Đất - Người Huế

Nhật ký ba ngày trầm lặng trên đất Huế

Cuộc sống Huế – Tôi đến Huế lần đầu vào một tối đầu hạ. Mẹ chồng tôi người gốc Huế, bảo ở quê có đám, là tang ông trẻ (tôi phải gọi vậy theo vai vế), bà phải về viếng nên tôi có muốn đi theo thì theo.
Vậy là tôi lên máy bay đi thăm Huế, nhân một đám tang ma. Sáng sớm mai mới phát tang, nhưng là người thân thì phải đến trước lúc nào hay lúc ấy. Vừa xuống sân bay, cả đoàn viếng túi to túi nhỏ bắt taxi lùi lũi đi trong bóng đêm. Xe chạy qua Đập Đá rồi rẽ vào một xóm nhỏ nằm trong kiệt (ngõ). Ấy chính là thôn Vĩ Dạ.
Hình ảnh đầu tiên của tôi về thành Huế, vì thế là những con phố vắng lặng trong bóng đêm ảm đạm và một ngôi nhà vườn có cỗ quan tài đỏ nằm u uất trong bóng đèn vàng quạch ở Vĩ Dạ thôn. Đành vậy, câu chuyện kể đầu tiên về Huế cũng là cách phát tang kỳ lạ ở đây.
Đám ma ở cố đô

Người Huế sống lâu đời ở đất vua chúa, nên làm việc gì cũng cầu kỳ, phức tạp như người quý tộc. Dù thu nhập bình quân của người dân Huế thấp hơn so với những thành phố khác, dù ngôi nhà mà tôi đang viếng tang ma cũng chỉ bình dân như rất nhiều gia đình trong thành, nhưng tang lễ cũng vô cùng cầu kỳ và dài dòng.
Sự khác thường đầu tiên trong tục lệ tang ma của người Huế là họ để lưu quan tài trong nhà đến hơn một tuần lễ. Ấy là để chờ đợi những người thân bận rộn từ nơi xa có thể về thắp kỳ được nén nhang mới thôi. Luật nhà nước chỉ cho phép lưu thi thể người đã khuất tại nhà trong vòng 48 tiếng, nhưng có thân nhân Huế cứ đặt quan tài trong nhà tới tận…30 ngày. Một trong những “kỹ thuật” lưu xác của họ là đổ cát và đất sét ém chặt bên trong quan tài, thêm vào đó một vài bí quyết gia truyền của cai giang (người làm nghề ma chay ở Huế), nên thi thể không bị phát mùi ra ngoài.
Trong số rất nhiều cai giang ở kinh thành Huế thì ông Châu Cặn chiếm gần hết thị phần ma chay. Sáng ấy tôi cũng gặp ông Châu Cặn – một người đàn ông ngoài bát thập – đầy quyền lực mặc bộ áo lụa đỏ chấm vàng dài thượt, khăn xếp vàng, quần trắng. Ông chỉ huy một đội ma chay vài chục người cũng trang phục cổ hỉ như thế nhưng khác màu: Áo xanh, quần trắng, mũ vải đỏ, gấu quần bồng cũng đỏ chói điệp màu. Ông đạo diễn việc nghi lễ, khâm liệm, cho đến tận lúc đưa người chết về cõi núi cao (người Huế có tập tục chôn người chết trên núi cao).
Quan tài thì quá nặng (vì có chèn đất cát), lại thắp rất nhiều nến trên nóc, cần tới vài chục người khiêng trên một chiếc đòn. Lúc đó, ông Cặn giống như… nhạc trưởng, hoặc ví như đại đội trưởng thì cũng được. Ông đứng ở đầu quan tài, hô to dõng dạc những lời quyền uy bằng ngôn ngữ địa phương mà tôi không hiểu lắm. Sau tiếng hô, đội nhà đám đồng loạt nâng đòn, đều tắp đến nỗi một cây nến nhỏ cũng không rung rinh, rồi quay trái quay phải, cứ thế cho đến tận khi leo núi.
