Du lịch Huế

Lên đỉnh Bạch Mã

Du lịch Huế – Ngày 28-4, sau 3 năm đóng cửa để nâng cấp, đặc biệt là mở rộng tuyến đường lên núi, Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã (thuộc địa phận huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên- Huế) đã lại mở cửa đón khách. Bạch Mã là vùng núi non hùng vĩ, cao 1.450m so với mặt nước biển, khí hậu ôn đới. Vì thế, ngay từ năm 1932, người Pháp đã cho xây dựng biệt thự tại đây.

 Mới đây, nhiều ý kiến đề nghị đưa VQG Bạch Mã vào Kỉ lục Việt Nam với việc đây là vườn Quốc gia có nhiều biệt thự nhất: 139 ngôi.
 Từ Quốc lộ 1A rẽ vào, qua một cung đường dài 19km là đến chân dãy núi Bạch Mã thuộc dải Trường Sơn hùng vĩ. Bạch Mã rất thuận tiện cho du khách vì nó gần như ở giữa Huế và Đà Nẵng (cách TP. Huế khoảng 40km và cách TP. Đà Nẵng khoảng 65km). Đây là nơi người Pháp nghỉ dưỡng: Nếu miền Bắc có Sa Pa, miền Nam có Đà Lạt thì miền Trung có Bạch Mã. Sau này, gia đình ông Ngô Đình Diệm cũng xây biệt thự, làm vườn phong lan ở đây. Tới nay, một ngôi biệt thự lớn vẫn còn đó với tên gọi “Biệt điện Lệ Xuân”.
 Nhưng, chiến tranh cũng tàn phá Bạch Mã một cách ghê gớm.
 Thời điểm 1973, tai họa ập đến khi người Mỹ rải bom napan xuống khu vực này, với mục đích khai quang, tìm và diệt lực lượng bộ đội ta. Nhiều ngôi biệt thự và những vạt rừng già ở sườn núi phía Tây bị phá hủy hoàn toàn. Nhưng ngôi biệt thự khác ít nhiều cũng bị tàn hại. Nhưng, những ngôi biệt thự thoát được kiếp nạn cuộc chiến thì sau này lại bị những người đi rừng tháo dỡ. Những gỗ, xà nhà, ván dầm được thợ rừng chất lên xe trâu kéo trở đi, kể cả cống thoát nước cũng bị đập phá để lấy lõi thép.
 Trước năm 1991, Bạch Mã hoang phế. Người xưa ghé lại, cảnh cũ đâu còn, chỉ có nền nhà và những bức tường trơ trọi cùng tuế nguyệt…
 Kể từ 1991, nơi đây được Nhà nước quết định xây dựng thành Vườn Quốc gia. Từ đó, Bạch Mã hồi sinh, con ngựa trắng thần thoại tung vó.
 VQG Bạch Mã có tính đa dạng sinh học cao. Thực vật ở đây gồm 2.147 loài, trong đó có một số loài hiếm và có giá trị như hoàng đàn, trầm hương, cốm Bạch Mã. Động vật đã ghi nhận được 1.493 loài, đặc biệt có một số loài thú mới được phát hiện ở Việt Nam như sao la. Về côn trùng, VQG Bạch Mã đã xác định được 894 loài của 580 chi và nằm trong 125 họ và 17 bộ, gồm bộ Cánh vảy với 310 loài, 190 chi, 22 họ; bộ Cánh cứng với 200 loài, 145 giống, 17 họ. Bộ Cánh nửa có 60 loài, 47 chi và 12 họ. Chiếm số lượng thấp nhất là bộ Cánh da với 3 loài, 3 chi và 3 họ. Cũng do nhiều thập kỉ vắng bóng người nên thiên nhiên nơi đây hầu như nguyên vẹn.
hue24h Một điểm đặc biệt của khu du lịch Bạch Mã chính là hệ thống đường mòn, trong đó có thể kể đến:
 – Đường mòn rừng Chò đen: Cách khu nhà nghỉ trung tâm khoảng 3km, dài hơn 300m, đường rất dốc, dẫn đến vạt rừng Chò đen. Tại đây có rất nhiều cây Chò đen già nua, đường kính thân hơn 1m và cao trên 30m. Vạt rừng Chò đen như “lạc lõng” so với cả khu rừng hỗn giao nhiệt đới Bạch Mã, bởi nó là khu vực rừng gần như thuần loài.
 – Đường mòn Trĩ sao: Từ Quốc lộ 1 rẽ vào 5 cây số là bắt đầu đường mòn Trĩ sao. Tên đường lấy theo tên một loài Trĩ, thuộc bộ Gà. Bởi nơi đây, năm 1923, một nhà tự nhiên học người Pháp đã phát hiện ra giống Trĩ này. Trước đây, khu vực này có rất nhiều chim Trĩ, nhưng nay do tiếng ồn của xe cơ giới nên loài chim này lánh sâu vào rừng, người ta vẫn nghe được tiếng kêu của nó. Trĩ sao ít đi, nhưng các loài chim Họa mi đất, Khướu, Chích chạch, Chào mào…, lại về rất nhiều. Đây cũng được coi là “rừng ve sầu” vì âm thanh của loài côn trùng này làm cho không gian xung quanh trở nên sống động.
 – Đường mòn Đỗ Quyên: Là con đường dẫn tới ngọn thác hùng vĩ, một khu vực có rất nhiều hoa Đỗ Quyên. Bên cạnh hoa Đỗ Quyên, một loài cây nữa cũng rất nhiều ở khu vực này là giống tùng Bạch Mã. Đường mòn này đã có từ năm 1936, phục vụ cho những cuộc dạo chơi của những ông chủ người Pháp. Khoảng thời gian từ 1954-1963, đây cũng là chợ đầu mối- nơi mua bán trao đổi giữa người dân vùng đồng bằng và người dân rừng Bạch Mã. Thác Đỗ Quyên (cao 300m) là đầu nguồn của một trong hai nhánh sông chính hợp thành sông Hương.
 – Đường mòn Ngũ Hồ: Cây số 18 chính là điểm khởi đầu của đường mòn Ngũ Hồ. 5 hồ nước kế tiếp nhau ở khu vực này đều do một suối Hoàng Yến và một dòng suối từ thung lũng Bò Cạp tạo thành nước trong các hồ rất lạnh và trong vắt soi rõ từng viên đá cuội trong lòng hồ. Có lẽ cũng do nước quá lạnh nên rất ít sinh vật sinh sống được. Nhiều nhất chỉ là cá chình, trong các hang đá, hốc cây. Loài cá này chỉ sinh sản duy nhất một lần trong đời. Vào mùa sinh sản tháng 6 – 9, chúng di cư ra biển để đẻ và chết. Cá con sống một thời gian ở cửa biển rồi theo dòng nước lội ngược lên nguồn trở về quê hương bản quán.

Nguồn: daidoanket.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button