Đất - Người Huế

Lão bà trong tư thất của Thượng thư Bộ lễ Phạm Hữu Điển

Đất – Người Huế – Một trong những kiến trúc đặc trưng của Huế là nhà vườn. Hai khu vực có nhiều nhà vườn nhất là Vĩ Dạ và Kim Long. Vĩ Dạ, cái chốn nửa thôn quê, nửa thị thành mà ai cũng biết ấy xuất hiện trong một kiệt tác của Hàn Mặc Tử. Người thi sĩ yểu mệnh đem lòng yêu một cô gái xứ Huế, người thôn Vĩ Dạ. Sau khi nghe tin thi sĩ họ Hàn bị bệnh, nàng mới gửi ra Quy Nhơn một tấm ảnh mặc áo lụa trắng đứng dưới bóng cây ngợp màu xanh, và từ ấy, “Đây thôn Vĩ Dạ” đã khiến thôn nhỏ sau bờ Đập Đá trở nên bất tử.

Trong Vĩ Dạ thôn giờ có con đường Hàn Mặc Tử quanh co ven bờ kênh, thơ mộng những ngôi nhà mà thoáng trông đã thấy “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Hiện nay Huế có tới hơn 4.000 nhà vườn. Người Huế ở đất rộng, đã sở hữu nhà vườn thường có khuôn viên từ 400-600m.

Tuy nhiên, ngôi nhà bên trong thì vô cùng trái ngược. Nhiều gia đình Huế hiện vẫn sống chung nhiều thế hệ, nên mỗi gia đình nhỏ lại thiết kế cho mình một không gian riêng, đơn giản là những bức tường ngăn giữa các phòng con trong một căn phòng lớn. Mỗi phòng chỉ rộng hơn chiếc giường đôi một chút, vừa đủ để kê 1 giường, 1 tủ cho một gia đình nhỏ sinh hoạt. Đó thực sự là những căn phòng tí hon với các ô cửa sổ và cửa ra vào cũng tí hon.

Khách xa đến dễ thường ngạc nhiên sao khuôn viên sống của họ rộng làm vậy, vườn nhà nào nhà nấy đều rộng gấp năm gấp chục lần không gian sinh hoạt riêng, vậy mà họ phải chịu ở khổ trong những căn phòng chũm chọe ấy. Liệu có phải cũng lại là một đặc thù tính cách và văn hóa sống của người xứ Trung kỳ, những con người sống tằn tiện, tiết kiệm song không hề keo kiệt. Họ luôn sẵn sàng mở cửa chào đón những người hàng xóm, những khách phương xa mong muốn được nghỉ chân, nhưng lại cần kiệm với chính mình. Tuy nhiên, những “nhỏ nhắn” và “xinh xắn” ấy ở Huế lại làm nên một thi vị đặc thù cho xứ đô thành thơ mộng.

Nhà rường cổ của Huế nằm trong những khu nhà vườn chủ yếu tập trung ở đường Kim Long. Nhiều nhất là khu Phú Mộng – Kim Long, nay đã biến thành một điểm tham quan với tấm biển chỉ dẫn lớn có sơ đồ, đánh số và ghi tên từng nhà vườn dựng ngay bên bờ sông Hương đối diện khu Phú Mộng. Đó là xóm nhà vườn dễ thương bậc nhất mà tôi từng nhìn thấy. Phú Mộng là một con đường nằm ven bờ kênh nhỏ.

hue24h

Nhà vườn san sát hai bên. Trong khu xóm này có nhiều dịch vụ du lịch bao gồm 1 nhà hàng “Ancient Hue” tráng lệ như phủ thượng thư, 1 hotel màu trắng kiến trúc kiểu Pháp ẩn giữa “nắng hàng cau” và hàng chục nhà vườn cổ chính thức được công nhận như Phú Mộng Viên (từng là tư thất của Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết), Nhã Viên (của Tri phủ Hoàng Văn Đoài), Tích Thiện Viên (của Tú tài Lương Văn Chánh), An Lạc Viên (của Thị lang Mai Quang Hàm)…

Đầu tiên tôi tham quan Thường Lạc Viên (từng là Phủ của Tả quân Lê Văn Duyệt), được đánh số 1 trong sơ đồ. Nhưng tôi thất vọng quá, ngoài mấy dãy nhà cấp bốn thì phủ tả quân chỉ còn là một nhà rường thấp bé nom có phần giống điện thờ của một gia tộc. Giờ các tư thất đều thuộc quyền sở hữu của dân thường, nên khách vào tham quan cứ tham quan, chủ nhân cứ làm việc của họ.

Tôi thầm nhủ rằng viên cận thần thân thiết của Nguyễn Ánh, từng làm đến Khâm sai Chưởng Tả quân dinh Bình tây tướng quân rồi sau là Tổng trấn Gia Định, không thể sống trong ngôi nhà tồi tàn và bé tí thế này. Hẳn là hậu thế đã phá hết dinh thự của ông đi để xây nhà cấp bốn ở cho tiện. Nhưng hy vọng được vào thăm tư dinh lộng lẫy hơn của những nhân vật lịch sử nổi tiếng càng lúc càng bị dập tắt khi tôi lần lượt đi qua những ngôi nhà vườn xuôi theo dòng kênh.

