Nghệ sĩ Đinh Công Đạt và dự án làng nghề truyền thống vì trẻ em
văn hóa Huế – Nhân sự kiện Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 5 “Tinh hoa nghề Việt” vừa khép lại, nghệ sĩ Đinh Công Đạt đã thực hiện dự án Mô hình làng nghề thủ công tại xã Phong Sơn, Phong Điền, Thừa Thiên – Huế.
Nghệ sĩ Đinh Công Đạt chia sẻ: “Trong đời sống hiện đại gấp gáp, hình bóng của các làng nghề đang phôi phai dần trong tâm trí mọi người. Trong quá trình tìm hiểu về thói quen, văn hóa của người Việt, tôi nhận thấy người Việt Nam làm đồ chơi cho trẻ nhỏ chưa có hệ thống giống như việc tổ chức sản suất kiểu làng nghề. Song tôi tin rằng tình cảm với trẻ nhỏ, ý thức chăm sóc con trẻ thì, điều kiện kinh tế có như thế nào thì các bậc làm cha làm mẹ luôn muốn làm một cái gì đó cho con em mình được vui chơi.
Dự án Mô hình làng nghề thủ công này, nằm trong chuỗi dự án quan sát, suy nghĩ, sáng tạo về cách chơi và đồ chơi của trẻ nhỏ, mà tôi thực hiện từ năm 2007. Các tác phẩm điêu khắc gỗ như kiến, cá sâu, chó, lợn, dê… gỗ và búp bê composite, tôi đã đưa đến các vùng nông thôn, miền núi, những khu vực hẻo lánh để trẻ em chơi rồi ghi chép, ghi hình lại. Triển lãm về gà làm từ giấy bồi “Gà: chip, chic, chicky” và hướng dẫn trẻ em “làm” gà tại Viện Goethe tháng 6 – 2012 cũng nằm trong chuỗi dự án này.
Sau 30 ngày làm việc miệt mài, trong khuôn khổ dự án làng nghề thủ công, nghệ sĩ Đinh Công Đạt đã triển khai những nghề: làm gốm, làm hoa giấy Thanh Tiên, làm hoa voan, bồi mặt nạ giấy, làm diều Huế, làm quạt giấy. Đồng thời ông cũng mở các lớp giảng dạy về kỹ thuật làm các nghề thủ công truyền thống Huế cho thanh niên và trẻ em tại vùng đất Thanh Tân.
Dự án đã thu hút rất đông thanh niên, trẻ em đến học, thực hành và vui chơi. Những người trẻ tuổi này đã được truyền lửa và truyền nghề từ những nghệ nhân Nguyễn Đăng Hoàng (Diều Huế), nghệ nhân Phạm Anh Đạo (nghề gốm), và các nghệ nhân ở các làng thủ công khác. Các em được tự tay ra làm những thành phẩm gốm, làm hoa giấy, hoa voan, mặt nạ giấy bồi, diều Huế và quạt giấy. Đồng thời có những kiến thức về gốm, hoa giấy, mặt nạ giấy, quạt giấy… cùng các kỹ năng thao tác để ra một sản phẩm thủ công truyền thống.
“Tôi cũng may mắn khi gặp được những bạn trẻ, say mê với những vốn quý của dân tộc tại khu du lịch này, những người đã nhiệt tâm học hỏi các kỹ năng cơ bản về các nghề thủ công. Tôi hy vọng rằng, với không gian làng nghề mang tính tương tác cao tại đây, khách tham quan có thể hiểu và có thái độ trân trọng đối với các giá trị quý báu của những nghề thủ công đang dần thất truyền, và góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hóa của các làng nghề thủ công truyền thống tại Huế và cả nước”, nghệ sĩ Đinh Công Đạt chia sẻ.
Nhân sự kiện Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 5 “Tinh hoa nghề Việt” vừa khép lại, nghệ sĩ Đinh Công Đạt đã thực hiện dự án Mô hình làng nghề thủ công tại xã Phong Sơn, Phong Điền, Thừa Thiên – Huế.
Nguồn: daidoanket.vn