Đất - Người Huế

Làng lặn biển

Đất – Người Huế – Dù biết nghề lặn biển luôn đối mặt với thần chết nhưng người dân vẫn phải theo vì đây là nguồn sống duy nhất của làng.
Làng Phú Hải 1, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) là một ngôi làng nghèo ven biển, được bao bọc bởi đồi cát. Người dân nơi đây quanh năm mưu sinh bằng nghề bắt tôm, ốc dưới đáy đại dương.
Tập sống dưới đáy đại dương
Ông Trần Đình Huế, 55 tuổi, có hơn 30 năm sống bằng nghề lặn ốc, với bề dày kinh nghiệm ông đã trở thành “thầy lặn”. Nhiều trai làng đến nhờ ông dạy cách “sống” dưới đáy đại dương. Ông nói: “Nghề lặn rất nguy hiểm, không phải cứ ngậm ống ôxy là lao xuống đáy biển được. Tôi dạy cho thanh niên chủ yếu là cách phát hiện luồng nước độc, giữ nhiệt trong cơ thể hoặc lặn lâu mà không bị nhức xương”. Ông Huế kể: “Ngày xưa bọn tôi đi lặn biển không có bình ôxy như bây giờ, nên xuống vài phút phải nổi lên và chỉ lặn độ sâu 4-5 m, hiểm nguy cao hơn. Giờ thanh niên làng chế được bình gas thành bình ôxy, nên chỉ cần nắm vững các bài học cơ bản là có thể tự tin sống dưới đáy đại dương cả ngày, với độ sâu lên đến 20-25 m…”.
Một trong những học trò giỏi của thầy Huế là anh Phan Vọng, 30 tuổi. Anh khoe: “Mình học lặn từ thầy Huế năm 14 tuổi, nên giờ mình có thể sống dưới biển với độ sâu 20-25 m cả ngày liền”.

Nghề biển luôn đối diện với hiểm nguy nhưng vì không tìm ra nghề gì nên từ thanh niên đến người lớn đều phải ra khơi.

Để có được thành tích đó anh phải dày công. Lúc đầu nghe nói lặn độ sâu 6-7 m đã sợ. Nhưng ở làng muốn có cái ăn thì nhất quyết phải học lặn. Lúc đầu anh học lặn chay (không bình ôxy) ở sông. Khi cảm giác biết ngụp lặn và làm chủ được nước, thầy bắt đầu cho dùng bình ôxy, tập lặn ở độ sâu chừng 2-3 m. Thời gian đầu lặn chỉ được 8-10 phút vì tức ngực và khó chịu. Khoảng một tháng sau thì quen dần và bắt đầu đi lại được dưới đáy sông.
Sau đó thì bắt đầu ra biển, lặn ở độ sâu 10 m, dưới áp lực nước, cứ nín được 10 phút lại phải nổi lên, vì nhức xương và chảy máu mũi. Thầy liền dạy cho Vọng cách xì hơi tai. Tức là khi nhảy xuống biển chỉ cần nín thở và đẩy hơi trong cơ thể ra khỏi tai. Từ đó anh có thể đi lại dưới biển cả ngày!”.
Hiểm nguy đời lặn
Anh Trần Đình Thuận, 28 tuổi, có 15 năm làm nghề lặn biển thở dài: “Cái nghề này bạc lắm chú ơi, cực nhọc và sống-chết luôn treo lơ lửng trên đầu…”. Anh kể: “Cách đây hai tuần tôi và ba bạn thuyền ra biển, vừa xuống độ sâu 20 m thì thấy nhức xương và máu mũi trào ra. Tôi liền ngoi lên khỏi mặt nước, lên thuyền chân, tay tê cứng. Mấy anh em bàn để tôi vào bờ nhưng tiếc công và tiền xăng bỏ ra khơi nên liều ở lại. Ngồi trên thuyền thấy anh em ngụp lặn cực tôi không ngồi yên được và tiếp tục buộc chì nhảy xuống biển làm việc trở lại. 2 tiếng đồng hồ tôi bị đau lại. Lần này, tôi cũng kịp nổi lên mặt nước nhưng miệng và người không cử động được, mọi người hoảng chở tôi vào bờ. Sau hai tháng điều trị ở bệnh viện tôi mới lành…”. Tưởng lần đó anh Thuận sẽ bỏ nghề lặn biển nhưng vì phải kiếm gạo nuôi vợ và một đứa con nhỏ nên anh lại đi tiếp.

hue24h

Anh Phan Vọng đang chuẩn bị đồ nhái ra khơi lặn tìm tôm hùm, ốc.

