Xã hội Huế

Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên – Huế: Gây ô nhiễm, không đền bù cho dân

Thừa Thiên – Huế: Nhà máy tiếp tục xả thải, cá chết hàng loạt
Xã hội Huế – Người dân xã Phong An (huyện Phong Điền) đang phải sống trong cảnh ô nhiễm mùi hôi, kèm nước thải từ Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên – Huế. Cá chết nổi trắng bờ, gần 12ha lúa bị mất mùa vì tưới phải nước thải. Dân kiến nghị hết nơi này đến nơi khác, nhưng nhà máy vẫn trây ỳ như không có chuyện gì xảy ra.

Cá chết, ruộng mất mùa
Chuyện gây ô nhiễm của NM tinh bột sắn Fococev không còn là chuyện mới đối với người dân các thôn Đông An, Đông Lâm, nhưng lại là chuyện rất mới đối với người dân thôn Thượng An của xã Phong An. Bởi, sau một thời gian dài xả nước thải ra hướng Đông Lâm, gần một năm nay, NM này chuyển hướng xả thải ra con mương chảy về thôn Thượng An, khiến người dân bức xúc.
Ông Lê Thân – Trưởng thôn Thượng An – cho biết, chỉ mới bắt đầu vụ sắn, nước vùng bàu Sen chuyển màu gợn đục, bốc mùi xú uế. Tình hình trở nên nghiêm trọng khi hàng loạt cá  bị nước thải đầu độc chết nổi trắng bờ. “Cách nay ba, bốn ngày, cá trắm cỏ, cá mè, con to đến vài ký chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Chúng tôi không nghi ngờ mà là chắc chắn rằng, nước thải NM tinh bột sắn là hung thủ” – ông Thân nói.
Cách đây 2 năm, ông Hồ Bòn thuê của HTX Thượng An 6.500m2 mặt nước nuôi cá, trồng sen trong vòng 10 năm. Hai năm đầu, ông Bòn thu lợi gần 100 triệu đồng từ cá, sen. Tuy nhiên, đến vụ thứ 3, do ảnh hưởng nguồn nước thải của NM tinh bột sắn, cá nuôi, sen trồng chết hàng loạt. Ông khiếu nại, NM hỗ trợ 1 triệu đồng để mua sen về trồng lại. Thế nhưng, sen trồng lại vẫn chết.
Sao không đền bù?
Lúa của hàng chục hộ dân thôn Thượng An bị mất mùa vì tưới phải nước thải NM tinh bột sắn. Ông Nguyễn Quang Thông – Chủ nhiệm HTX Thượng An – cho biết, 11,8ha lúa vụ đông xuân của thôn đã bị mất mùa do tưới phải nguồn nước thải của NM, thiệt hại lên đến trăm triệu đồng. Người dân kiến nghị lên xã, huyện thì được nhà máy đồng ý hỗ trợ theo phương án: Diện tích thiệt hại 100% được nhận 139.000 đồng/sào; thiệt hại từ 50-70% được nhận 59.000 đồng/sào.
“NM là thủ phạm, vậy tại sao lại là hỗ trợ chứ không phải là đền bù? Điều chúng tôi cần là họ phải chấm dứt tình trạng này, chứ không thì dân bỏ ruộng” – ông Thông bất bình nói.
Ông Nguyễn Đôn – Phó Chủ tịch UBND xã Phong An – khẳng định: “Vấn đề ô nhiễm của NM tinh bột sắn đã diễn ra lâu nay, người dân, chính quyền đã kiến nghị nhiều lần. Từ xã đến thôn liên tục tổ chức họp. Kết quả là NM vẫn hứa và cũng chỉ hứa vậy thôi”.
Điều mà người dân lo ngại nhất là nước thải độc hại của NM ngấm ngầm đầu độc cuộc sống của họ. Bởi, dọc tuyến mương – NM xả nước thải – qua thôn Thượng An có hơn 300 hộ dân sinh sống. “Chúng tôi đâu có biết được trong nước thải của NM sắn có chứa hóa chất độc hại gì. Cứ xả ra, ngấm vào đất, bây giờ chưa thấy hậu quả, nhưng mươi năm nữa ai biết chuyện gì sẽ xảy ra” – ông Thông lý luận.
Trước phản ứng của người dân, chính quyền địa phương, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế đã vào cuộc lấy mẫu nước thải đi xét nghiệm. Tuy nhiên, đã gần 20 ngày lấy mẫu vẫn chưa có kết quả. “Nhiều lần lấy mẫu rồi, lần nào cũng đạt hết. Bởi, họ đi kiểm tra, lấy mẫu đúng lúc NM không xả thì làm sao không đạt được” – ông Đôn cho biết.

Nguồn: laodong.com.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button