Nhà thì đóng cửa… ngủ trưa, nhà lại đang ăn trưa, nhưng nhìn từ ngoài ngõ đã thấy nguyên những ngôi nhà đơn sơ với lối kiến trúc đáng nản của chấn song sắt, thềm đá hoa và mái bằng. Cũng chẳng chủ nhân nào buồn chào đón khách tham quan. Âu thì ban quản lý tỉnh Thừa Thiên – Huế có cố giữ gìn cũng chẳng xong, khi mà người thế kỷ 21 không thể sống trong những ngôi nhà của người thế kỷ 19, khi mà chẳng ai lại không muốn có toilet và buồng tắm trong nhà, không muốn sàn lát đá thay vì lát gạch, và điều hòa thì không lắp được trong nhà rường một gian hai chái toàn những kèo cột gỗ.

 Chưa kể các nhà rường đã bị mối xông quá nhiều mà tiền đầu tư tu sửa của nhà nước hầu không xuể. Dường như quá nhiều chính sách đưa ra trở nên vô ích và thiếu thực tế. Các nhà rường cổ đành “chảy máu” về biệt phủ của những chủ nhân giàu có muốn dựng lại toàn bộ không gian cổ kính vương giả xưa kia bằng đồng tiền hiện đại.

Tôi đến thăm ngôi nhà cuối cùng trong khu Phú Mộng: Xuân Viên Tiểu Cung của Thượng thư Bộ lễ Phạm Hữu Điển, nay thuộc sở hữu của bà Phạm Thị Túy, người cháu nội của thượng thư. Ra đón khách là một bà cụ đã 85 tuổi, dáng người cũng nhỏ bé giống hệt ngôi nhà, mái tóc trắng như cước, hàm răng rụng hầu hết và nụ cười thì tươi rói, hóm hỉnh như trẻ thơ. Xuân Viên Tiểu Cung được coi là ngôi nhà đẹp nhất (với hàm nghĩa còn nguyên vẹn nhất) ở quần thể nhà vườn Phú Mộng – Kim Long. Cung điện “Xuân Viên Tiểu Cung” (nghĩa là “Vườn hoa mùa xuân giống như một cung điện nhỏ”) là hai ngôi nhà ba gian hai chái nằm vuông góc. Thấy khách đến, bà Túy vội vã ra đón rồi mở hết các cánh cửa đóng kín bưng ở gian thờ cho khách tham quan.

Đó là một ngôi nhà tí hon, với các ô cửa sổ tí hon, vòm cửa thấp đến nỗi chỉ phù hợp với cỡ người của chủ nhân. Tôi băn khoăn hỏi “Sao một ông quan thượng thư mà lại ở trong ngôi nhà bé thế?”, với hy vọng đây chỉ là một di tích nhỏ bé còn sót lại, một phần phụ không đáng kể của tòa nhà, còn phần lộng lẫy nhất, bề thế nhất xứng đáng là dinh thự của một quan đại thần triều đình thì đã bị hư hại bởi chiến tranh hay do sự thiếu giữ gìn của hậu thế. Nhưng người cháu nội quan Thượng thư lại nở nụ cười trẻ thơ tươi bừng: “Ừ, có vậy thôi đó!”.

Tôi vào tận trong căn bếp tí hon của bà Túy, hay của quan Thượng thư thì đúng hơn, lang thang khắp khu vườn không hề có hoa mẫu đơn, cúc vạn thọ hay tóc tiên như báo chí miêu tả, rồi ngồi trên bể nước cũng tí hon với bồng bềnh vài bông hoa súng tí hon sau khi được chủ nhân có dáng người tí hon mời uống nước chè tươi trong chiếc chén sành tí hon.

Lý do ngôi nhà vẫn được duy trì cũng bởi các anh em của bà Túy nay sống ở Mỹ và TPHCM hết cả, để lại bà chị chưa bao giờ có chồng con ở lại với ngôi nhà. Cũng có thể chỉ bà cụ tóc trắng như cước sinh vào đầu thế kỷ mới phù hợp với ngôi nhà ấy, để không biến nó thành nhà mái bằng gắn máy lạnh. Sống một mình với người đàn bà giúp việc tuổi trung niên, cứ thấy có khách đến là bà Túy vui lắm. Bà rất tự hào về ngôi nhà và dòng họ.

Theo thói quen của một người sinh ra từ dòng dõi quý tộc, bà Túy dù chả mấy khi có khách vẫn chỉn chu ngày một bình nước chè tươi đun sẵn thơm vị gừng ướp, uống kèm với mứt gừng tẩm đường đựng trong chiếc hộp nhựa xinh xắn. Người Huế là vậy, dù chỉ là món đồ ăn rẻ tiền, dù là sống trong một ngôi nhà tí hon thừa hưởng của một ông cố quý tộc đã sa sút, dù có ở một thân một mình vẫn cứ phải đàng hoàng chế biến cầu kỳ. Mà món nước chè ướp gừng của bà cụ quả tuyệt ngon. Nhấp ly chè tươi trong nụ cười trẻ thơ tươi rói qua hai thế kỷ của chủ nhân, khách quả không thể nào quên được ngôi nhà vườn hiếm hoi nguyên vẹn còn sót lại nơi đô thành Huế.

Nguồn: laodong.com.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button