Kinh tế Huế

Người phục tráng quýt tiến vua

Kinh tế Huế – Bỏ nghề cơ khí, lập trang trại và mang giống quýt bản địa lên vùng gò đồi Hương Bình (TX Hương Trà, TT- Huế) để phục tráng. Sau hơn 10 năm ăn ngủ với núi rừng, trang trại của ông Nguyễn Đông (58 tuổi) trở thành điểm sáng kinh tế với doanh thu hàng trăm triệu đồng…
Giống quý
Nằm thu mình ở vùng gò đồi, trang trại của ông Đông được nhiều người biết đến như là một “viện” nghiên cứu giống quýt Thanh Bình, bởi đây là nơi để nông dân đến học hỏi kinh nghiệm chiết cành, trồng, chăm sóc quýt.
Đến trang trại đã quá giờ trưa, đợi mãi, ông mới trên chiếc xe cà tàng trở về với tay chân còn lấm bùn đất. Ông bảo: “Mấy chú thông cảm, tui đi suốt ngày, khi thì bà con nhờ chiết cây, khi thì họ bảo đến xem giống mới, nên không mấy khi rảnh tay”.
Lão nông Nguyễn Đông quê gốc ở làng Thanh Lương, xã Hương Xuân (nay là phường Hương Xuân, TX Hương Trà). Những năm sau ngày giải phóng, cuộc sống khó khăn, ông trải qua đủ thứ nghề rồi “dừng chân” ở nghề cơ khí kiếm kế sinh nhai. Hồi ở quê ông, phía bên cạnh nhà có biệt phủ của một đại quan triều Nguyễn, sau khi đi sứ từ Trung Quốc có mang về giống cây quýt lạ để tiến vua.
Qua thời gian, do không chăm sóc, vườn quýt trong biệt phủ của vị đại quan này cứ thưa dần, duy chỉ còn lại một cây gốc lớn cỡ vài gang tay trước cổng nhà. Trải qua mấy chục năm ở quê, cứ đến mùa quýt chín, rụng vàng cả một khoảnh sân, mùi hương dậy nồng. Trái quýt to, vàng óng, ăn rất thơm, ngọt, bà con quanh xóm cứ đến hái mang về đơm cúng mỗi dịp lễ.
Thấy giống quýt lạ, ông xin gia chủ chiết hai cành mang về nhà trồng, chăm bẵm. Đến mùa quýt cho trái, ông nhận thấy đây là giống cây quý hiếm, ở các vùng khác chưa hẳn đã có bởi quýt cho quả to, múi lớn như cam nhưng ăn rất thơm ngọt. Một ý tưởng lóe lên trong đầu người thợ cơ khí, ông tự nhủ: “Sao mình không lập trang trại, nhân rộng mô hình giống quýt này?”
Nghĩ là làm, năm 2000, ông lên vùng gò đồi thôn Hương Sơn, xin chính quyền xã cấp 2,5 ha đất thành lập trang trại, đưa vào trồng giống quýt Thanh Bình và tiêu, cao su.