Màn kinh ngạc nhất trong đám tang người Huế là lúc hò nện. Sau khi đặt quan tài vào lòng đất, rồi đổ đất lên, đám nhà đòn cần phải lấy gậy nện đất cho chặt. Họ đi thành vòng tròn trên mộ, gậy cầm trước mặt nện xuống đất rồi hò theo nhịp nện. Điệu hò có nội dung kể về người đã khuất, tôi nghe cũng không rõ lời, nhưng giai điệu dô hò thì vui đáo để, nghe một chập cũng thuộc điệu rồi hát theo được. Các nhân viên của ông Cặn là những thanh niên rất trẻ, họ vừa di chuyển nhịp nhàng vừa nện vừa hò, khuôn mặt tươi cười trong nắng gắt. Trông tựa một đám rước hội thì đúng hơn. Chẳng có khóc lóc thê thảm, vò đầu bứt tai và tiếng nhị rền rĩ như người miền Bắc.
Ông Cặn được coi là một kỳ nhân xứ Huế, làm công việc mai táng chuyên nghiệp từ năm 16 tuổi và từ người già đến trẻ nít trong thành phố đều biết tiếng ông. Thậm chí người ta còn phổ biến thành ngữ “Đi gặp ông Cặn” đồng nghĩa với “Đi Văn Điển”, dù rất nhiều người Huế cũng chưa có hân hạnh “được” gặp ông Cặn bao giờ. Nghe nói, số lượng những người đã “qua tay” ông Cặn lên tới hơn ba vạn, từ người bình dân cho tới những người trong hoàng tộc nhà Nguyễn như bà Từ Cung – vợ Vua Khải Định và là mẹ Vua Bảo Đại – mất
năm 1980.
Thành phố… thừa di sản
Những ngày ở Huế, tôi thường thuê một chiếc xe máy cà tàng chạy khắp kinh thành. Huế là một thành phố không cần tới nhà chung cư, mà có lẽ tôi cũng không bao giờ mong muốn những chung cư hình hộp nhạt màu, đơn điệu đến vô cảm xuất hiện ở thành phố bình lặng này. Cứ hình dung ra những bãi đất trống tuyệt đẹp hai bên dòng Hương (nhận xét theo thói quen “thèm đất” của người Hà Nội), mạn gần chùa Thiên Mụ, mọc lên những chung cư ba chục tầng và tưng bừng resort là đã đủ phần tức bực.
Đến Huế, nếu chỉ loanh quanh trong nội thành, người ta cũng không cần đến xe máy mà thuê một chiếc xích lô là đủ. Huế nhỏ hẹp, chốc lát đã hết đường. Ngay cả giờ cao điểm, phố xá vẫn bình yên như trong video clip minh họa cho một bản tình ca. Chỉ vào dịp Festival Huế, thảng hoặc đường phố mới nhộn lên đôi chút vì những đám rước hoặc một cuộc trình diễn ngoài trời.
Về Huế, ấy là người ta cảm thấy thời gian trôi chậm hơn một chút, thậm chí có lúc nào đó kim đồng hồ đã quay ngược về quá khứ, để đắm chìm trong sự tịch mịch của kinh thành cổ kính. Tôi rất thích khoảnh khắc được ngắm nhìn những chiếc xích lô, xe to, xe nhỏ đi qua cổng thành, giống như một trường quay khổng lồ đang sống động trước mắt. Giữa trưa nắng hạ, phố phường thậm chí còn vắng lặng hơn nữa. Và đó chính là thời khắc khách lãng du cảm thấy “Huế” nhất. Hai con đường bên dòng sông Hương lốm đốm bóng cây. Nắng thì vẫn rực lên những bức tường lịch sử của Quảng trường Ngọ Môn. Một mình lang thang trong Đại Nội cũng là lúc chính Ngọ, nghe bước chân mình lộp cộp tiến sâu dần vào các hậu cung mọc phơ phất cỏ dại.
Nhìn quanh đã không còn bóng ai nữa, chỉ thấy thành quách rêu phong và đổ nát của những khu vực chưa được tu sửa. Rẽ ngang rẽ dọc qua những lối đi lát gạch, qua những cổng vòm, tam cấp, những khoảnh sân từng tấp nập bước chân cung nữ, tôi ngõ hầu như lạc đường. Ngồi lặng trên một bậc thềm, cố gắng hình dung ra kiệu son lộng lẫy và dáng vẻ vương giả của các bậc quân vương khi bước xuống với tấp nập quan quân hộ tống và bao cung nữ, tì nữ xinh đẹp. Lúc ấy lại mỉm cười khi nhớ đến câu chuyện vui từng đọc về Gia Long – vị hoàng đế thành lập vương triều nhà Nguyễn và là người khởi công xây dựng kinh thành Huế (1805) – chính là cái bậc thềm rêu phong mà tôi đang ngồi nghỉ chân với một chiếc nón Huế làm quạt và một chai nước Lavie.
