Nghị lực phi thường của người phụ nữ không tay ở Huế
Đất – Người Huế – Chịu ảnh hưởng bởi chất độc da cam từ người cha, lọt lòng mẹ bà đã không có tay, cha mẹ mất sớm, nhưng người phụ nữ ấy vẫn vượt lên nghịch cảnh, tự chăm sóc mình và làm một số việc bằng đôi chân kì diệu như khâu vá, sảy gạo, quét nhà…
Bất hạnh từ thuở nằm nôi
Chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Hạnh (54 tuổi), người phụ nữ “không tay sảy gạo” nổi tiếng nức vùng Hương Vân (TX.Hường Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế), vào một ngày cuối mùa gặt. Ngôi nhà nhỏ vẫn đang trong tình trạng xây dở la liệt những bao gạo xếp chồng lên nhau. Khi chúng tôi tới, bà Hạnh vẫn đang sảy gạo. Bà bảo: “Nhiều bao gạo như vậy là của người ta mang tới nhờ tui sảy đó”.
Vừa lọt lòng mẹ, bà Hạnh sinh ra đã không có tay do di chứng từ người cha nhiễm chất độc da cam từ những ngày sang Lào đi tìm cây thuốc bắc. Bà phải hứng chịu những lời dị nghị của người đời rằng, bà là một quái thai. Nhiều người khi nhìn thấy bà sinh được mấy tháng rồi mà vẫn còn đỏ hỏn, không tay nằm chèo queo trên chiếc giường thì khiếp sợ mà nói rằng, bà là ma chứ không phải người. Lại có kẻ buông lời chua ngoa nói với mẹ bà rằng, con gái sinh ra như vậy thì để chết đi, chứ sống làm gì. Thương con, vì tình mẫu tử sâu nặng, người mẹ ngoảnh mặt giấu nước mắt vào trong, vẫn quyết tâm giữ bà Hạnh lại để nuôi.
Năm lên bảy tuổi, bố mất trong một tai nạn giao thông, gia đình bà Hạnh lâm vào cảnh khốn khó, người mẹ tần tảo mưu sinh cũng chẳng kiếm đủ miếng ăn qua ngày. Trong ngôi nhà nhỏ, ủ dột, gia đình bà Hạnh lâm vào cảnh khốn khó, người mẹ tần tảo mưu sinh cũng chẳng kiếm được miếng ăn qua ngày. Tuổi thơ của cô bé Hạnh là những ngày lủi thủi trong góc nhà nhìn trộm ra cửa sổ, ao ước mình được như bao người, chạy nhảy nô đùa. Bà bảo “Hồi đấy, tôi còn nhỏ dại, nhìn mấy đứa quanh xóm chơi năm mười, chơi ô…, trong khi tôi chỉ biết đứng nhìn, nỗi buồn bực tức vô cớ trào dâng, rồi khóc”.
Một ngày, bà Hạnh chạy về nhà hỏi mẹ: “Sao ai cũng có tay mà con không có tay?”. Thương con, người mẹ chỉ biết ôm con vào lòng, đôi mắt trũng sâu nước mắt đầm đìa. Vì hoàn cảnh, mẹ bà lâm bệnh nặng. Năm 20 tuổi, một lần nữa, bà Hạnh mang vành khăn tang tiễn đưa người mẹ qua đời vì căn bệnh ung thư…
Kì diệu đôi chân… sảy gạo
Đôi chân nổi tiếng khắp vùng: Ông Nguyễn Hùng (tổ trưởng khu phố 4, phường Hương Vân, TX.Hương Trà) cho biết: “Hoàn cảnh của bà Hạnh rất khó khăn, gia đình bà là một trong những hộ nghèo của khu phố 4. Hiện, bà được hưởng số tiền trợ cấp ít ỏi, 180.000 đồng/tháng dành cho đối tượng khuyết tật không lao động được. Nhưng khắp vùng, không ai không biết đến bà là người phụ nữ giàu nghị lực, có thể khiến đôi chân mình làm được nhiều việc khéo léo…”.
Khi lên năm tuổi, bà Hạnh mới chập chững những bước đi đầu tiên. Bà chia sẻ: “Vì không có tay nên tôi không thể chống đỡ để đứng lên nên bao nhiêu lần tôi tập đi là bấy nhiêu lần ngã dúi dụi cắm mặt xuống đất. Không nản chí, tôi tiếp tục tập đi, từ bò, lết, tôi oằn mình để đi. Đi được một đoạn gần rồi đến đoạn xa, xa nữa, xa mãi, một vòng, hai vòng, một ngày, hai ngày. Trời không phụ lòng người, khi lên năm, tôi đã lũn cũn những bước đi đầu tiên, tôi vui mừng đến trào nước mắt”.
