Kinh tế Huế

“Liều” để làm giàu

[ad_1]


Trang trại của CCB Phan Thị Phương hiện đang nuôi hơn 900 con lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng

Sau dịch bệnh tả lợn châu Phi, người chăn nuôi điêu đứng, trang trại chăn nuôi của CCB Phan Thị Phương cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Rút ra được bài học, muốn vật nuôi khỏe mạnh vượt qua dịch bệnh thì cần đảm bảo vệ sinh, chuồng trại phải được đầu tư bài bản, khoa học, bà Phương đã không ngần ngại đầu tư tiền tỷ để xây dựng lại hệ thống chuồng trại.

Bà xây dựng khu chuồng rộng 1.000m2, với đầy đủ các hệ thống như điện, nước, quạt thông gió, trần cách âm và chống nóng, đảm bảo mát về mùa hè, ấm về mùa đông và có cả hệ thống lưới chống côn trùng xâm nhập.

 Để đảm bảo dịch bệnh không thể thâm nhập vào khu chuồng trại, bà Phương luôn cẩn thận đặt những chai nước sát trùng và trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ khi muốn vào trại. Ngoài ra, khu xử lý chất thải được bà bố trí biệt lập, xa khu chuồng để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Sau khi đầu tư lại chuồng trại, bà bắt đầu chăn nuôi quy mô lớn. Lứa đầu, gia đình đã xuất chuồng 40 tấn lợn thịt, trừ chi phí thu lãi gần 200 triệu đồng. Hiện nay, gia đình bà đang chuẩn bị xuất chuồng lứa thứ 2 với hơn 900 con lợn thịt. Trung bình mỗi năm, trang trại của CCB Phan Thị Phương nuôi được 2- 3 lứa lợn. Sau mỗi lứa, bà Phương cho vệ sinh, khử trùng toàn bộ trang trại để phòng dịch bệnh.

Để có được như ngày hôm nay, bà Phương cũng đã từng lăn lộn, làm đủ nghề. Tham gia cách mạng tại địa phương ngay từ nhỏ, lại bị địch bắt nên CCB Phan Thị Phương luôn có tinh thần thép. Năm 1975 về địa phương, được bố trí làm cán bộ ở huyện Phong Điền mấy năm, nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, bản thân trình độ văn hóa hạn chế, 2 vợ chồng bà xin đi kinh tế mới. Không may người chồng qua đời sớm, bà Phương quyết định trở về quê Phong Chương làm lại từ đầu.

Khi xã có chủ trương vận động Nhân dân ra lập vườn chăn nuôi, trồng trọt ở vùng đồi cát trắng hoang hóa rộng lớn, năm 2003, gia đình bà bắt đầu khai hoang hơn 3 ha đất đồi cát, chủ yếu để trồng cây chắn cát và trồng khoai, sắn, nuôi bò quy mô vừa…

Đến năm 2018, sau khi tìm hiểu, bà đã liên kết với Công ty BISSI ký hợp đồng nuôi lợn trang trại quy mô lớn khép kín. Được công ty cung cấp giống lợn chất lượng và bao tiêu đầu ra để cung cấp cho các siêu thị nên bà mạnh dạn đầu tư gần 1,3 tỷ đồng để mở rộng quy mô.

Nói về việc “liều” làm giàu của mình, bà Phương tâm sự: “Đầu tư số tiền lớn mà phần lớn là vay mượn tôi cũng lo lắng đến mất ăn mất ngủ, nhưng nghĩ đây là cơ hội mà mình không nắm lấy thì khó khăn sẽ đeo bám đến suốt đời. Nhìn những lứa lợn khỏe mạnh lần lượt xuất chuồng tôi cũng thở phào được phần nào, nhưng muốn làm ăn, phát triển kinh tế lâu dài thì lợn mình nuôi phải đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm để cung cấp cho các siêu thị theo cam kết. Do đó, việc nuôi lợn sạch, lợn đạt chất lượng là ưu tiên hàng đầu của trang trại”.

Đã gần 70 tuổi, nhưng người đảng viên, CCB Phan Thị Phương vẫn mạnh dạn đầu tư làm kinh tế và có hướng chăn nuôi đúng đắn, phù hợp với điều kiện địa phương và đang đưa lại hiệu quả cao. Với suy nghĩ không chỉ làm cho mình, mà làm để tạo việc làm và làm gương cho con cháu, mô hình chăn nuôi trang trại của bà Phương không những góp phần cải tạo vùng đất hoang hóa mà còn tạo ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho mọi người cùng học tập, nhân rộng, để làm giàu trên chính trên quê hương.

Bài, ảnh: Thảo Vy

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button