Ông Đông chăm sóc vườn quýt

Giống quýt Thanh Bình là do ông đặt tên (được lấy từ đầu tiên Thanh Lương – quê hương ông ghép với từ cuối cùng – vùng đất ông lập trang trại là Hương Bình) mà thành. “Tui đặt tên cho nó không chỉ vì nó là giống quýt lạ, chưa có tên mà vì muốn nhớ về vùng đất quê hương của mình, cũng là nhớ và hàm ơn về cái biệt phủ của vị đại quan nhà Nguyễn đã cho mình cái giống quýt quý hiếm, là cơ sở đầu tiên để mình có cơ ngơi trang trại như ngày hôm nay”, ông Đông tâm sự.
Nói chuyện hồi lâu, ông như sực mình nhớ ra điều gì rồi ông bảo: “À, mà chú nói tui “phục tráng” giống quýt này thì nghe e nó… khoa học và to tát quá! Tui nghĩ đơn giản mình là nông dân chiết cây, mang trồng, chăm sóc như mình gieo hạt mầm hy vọng vào đất rứa thôi, ai ngờ lại bảo tồn được giống quýt quý này vì hiện tại ở quê cây quýt bên cạnh nhà đã không còn”.
Đất không phụ công người
Dù là vùng đất đã được khai hoang một phần, nhưng khi lên với vùng gò đồi Hương Sơn, để có được một trang trại quy mô, hiệu quả kinh tế cao như ngày hôm này, những giọt mồ hôi lặng lẽ của lão nông Nguyễn Đông cũng đã thấm ướt trên từng khoảnh đất, đồi nương.
Ngồi trò chuyện cùng ông, với chiếc máy “trợ thính” luôn đeo bên mình, ông bảo: “Hồi đó tui lên đây với hành trang chỉ có cây quýt là chủ lực chứ tui vẫn chưa biết phải trồng thêm cây chi, vả lại mình trồng nhiều giống cây chưa chắc đã thành công. Vốn liếng thì thiếu, kiếm mua phân bón cũng khó khăn vì đường xá cách trở”.
Nhưng đổi lại, quýt Thanh Bình, tiêu, cao su rất hợp với vùng đất gò đồi nơi đây. Giống quýt được ông chiết từ quê mang lên “độc quyền” ở vùng đất này cũng nhanh chóng bén rễ cho ra những quả bói. Sau hơn 10 năm vất vả với bao giọt mồ hôi trên tay cuốc, trang trại 2,5 ha với hơn 1 ha quýt (600 gốc), 1 ha tiêu với 300 gốc còn lại ông trồng rừng và cao su, mỗi năm ông thu lãi hơn 400 triệu đồng.
Ông Đông nhẩm tính: “Quýt thu hoạch từ tháng 10 ÂL đến tháng Chạp, bán 20 nghìn đồng/kg, mỗi năm tui thu hơn 200 triệu đồng, đó là chưa tính thêm “vụ lỡ”. Ở đây thương lái tới tận vườn thu mua nên mình bán giá cũng ổn định. Quýt Thanh Bình có đặc tính quả to, múi lớn, để chín cả tháng trên cây hay hái xuống một thời gian dài cũng không hư mà không cần dùng đến một hóa chất bảo quản nào.
Điều kỳ lạ là giống quýt này rất sai trái, cá biệt có mùa vụ tui thu cả tạ quýt/cây. Về cây tiêu với 300 gốc, đến vụ tui thu gần 1 tấn với giá 120 nghìn đồng/kg cũng “bỏ túi” cả trăm triệu đồng”.
Hàng ngày, cả trang trại dù nằm khuất sau bìa rừng cao su nhưng vẫn tấp nập bà con nông dân đến học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Ông Đông khiêm tốn: “Dù mình mới chỉ thành công bước đầu thôi, tui cũng làm nông nên hiểu bà con nông dân mình luôn trăn trở về trồng giống cây gì cho phù hợp mà hiệu quả kinh tế cao. Bởi thế, dù hiểu biết có hạn, nhưng bạn nhà nông với nhau cả, nên ai đến đây, cần gì tui giúp được thì mình không tiếc.”
Để mở rộng trang trại và tiến đến SX hàng hóa bền vững hơn, ông Đông đã đề xuất chính quyền xã xin cấp thêm đất và xúc tiến việc đăng ký công nhận nhãn hiệu giống quýt Thanh Bình.
Dù không may mắn bởi khi chúng tôi lên đây đã là “vụ lỡ” của vườn quýt. Thứ trái cây không đủ nhiều để có thể chất vàng óng cả một khu vườn như lời ông Đông nói. Nhưng đâu đó trong những quả chín mùa trái vụ, mùi hương vẫn dậy nồng, đủ thấy vẻ quyến rũ của giống quýt tiến vua một thời.

Nguồn: nongnghiep.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button