo dai đến khó tin của một làng nghề, có lẽ, chỉ có thể nói rằng: Qua bàn tay và khối óc cùng sự cần cù của mình, những lưu dân Bao La đã xây dựng một làng quê sung túc từ cây lúa và cây tre.
“Sự tích” lãng mạn
Đi tìm “sự tích” của nghề đan ở Bao La là cả một câu chuyện dài với không ít chi tiết li kỳ pha màu lãng mạn. Chuyện rằng: Vào năm xửa năm xưa, một trai làng Bao La lên đường gia nhập đội quân phò vua giết giặc. Hết cuộc chiến chinh, người lính trở về làng với hành trang duy nhất là một chiếc lờ tôm. Anh kể với dân làng rằng có lần cùng với đồng đội hạ trại ở một vùng quê cũng có nhiều đầm phá, sông ngòi giăng mắc, anh đã gặp và rồi thầm yêu một người con gái ở đó.
Cuộc đời lính nay đây mai đó đã không cho phép những lời thề non hẹn biển của đôi trai gái trở thành hiện thực. Họ chia tay trong sự nuối tiếc. Kỷ vật nàng tặng người lính là một chiếc lờ tôm cùng lời dặn: “Khi nào lờ hỏng là chúng ta quên nhau!”. Dừng bước đăng trình trở về quê, người lính ấy mang theo chiếc lờ tôm cùng mối tình thơ mộng về làng. Thương người con gái xa xôi, lại sợ chiếc lờ tôm bị hỏng theo thời gian, anh quyết giữ kỷ vật của người yêu bằng cách “nhân giống” chiếc lờ thành một nghề của làng. Theo thời gian, từ chiếc lờ tôm, nhiều sản phẩm đan lát khác nối nhau ra đời và trở thành nghề truyền thống của làng lúc nào không hay.
Nghe tôi nhắc đến câu chuyện tình lãng mạn này, một đồng nghiệp người địa phương mà tôi tình cờ gặp ở làng Bao La – tự nhận rằng đã “mê như điếu đổ” nghề đan và thường qua lại Bao La như cơm bữa – cười: “Câu chuyện có phải là cổ tích của làng Bao La hay không thì tui không rõ, nhưng có một điều chắc chắn rằng, cho đến nay, làng có 380 gia đình thì cũng từng ấy nhà gắn với nghề đan”. “Gắn với nghề đã nhiều thế kỷ, đến thời điểm hiện tại, cuộc sống đã có nhiều biến chuyển với các sản phẩm cùng loại nhưng lại được làm bằng các vật liệu hiện đại, theo anh, làng Bao La có tiếp tục sống được nhờ nghề đan này không?” – Tôi hỏi anh bạn đồng nghiệp và nhận được câu trả lời: “Người ta dù sống với các tiện nghi hiện đại đến mấy cũng làm răng quên được cái gốc của mình. Tui nói vậy lại muốn “vận” vào số phận của những sản phẩm nghề đan của làng Bao La. Quả thật, từ sau khi đất nước mở cửa, hàng mây tre đan làng Bao La từ chỗ tỏa ra khắp các tỉnh thành, bỗng khựng lại. Thế rồi trong cơn bĩ cực, đã lóe sáng một con đường.
Trong quá trình khôi phục các làng nghề truyền thống, làng nghề mây tre đan Bao La đã từng bước “sống dậy” và tiến ra thị trường, hòa nhập vào cuộc sống hiện đại trên nền tảng của văn hóa truyền thống. Chắc chắn rằng, với nhiệt tâm và lòng yêu nghề của mình, người làm nghề ở làng Bao La sẽ còn tiến xa, tiến một cách vững chắc…”.