Cha mẹ mất sớm, thương em, bà Nguyễn Thị Màn (57 tuổi), chị gái bà Hạnh, gác lại hạnh phúc của đời mình, cất tạm một căn nhà tranh vách đất rồi đón bà Hạnh qua cùng chung sống. Thời gian thấm thoắt trôi, đến nay hai người phụ nữ ấy đã cùng chia ngọt, sẻ bùi với nhau gần 40 năm. Ngày mưa cũng như nắng, bà Màn không quản ngại khó khăn, làm lúa, làm sắn… dành dụm, chắt chiu như con ong, để nuôi em. Nhìn dáng chị gầy guộc, héo hon, bà Hạnh xót xa. Bà quyết định tự mình thay đổi số phận, vừa để giúp mình, vừa để đỡ đần chị. Bà bảo: “Khi quyết tâm đối mặt với khó khăn khát khao được sống càng mãnh liệt. Tôi không muốn sống mà cứ leo lét như ngọn đèn dầu. Nên quyết tâm là một người có ích”.
Bà Hạnh ngày ngày sảy gạo thuê kiếm tiền.
Ngay từ khi còn nhỏ, từ những việc nhỏ nhất như ăn cơm, uống nước… là cả một quá trình luyện tập không ngừng nghỉ của người phụ nữ ấy. Bà Hạnh kể: “Ngay từ khi còn nhỏ, ai cho tôi cái gì ăn mà đút vào miệng là tôi không ăn, bắt họ để ở chân rồi từ từ tôi đưa lên miệng. Mới đầu tập ăn khó lắm, nhất là việc dùng chân kẹp muỗng ăn cơm. Cơm vào miệng ít mà rơi ra ngoài thì nhiều, chén bát trong nhà cũng bể nhiều là vì tôi đấy”. Nhìn bạn bè cùng trang lứa hàng ngày cắp sách đến trường, ríu ra ríu rít cười nói ngoài cổng mà bà Hạnh ứa nước mắt. Thương em, bà Màn đến trường xin cho em đi học, nhưng người ta không cho bà học vì lo bà không viết được chữ.
Năm 12 tuổi, trong làng có lớp học “bình dân học vụ” buổi tối, bà Hạnh quyết tâm đi học và biết chữ từ đó. Khi đã viết chữ thành thạo bằng chân, bà Hạnh tự nhủ “chân mình viết chữ được thì những việc khác chắc cũng có thể được chứ”. Nghĩ là làm, mỗi sáng, chờ cho chị mình đi hái củi, đi làm nương, bà Hạnh bắt đầu luyện tập bằng đôi chân. Ban đầu chưa quen, bà liên tục té ngã, xây xước đầy mình. Dần dần, đôi chân kì diệu đã “chiều” theo ý bà, có thể làm những công việc như chải tóc, khâu vá, quét nhà, sảy gạo.
Sau hơn hai năm kiên trì luyện tập, bà Hạnh đã sử dụng đôi chân khéo léo chẳng khác gì đôi tay. Áo quần của hai chị em chỉ cần nứt đường chỉ chút thôi, bà Hạnh cũng đã khâu vá lại cẩn thận. Những ngày đầu khi đôi bàn chân to lớn chưa điều khiển được cây kim bé tí, những đường may không trúng vải mà đâm nát chân bà chảy máu. Ngoài khâu vá, nhà cửa cũng được bà quét tước, dọn dẹp gọn gàng, tinh tươm. Rồi bà nảy ra ý tưởng, sảy gạo lượm thóc, lọc sạn cho người ta kiếm thêm thu nhập. Những ngày đầu tập tành sảy gạo chưa quen, gạo bắn tung tóe ra ngoài, ngay cả việc dùng ngón chân cắp lấy cái sàng gạo đã khó. Vừa đưa chân hất lên hất xuống dăm cái đã mỏi, nhiều lần đang đưa giữa lưng chừng cơn đau khớp nổi lên làm bà bổ nhào ra khỏi ghế.
Khi đã sảy thành thạo, bà Hạnh nhận làm cho một số người hàng xóm. Thấy bà sảy gạo tỉ mỉ, cẩn thận, sạch sẽ hơn cả những người thường, bà con trong thôn ùn ùn mang gạo tới thuê bà Hạnh sảy. Tiếng lành đồn xa, khắp vùng Hương Vân không ai không biết bà Hạnh không tay sảy gạo điêu luyện. Mùa lúa, sau khi thu hoạch nhà bà Hạnh rôm rả hơn thường lệ, tiếng người cười nói, tiếng lọc xọc sảy gạo của bà. Nhờ sảy gạo thuê cho người ta, bà Hạnh kiếm thêm được chút tiền phụ cho chị gái, nhiều người nhìn bà vừa thương, vừa cảm phục có khi còn cho thêm cả mấy lon gạo. Cầm những đồng tiền tự mình làm ra, bà Hạnh mừng mừng tủi tủi. Dù chỉ giúp đỡ chị được phần nhỏ nhoi, nhưng bà phần nào bớt đi sự mặc cảm trong cuộc sống…
Theo: Hồ Hằng – nguoiduatin.vn