Theo cuốn hồi ký “Souvenirs de Huế” của Michel Duc Chaigneau – con trai của viên cận thần Jean Baptiste Chaigneau, người đã từng phục vụ cho triều Nguyễn từ năm 1794 đến 1826 – thì Vua Gia Long thường xuyên than thở với J.B. Chaigneau về chuyện đàn bà và hậu cung: “Ở đây, tôi thích thú vì được nói chuyện với những người hiểu biết, người biết nghe, hiểu tôi, và nếu cần vâng lời tôi. Vào trong ấy, tôi gặp phải những con quỷ dữ.
hue24hChúng gây gổ, đánh đập nhau, cấu xé nhau… rồi sau cùng kéo nhau đến đòi tôi phân xử. Chúng nó sẽ gào thét làm tôi điếc cả tai. Nếu làm đúng thì tôi trị tội cả bọn, vì không biết rõ trong cả bọn ấy có đứa nào không độc ác bằng đứa nào”. Nguyễn Ánh bôn ba, phiêu dạt bao năm, ăn đói dầm sương với ý chí sắt đá để giành lại vương triều, ấy vậy mà cũng chết khiếp vì cung phi và đàn bà. Có lẽ vì vậy mà trong số các đời vua, chúa Nguyễn, thời Vua Gia Long được thống kê là ít cung tần mỹ nữ nhất.
Nhiều vùng đất chỉ cần có một ngôi chùa, một mái đình cổ cũng quý, cũng biến thành một di tích tham quan đáng kể, còn Huế là một thành phố dư thừa di sản. Những lăng, những tẩm, chùa chiền, đền đài… rải rác dọc đường nhiều đến nỗi rất nhiều lăng, đình cỏ mọc hoang và đổ nát cho dù có treo biển “di tích lịch sử” ở đằng trước. Ngoài Đại Nội thì có ba nơi không thể không tham quan khi đến Huế là lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức và lăng Khải Định. Những con đường chạy về các lăng đầy chất thơ, đầy lãng mạn và nếu người lữ khách cứ muốn chui vào xe ôtô máy lạnh thì chuyến đi mất hẳn phần thi vị.
Con đường dễ thương nhất ấy là đường Điện Biên Phủ với những ngôi nhà cổ kính và nhỏ nhắn rất Huế, những tiệm áo cưới cũng xinh xắn, những ngôi chùa thinh lặng, những biệt phủ và nhà hàng kiểu cung đình có biển chữ theo phong cách thư pháp như hầu hết các quán hàng, càphê trong thành nội. Cuối đường Điện Biên Phủ có đàn Nam Giao. Chính giữa đàn tế hình tròn, nơi trước đây vua và hoàng hậu vẫn làm lễ tế trời, nay để một tấm biển Cấm tập thể dục. Chẳng ai lại không muốn được tập thể dục dưỡng sinh ở một không gian rộng lớn nhiều cây xanh và yên tĩnh như đàn tế, nên dễ hồ ban quản lý đành phải treo biển cấm.
Từ bức tường thông tuyệt đẹp bao quanh đàn Nam Giao, đi xuôi theo đường Minh Mạng sẽ đến lăng Khải Định, còn rẽ quặt về trên là lăng Tự Đức. Kiến trúc lăng mộ thế nào là tùy thuộc vào tư duy và tính nết của từng vị vua. Yêu thích thơ ca, Vua Tự Đức chọn cho mình một nơi sơn thủy hữu tình mà đồng thời cũng là nơi nghỉ dưỡng, làm việc và sáng tác khi nhà vua còn sống. Vì thế lăng Tự Đức có phần giống một công viên cả về diện tích lẫn kiến trúc. Lăng Khải Định dù diện tích khiêm tốn song lại được xây dựng công phu nhất với sự hãnh diện pha trộn đủ mọi trường phái kiến trúc: Phật giáo, Ấn Độ, Roman, Gôtích và những chất liệu hiện đại ngoại nhập như sắt, thép, ximăng, sành sứ, kính màu…
Trong khi đó, lăng Minh Mạng (khoảng cách xa nhất so với kinh thành Huế) lại là một công trình kiến trúc uy nghiêm và trầm mặc nằm giữa lòng hồ nhân tạo. Nhưng dù xây theo cách nào thì lăng tẩm của các vua chúa triều Nguyễn cũng đều phải mất nhiều năm mới hoàn thành, huy động nhân lực của hàng vạn quân lính, thợ thuyền, tiêu tốn vô số tiền của khiến dân chúng oán thán chẳng khác nào dân Ai Cập cổ đại xây lăng mộ Pharaon hay người Trung Hoa xây Vạn lý trường thành. Thậm chí dưới thời Vua Tự Đức, do lao dịch nghiệt ngã quá mà các nhân công còn dùng chày vôi làm vũ khí nổi loạn và đảo chính, nên gọi là “giặc chày vôi”.