Theo anh Thuận, đầu năm 2012 cả làng đi biển gặp nước độc: “Hơn 20 chiếc thuyền, có trên 100 người ra biển trúng độc chân, tay tê cứng và nhức xương phải đi cấp cứu tại trạm xá. Luồng nước này thường xuất hiện vào tháng 5, nếu thợ nào lặn trúng luồng chính của nước độc thì nguy cơ bị bại liệt hoặc chết rất cao…”.
Từng gặp nạn trên biển, anh Nguyễn Văn Sơn vẫn lạnh dọc sống lưng khi nhớ lại: “Tháng 1-2013, tôi và bốn bạn thuyền ra biển lặn bắt tôm hùm. Lúc tôi nhảy xuống độ sâu 20 m thì nghe nhức xương, dù vậy tôi vẫn cố gắng không nổi lên mặt nước. 1 tiếng đồng hồ sau, máu trong mũi trào ra, tay chân cứng đờ khiến tôi không đủ sức tháo chì để người nổi lên mặt nước. Tôi liền nhả vòi ôxy lấy miệng tháo sợi dây buộc chì, đạp cho người nổi lên và kêu cứu. Anh bạn ngồi trên thuyền nhảy xuống đưa lên. Tôi thấy người cứng đờ và lịm đi…”. Ông Nguyễn Tài (bố Sơn) ngồi bên cạnh tiếp: “Lúc người ta chở về nó vẫn bất tỉnh, da xanh, miệng sùi bọt mép, tôi liền thuê xe đưa nó vào thẳng BV Trung ương Huế… Lúc nhập viện, bác sĩ bảo nguy cơ sống sót chỉ 10%. Nghe vậy tôi chết lặng… mẹ nó thì khóc thét giữa bệnh viện. May mắn sau hai tháng nằm bất tỉnh nó dần hồi phục, giờ sức khỏe đã đỡ hơn nhưng chân vẫn còn bị tê và đi lại khó khăn…”.
Giờ nhắc đến chuyện đi biển, anh Sơn buồn nói: “Tôi cũng muốn rời quê kiếm nghề khác làm cho đỡ khổ và giữ được cái mạng nhưng vướng vợ con nên chắc ở lại đây tiếp tục lặn để kiếm gạo thôi…”.

hue24h

Ông Trần Đình Huế dù đã lớn tuổi nhưng vẫn theo con ra khơi lặn tìm ốc kiếm sống. Ảnh: V.LONG

Đường cùng!
Ông Nguyễn Ngọc Chinh, trưởng thôn Phú Hải 1, cho biết toàn thôn có 225 hộ với 880 khẩu: “Đất nông nghiệp ít nên hầu hết người dân sống bằng nghề lặn biển kiếm sống. Thôn có trên 20 thuyền nhỏ và gần 200 người thường xuyên lặn biển. Sở dĩ người dân nơi đây chọn nghề lặn nhiều là do không có kinh phí đóng thuyền lớn để ra khơi…”.
Ông Trần Đình Lý, 55 tuổi, ứa nước mắt khi nhắc đến chuyện ba người con đều theo nghiệp bố: “Buồn lắm chú ạ, làm cha mà chẳng tìm được nghề nào tốt cho con. Ai cũng biết nghề lặn tôm hùm, ốc bạc lắm! Lại luôn phải đối mặt với bệnh tật nhưng sống giữa vùng cát này biết làm cái gì ra tiền, nếu không ra biển. Nghề này nó rút ngắn tuổi thọ con người đến vài chục năm. Tôi năm nay mới 50 tuổi mà già khụm, râu tóc bạc phếch. Tôi nhớ cách đây chừng 10 năm, gần tạ gạo trên vai mang chạy hàng chục kilomet nhưng giờ thì chịu, sức lực kiệt rồi. Cũng vì nghề bán sức nên làng này có mấy người lặn biển sống thọ đâu…”.
Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Thạch, 52 tuổi, hằng ngày vẫn cùng năm đứa con ra biển, kể: “Cách đây hai năm, tôi quyết không cho đứa út theo nghề lặn biển nên dạy cho nó cách bủa lưới gần bờ. Nhưng giờ cá tôm trong bờ khan hiếm làm không đủ ăn. Thấy vợ con xanh xao vì đói nó lại phải học nghề lặn, giờ tôi và năm đứa con đều theo nghề này”
Theo ông Thạch, mỗi năm nghề lặn biển chỉ hoạt động thường xuyên chừng năm tháng (từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch), nên thu nhập bấp bênh, cuộc sống không mấy dễ thở…
Không chỉ đàn ông lặn biển mà bà Nguyễn Thị Vòm, 50 tuổi, cũng phải học nghề lặn. Bà Vòm cho biết ngày xưa, đàn ông lặn biển, đàn bà đi bủa lưới ở cửa cảng Chân Mây nhưng từ khi cảng Chân Mây cấm người dân đánh bắt cá khiến cuộc sống thêm khó khăn: “Huyện, tỉnh về nói chúng tôi dừng đánh bắt cá để tàu hàng ra vào cảng được an toàn, đổi lại người dân sẽ được tỉnh giải quyết việc làm ở cảng Chân Mây và một số nơi khác. Nghe vậy dân chúng tôi mừng và đồng ý ngay. Nhưng lời nói gió bay, hơn năm qua con tôi và nhiều người dân nộp hồ sơ, xin vào làm nhân viên nhặt rác ở trong cảng cũng chẳng ai nhận. Tôi giờ 50 tuổi cũng phải học lặn theo con ra khơi tìm tôm, ốc bán nuôi thân”.

Nguồn: phapluattp.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button