Nghề đan “hội nhập thế giới”
Trao đổi với tôi về dự hướng phát triển của làng nghề, ông Võ Văn Dinh, Chủ nhiệm Hợp tác xã Mây tre đan Bao La cho biết, từ lâu, lãnh đạo địa phương luôn tâm niệm, để cho cuộc sống của người làm nghề đan khá lên đòi hỏi phải đa dạng hóa các sản phẩm theo hướng ngày càng đậm chất truyền thống. Đó chính là hướng đi mới cho làng nghề. Hiện, hầu hết các hộ làm nghề ở Bao La vừa sản xuất hàng gia dụng, vừa sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ cho khách du lịch cũng như xuất khẩu với hàng trăm mẫu mã, trong đó có nhiều mẫu đạt đến độ tinh xảo.
Cách đây chưa lâu, một chuyên gia của tổ chức thương mại châu Âu, vì quá “hâm mộ” những sản phẩm thủ công có độ tinh tế và thẩm mỹ cao của làng nghề Bao La đã giúp làng tạo ra 6 mẫu mới như lẵng đơm hoa, các loại giá treo đèn trang trí…. “Tại triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống tổ chức tại Hà Nội vừa qua, trong số 16 đơn vị mây tre đan cả nước dự thi thì Bao La là một trong 4 đơn vị được chọn hàng đi triển lãm ở châu Âu… Ngoài châu Âu, chúng tôi còn tự tìm kênh đưa sản phẩm của mình giới thiệu với các nước trong các kỳ hội chợ như: Anh, Pháp, Thái Lan, Nhật Bản…” – Ông Võ Văn Dinh tự hào.
Theo chân ông Dinh, tôi vào thăm gia đình chị Nguyễn Thị Thúy, một thợ đan có tiếng của làng Bao La. Vừa thoăn thoắt tay đan, chị vừa cho biết: “Nghề đan kỳ công lắm đó, chú ơi! Muốn đan được một cái thúng tốt, tụi tui phải ra Phò Trạch, An Lỗ hay lên tận Cù Bi, Hiền Sĩ mua lồ ô, cưa lấy đoạn gốc vót vành tròn lót trong. Đoạn giữa chẻ nan vót nan đan mên. Riêng khúc gần ngọn hơn thì chẻ mảnh hơn để uốn thành miệng thúng rồi nức vành. Sau cùng đốt lửa rơm hui cho cháy xơ tre, cho cái thúng bén lửa ngả màu vàng ruộm khói bếp để chống mọt…”. Như muốn “ví dụ” về cái sự kỳ công của nghề mình theo đuổi, chị Thúy trải một cái mên thúng ra, dùng mấy ngón chân dằn lại rồi lấy một cật tre gộc, chấn vào các mắt mên, sau đó, dùng dùi cui tre gõ nhẹ, thúc những ô vuông nan tre sít chặt với nhau.
Xem chị Thúy làm, tôi thầm nghĩ, chả trách thúng của người làng Bao La làm ra như người ta thường nói, đến bột cũng không lọt qua được, như câu ca dao đã lưu truyền từ mấy trăm năm ở dải đất miền Trung: “Thúng mủng Bao La đem ra đựng bột/ Chiếu Bình Định tốt lắm ai ơi…”. Và hèn gì, các loại mặt hàng gia dụng của làng nghề Bao La dù đứng trước nguy cơ xâm lấn thị trường của các mặt hàng nhôm nhựa hoa hòe, hoa sói mà vẫn đứng vững. Tưởng như nghịch lý, nhưng rõ ràng tốt, bền quá, người ta ít mua thay và không biết, trong thời hiện đại, “nghịch lý” này liệu có thành cổ tích?…
…Tạm biệt làng Bao La, trong tôi luôn có sự liên tưởng về cái “nghịch lý” chưa rõ sẽ trở thành quá vãng hay sẽ tồn tại cùng nghề đan của làng mãi mãi và câu chuyện cổ tích về anh lính, người “khai phá” nghề đan ở làng Bao La – nếu là nhân vật có thật – giờ thành người thiên cổ. Hẳn anh lính ấy đã mang theo chiếc lờ tôm cùng mối tình với cô thôn nữ vùng sông nước ở một ngày xa xưa trong lịch sử về miền hoang lạnh. Chỉ còn nghề đan là ở lại mãi với người Bao La…
Nguồn:cNguyễn Đăng An – baomoi.com