Nghề thủ công truyền thống Huế: Tiềm năng cho phát triển du lịch
Tin tức Huế – Có thể nói, những sản phẩm thủ công truyền thống gắn với các làng nghề là một trong những dấu ấn văn hóa của Huế, góp phần sáng tạo nên những di sản Huế cả về phương diện vật thể và phi vật thể. Đến nay, nhiều ngành nghề thủ công truyền thống ít nhiều mai một nhưng những thời khắc huy hoàng vẫn còn đọng đây đó trên vùng non nước Hương Bình.
“Đất lành” của những làng nghề
Làng nghề truyền thống ở Thừa Thiên – Huế được hình thành và phát triển gắn liền với quá trình lịch sử khai phá, mở mang bờ cõi của các chúa Nguyễn, nhất là sau khi các chúa Nguyễn chọn Phú Xuân làm thủ phủ xứ Đàng Trong, rồi vua Nguyễn chọn nơi đây làm kinh đô của nước Việt Nam. Từ vai trò thủ phủ của xứ Đàng Trong (thời chúa Nguyễn), sau đó là kinh đô của quốc gia phong kiến thời cận đại (triều Nguyễn), nhiều nghệ nhân và ngành nghề nổi tiếng khắp nước đã quy tụ về đây theo lệnh trưng tập của chính quyền trung ương. Do đó, Huế trở thành một trung tâm công nghiệp quan trọng, cung ứng sản phẩm cao cấp cho triều đình, cho các tầng lớp thượng lưu và một số mặt hàng dân gian…
Theo thống kê, đến thế kỉ XIX, kinh đô Huế có khoảng 95 tượng cục với hàng nghìn thợ giỏi ở nhiều ngành nghề khác nhau. Thời Minh Mạng có tới 7.277 thợ làm việc ở các tượng cục. Dưới thời Đồng Khánh khi triều đình Nguyễn mất đi quyền tự chủ thì Huế vẫn có 1.682 thợ làm việc trong 67 tượng cục do Bộ Công và Nha Thông Bảo quản lí.
Ở Huế, nghề thủ công có những đặc điểm rất đặc biệt. Đó là hình thức các làng nghề (gốm Phước Tích, tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, rèn Thanh Lương…), nhóm nghề (đúc đồng ở phường Đúc, mây tre đan Quảng Điền), phố nghề (nghề thêu ở Phan Đăng Lưu, Lê Lợi…), xóm nghề (nghề mộc và chạm khảm Thuận Hòa, vàng mã Phú Cát, Phú Hiệp…), phố nghề (thêu Phan Đăng Lưu, Lê Lợi…). Qua đó, đã có sự gắn kết của nhiều nghề thủ công với đời sống, nhu cầu của tầng lớp từ dân gian cho đến cung đình.
Gìn vàng, giữ ngọc
Trong quá trình phát triển, các làng nghề ở Thừa Thiên – Huế đã trải qua nhiều bước thăng trầm, gắn liền với những biến động của lịch sử. Một điều đáng mừng là hiện nay, nhiều ngành nghề truyền thống Huế có một lớp nghệ nhân tay nghề cao, đóng góp nhiều đến quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị của nghề thủ công truyền thống. Có thể kể đến như nghề đúc đồng có nghệ nhân Nguyễn Văn Sính (phường Đúc), nghề thêu ren có nghệ nhân Lê Văn Kinh (hiệu thêu Đức Thành, Huế), nghề làm nón có nghệ nhân Thái Đô ở Mỹ Lam (Phú Vang), nghề mộc mỹ nghệ có nghệ nhân Lê Văn Xanh (Tây Lộc), nghệ nhân Lê Hoành Khánh, nghệ nhân Ngô Đức Phi (Mỹ Xuyên, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền), nghề đan lát có nghệ nhân Thái Phi Hùng, Võ Chức ở HTX mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền; nghề làm tranh làng Sình có nghệ nhân Kỳ Hữu Phước (Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang)… trong đó nhiều nghệ nhân được nhà nước phong tặng nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian…
Một số làng nghề và ngành nghề truyền thống đã được bảo tồn như gốm Phước Tích, tranh ảnh làng Sình,… một số làng nghề đã được khôi phục và phát triển khá như: đúc đồng (phường Đúc), mộc mỹ nghệ (Mỹ Xuyên, Xước Dũ), nước nắm Phú Thuận, đệm bàng Phò Trạch, hoa giấy Thanh Tiên, đan lát Bao La, nón Thủy Thanh, Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây,… Các làng nghề thủ công truyền thống đã lưu giữ lại những bản sắc, dấu ấn của vùng văn hóa Huế, thể hiện sự khéo léo, tài hoa và óc sáng tạo của những cư dân vùng đất giàu văn hóa.
Đặc biệt, với vị thế là một trong những trung tâm du lịch quan trọng của quốc gia; là thành phố Festival của cả nước, sản phẩm thủ công nghiệp truyền thống Huế có một vị trí quan trọng để tạo nên tính hấp dẫn và ấn tượng đối với khách du lịch đến Huế. Những sản phẩm thủ công truyền thống Huế thường tinh xảo, đẹp mắt và mang đậm tính thương hiệu Huế. Điển hình là nghề làm nón lá hình thành và phát triển ở Huế từ hàng trăm năm nay, với rất nhiều làng nón như: Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Sịa… Chính vì thế nón lá nổi tiếng Huế không còn là sản phẩm hàng hóa đơn thuần, mà thực sự đã trở thành một thương hiệu văn hóa đặc sắc. Nón Huế mang những đặc trưng không phải vùng nào cũng có và đây cũng là sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào tháng 8-2010.
Trong tình hình hiện nay vị trí của nhiều mặt hàng thủ công đã có sự hồi sinh và cải biến rất hợp lí. Có thể nêu ra như nghề hoa giấy Thanh Tiên (Phú Mậu, Phú Vang). Đây là nghề có danh mục thống kê của các nghề thủ công từ thế kỷ XVI-XIX trong Đại Nam nhất thống chí. Sau nửa thế kỷ thất truyền, giờ đây, nghề gấp hoa sen giấy đã hồi sinh. Đến làng Thanh Tiên ngày nay, du khách có thể bắt gặp đóa sen hồng bằng giấy tinh xảo như thật. Đây là một sự sáng tạo của các nghệ nhân gấp giấy, trong đó phải kể đến công đầu của nghệ nhân – họa sĩ Thân Văn Huy, khiến nghề truyền thống không bị mai một mà còn phát triển… Điều đó thật có ý nghĩa khi vào thời điểm này, hoa sen đã trở thành “ứng viên” cho danh hiệu Quốc hoa.
Đứng trước nhu cầu của thị trường, nhiều làng nghề đã nghĩ ra những phương kế thích nghi để tồn tại, tiêu biểu như sự chuyển mình của làng nghề đan lát Bao La (Quảng Phú, Quảng Điền). Đây vốn là một làng quê nổi tiếng với nghề đan lát sản phẩm tre, là nơi cung cấp chủ yếu sản phẩm gia dụng bằng tre của người dân Thừa Thiên – Huế.
Bên cạnh đó một số nghề, sản phẩm nghề được phục hồi như gốm Phước Tích, Pháp Lam… là những tín hiệu vui cho nghề thủ công truyền thống ở Huế. Mặt khác, sự quan tâm, khuyến khích phát triển của chính quyền địa phương với các cơ sở sản xuất, giới thiệu sản phẩm, các hoạt động du lịch, các kỳ Festival Nghề cũng góp phần bảo tồn, phát triển các nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Nguồn: daidoanket.vn