Xã hội Huế

Người đưa phố về làng

Xã hội Huế – Đến giờ ông Hồ Huệ (67 tuổi), một người con làng Kế Môn (xã Điền Môn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế), đã có thể thở phào nhẹ nhõm về cuộc “đưa phố về làng” mà ông dốc hết tâm sức làm suốt 14 năm qua.

Vừa bước chân đến đầu làng Kế Môn đã thấy ngỡ ngàng bởi những hình ảnh của phố thị ở làng quê. Đường bêtông thẳng tắp, ngang dọc như ô bàn cờ; một khu công viên với ghế đá, hồ sen; một thư viện đầy sách và một “siêu thị” mới xây với màu sơn còn mới tinh…
hue24h“Siêu thị” của làng
Hai năm sau ngày khởi công, trung tâm thương mại Điền Môn đã chính thức đi vào hoạt động năm 2012. Trung tâm rộng 2ha với đầy đủ các hoạt động mua bán, vui chơi như một siêu thị với tổng kinh phí 8 tỉ đồng, do một người con của làng là ông Hồ Huệ bỏ tiền xây dựng và tặng người dân trong xã. Người dân mừng vui đón nhận, gọi đó là “siêu thị” của làng. Nhìn khu chợ mới khang trang mọc lên giữa bãi đất ruộng đồng trống, ai đi qua cũng không khỏi xuýt xoa. Ông Hồ Huệ toại nguyện với món quà lớn nhất ông muốn tặng quê hương, trước khi an tâm sống tuổi già.
Tiểu thương trong xã lâu nay phải buôn bán “ké” tại các chợ ở các xã khác, nay đã được bán mua ngay tại “siêu thị” của làng. Họ bắt đầu làm quen văn minh chợ thành phố. Bắt đầu tiếp xúc với các khái niệm về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường… Ông Huệ đề nghị và được UBND xã đồng ý miễn phí tiền thuê mặt bằng cho tiểu thương trong năm  năm đầu. Đích thân ông cũng đi gõ cửa từng nhà, động viên từng người không có công ăn việc làm ra chợ buôn bán. Chị Phan Thị Hà (người làng Nhì Tây) cho biết trong lúc đang thất nghiệp thì chị được ông Huệ khuyến khích ra chợ mở quán bán hàng. “Được buôn bán trong chợ mới lại miễn tiền thuê mặt bằng, còn chi hơn nữa” – chị Hà cười tươi nói.
Ông Phạm Do, chủ tịch UBND xã Điền Môn, cho biết Điền Môn là xã duy nhất trong 16 xã, thị trấn của huyện Phong Điền không có chợ. Chính quyền trăn trở bấy lâu nay, nhưng chờ cho đủ kinh phí thì không biết khi nào mới có chợ cho bà con buôn bán. “Nay xã không chỉ có chợ mà chợ còn đẹp và văn minh như một “siêu thị”. Làng xã biết ơn ông Huệ lắm” – ông Do nói.
Lập thư viện, xây công viên…
Làng Kế Môn là nơi phát tích của nghề kim hoàn Việt Nam. Ông Hồ Huệ là thợ kim hoàn của làng, vào Sài Gòn lập nghiệp và thành đạt nhờ cái nghề do tổ tiên truyền lại. Khi vừa nhắc đến công lao “đưa phố về làng”, ông Huệ “đính chính” ngay: đây là công lao của nhiều con cháu làng Kế Môn khắp mọi nơi cùng đóng góp gây dựng, ông chỉ làm chiếc cầu nối tấm lòng của con dân về với làng.
Ông Huệ tâm sự rằng nếu giúp cho dân làng đồng tiền thì cũng như “muối bỏ biển”, mấy cũng không đủ và mấy cũng hết. Phải xây dựng nền tảng cho làng quê phát triển lâu dài mới là bền vững. Cái mà dân làng thiếu nhất là văn minh. Đó là lý do mà 37 năm trước, ông rời làng quê vào Sài Gòn lập nghiệp. Và đó cũng chính là sự cách biệt giữa người thành phố với người làng quê ông. Vì vậy, việc đầu tiên ông làm là về làng lập một thư viện.
Ông đi khắp Sài Gòn tìm mua sách báo cũ, đóng hàng chục bao tải lớn gửi tàu lửa về quê, rồi dùng chính ngôi nhà của mình ở quê làm thư viện. Anh em, bạn bè, con dân của làng đang ở nước ngoài đồng tình đều đặn quyên góp tiền về cùng ông gây dựng nguồn sách. Cứ mỗi tháng một lần, ông lại về quê mang theo cả trăm cuốn sách có giá trị bổ sung vào thư viện. Cộng với số sách thư viện quốc gia gửi tặng, đến nay thư viện làng Kế Môn đã có gần 5.000 đầu sách với đủ mọi nội dung. Trong thư viện này, ông xây thêm phòng rồi thuê giáo viên cấp II, cấp III về dạy vi tính, tiếng Anh, ôn thi đại học miễn phí cho con em trong làng. “Mình cứ đặt ra việc đó, con cháu dần quen, rồi khi mình già mới có người khác kế tục. Cứ thế làng nước dần dần phát triển, văn minh ra” – ông Huệ bộc bạch.Kế Môn giờ như phố. Đường làng ngõ xóm láng bêtông vào tới từng nhà, hai bên là những hàng cây xanh mát xen lẫn những ngọn đèn đường tỏa sáng. Đêm xuống, đèn điện sáng rực đường làng, ngõ xóm. Mờ sáng, người làng kéo nhau ra công viên tập thể dục. Chiều hè, các cụ già ngồi ghế đá đánh cờ tướng. Trẻ con kéo nhau vô thư viện đọc sách. “Siêu thị” làng rộn ràng người bán mua…
Dăm bữa nửa tháng lại thấy ông Huệ về làng. Ông nói quê hương đã nằm trong máu mình rồi. Những việc lớn cho quê hương cơ bản cũng xong, giờ ông tập trung vào gây dựng quỹ học bổng từ thiện làng Kế Môn do ông thành lập năm 2000. Hằng năm, bà con Kế Môn gần xa đều qua ông gửi tiền về để khen thưởng học sinh giỏi và học bổng hỗ trợ học sinh nghèo.
Ông Huệ còn xây dựng giữa làng một công viên với hồ sen, ở giữa có chùa Một Cột, xung quanh có những hàng ghế đá để người dân đi làm đồng về ghé vào nghỉ chân. “Ngồi mà kể những gì chú Huệ làm cho làng thì nói răng cho hết” – ông Hoàng Rô, một người dân làng Kế Môn, cho biết.

Nguồn: tuoitre.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button