Công viên “ma” hoang vắng
Trên đường Minh Mạng dẫn đến lăng Khải Định, lúc về tôi thấy một tấm biển đề Khu du lịch sinh thái Thủy Tiên. Biển đã rách nát một phần. Tiện đường rẽ vào, gặp cổng bảo vệ bị thu tiền vé 10.000 đồng. Phóng thẳng xe vào bên trong, tôi thoáng rùng mình khi công viên Thủy Tiên (nằm bên hồ Thủy Tiên) có kiến trúc rất đẹp, có đầy đủ công viên nước, hồ trình diễn cá heo, vườn hoa, nhiều tượng và phù điêu độc đáo…, song tất cả đều gãy nát, nứt nẻ và hoang phế trong quang cảnh không có một ai ngoài… tôi.
Khu thủy cung phía đằng xa có hình đầu rồng ngạo nghễ giữa hồ nước, song đã tróc hết lớp sơn ngoài, để trơ nguyên một chú rồng lở loét mọc rêu. Phía bờ bên kia, vài villa xây dở trên đồi thông cũng nằm lặng thinh. Vị trí đắc địa của hồ Thủy Tiên với lối kiến trúc rất khoa học đẹp không kém gì Từ Hy Viên ở Bắc Kinh (TQ), nhưng vẻ lặng lẽ không bóng người trong chiều tà khiến khu sinh thái này thật giống một công viên ma. Ngay lúc vừa định quay ra để cằn nhằn người bán vé cũng ma quái không kém khi dám cả gan thu tiền khách cho một công viên bỏ hoang thì tôi loáng thoáng thấy có vài người vào tham quan khu vực thủy cung phía bên kia hồ. Hóa ra họ vẫn bán vé vào “thủy cung” cũng với giá 10.000 đồng, bảo lấy tiền cho mấy con cá sấu ăn.
Tôi cũng mua vé để tranh thủ “điều tra” xem tại sao một công viên ở thế phong thủy tuyệt đẹp, lại đã quy hoạch xong xuôi khiến bất cứ nhà đầu tư trong, ngoài nước nào đều dễ dàng nảy lòng thèm muốn mà lại bỏ hoang nhiều năm như thế. Trong lòng thủy cung còn u ám hơn với ba chú cá sấu nằm lười nhác trên mấy hòn non bộ và vài con cá vàng trong tủ kính đục lờ. Ngoài cổng, dăm con bê gầy gò đang dũi mõm vào mấy chậu cảnh vỡ hòng tìm chút lá non.
Đáp lại lòng nhiệt tình mua vé tham quan “thủy cung” của tôi, người trực cửa cho biết công trình này thuộc quyền quản lý của UBND tỉnh, giờ đang trong quá trình nhượng lại cho một nhà đầu tư tư nhân từ Hà Nội vào. Anh ta bảo thế, và tôi hiểu ra ngay vấn đề, sau một hồi tiếc rẻ thay cho một dự án, cho các công dân Huế đang thiếu chỗ vui chơi hiện đại và thậm chí tiếc thay cho người Hà Nội “giá như có một chỗ thế này”.
Rời khỏi Thủy Tiên, một lần nữa thấy Huế thật kỳ lạ. Đến một công viên hiện đại làm vậy mà cũng nhang nhác như phế tích, như bao đền đài, cổ mộ rêu phong rải rác khắp kinh thành.

Nguồn: laodong.com.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button