Những điều kỳ thú về giếng cổ ở chùa Báo Quốc
Văn hóa Huế – Đã có một thời gian dài, người dân kinh đô Huế coi giếng cổ Hàm Long nằm ngay dưới chân núi Bình An Sơn (Thừa Thiên – Huế) là miệng của một con rồng thiêng, gắn liền với triều Nguyễn…
Giếng cổ hay miệng của rồng thiêng?
Theo truyền thuyết, giếng Hàm Long ra đời gắn liền với việc hình thành nhà Nguyễn. Khi vua Nguyễn từ Bắc vào xứ Thuận Hóa, khai hoang bờ cõi, vùng đất này vẫn còn hoang sơ và có nhiều điều thần bí, con người sống thưa thớt, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Một lần, khi vua Nguyễn vào Phú Xuân định đô chưa được bao lâu, nhà vua cũng như nhân dân không được ngủ yên vì có một con rồng ngày đêm hô mưa gọi gió, gây ra sóng gió vần vũ.
Lo lắng cho vận mệnh của đất nước và cuộc sống của nhân dân, nhà vua đã sai các quan thần trong triều cho người đi khắp các vùng đất để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ngày nọ, có ông thầy phong thủy từ phương xa tới mong diện kiến nhà vua, thầy phong thủy phán rằng, trước mặt kinh thành (đại nội Huế bây giờ) có một dãy núi thiêng với nhiều long mạch. Thầy còn bảo, long mạch ở đây mang nhiều điểm thần bí so với long mạch ở những nơi khác, biến hóa khôn lường, muôn hình vạn trạng, lúc to lúc nhỏ, lúc nhô cao lúc xuống thấp, lúc nghịch lúc thuận, lúc ẩn lúc hiện. Nơi đây hội tụ sinh khí thịnh vượng không đâu có được. Để chế ngự được con rồng dữ này, cần mời nhiều vị cao nhân về cúng bái mới có thể yểm long mạch. Sau đó, nhà vua mời các thầy về yểm ở nhiều điểm. Quả nhiên, ngay sau đó, con rồng thiêng không còn quấy phá nhà vua và nhân dân nữa. Từ đó, ngọn núi nơi con rồng ẩn nấp được đặt tên là Bình An Sơn, cái tên này còn tồn tại cho đến ngày nay.
Lại có ý kiến cho rằng, giếng Hàm Long gắn liền với chùa Báo Quốc do thiền sư Giác Phong dựng lên vào cuối thế kỷ XVII. Khi thiền sư đến lập chùa, vì khát nước, thầy bèn quyết định đào ngay một cái giếng để lấy nước nằm dưới chân núi. Khi thầy chỉ mới đào ba lát đất, bỗng từ dưới giếng có mạch nước trong vắt phun ra liên tục như miệng con rồng. Màu nước trong vắt, ngon ngọt, mát lạnh, dùng nước đó rửa mặt có cảm giác khoan khoái tràn đầy sinh lực. Từ đó, giếng được đặt tên là Hàm Long.
Một sự tích khác là khi đào đúng viên đá dẫn lộ xuống mạch nước ngầm, vì đá quá giống miệng con rồng nên người ta đặt tên là Hàm Long. Người Huế truyền nhau câu ca dao: “Chùa Hàm Long thơm trong giếng cấm/Diêm tiêu nào ngăn được nước trong”, để nói lên độ thơm trong, ngon ngọt của giếng. Hiện, trên tấm bia đá tại xóm chùa Báo Quốc vẫn còn lưu lại dòng chữ về nguồn gốc của giếng Hàm Long: “Giếng Hàm Long có tên chữ Hán là Hàm Long Tĩnh.
Theo bộ “Hàm Long sơn chí” thì giếng xuất hiện cùng thời với việc khai sơn chùa Báo Quốc khoảng năm 1674″. Xung quanh giếng, rất nhiều hình tượng rồng uốn lượn, thấp thoáng trên các mái chùa, trên thành giếng, gợi nhớ câu chuyện rồng dữ quấy phá nhà vua.
Chứng tích trầm luân của lịch sử
Thầy Đức Thanh, đang tu tại chùa Báo Quốc, cho biết: “Hiện nay, giếng Hàm Long đã được đậy kín bởi một tấm lưới sắt đan và chỉ được phục vụ cho mục đích tham quan. Những ngày đầu xuân có rất nhiều du khách đến dâng hương, cầu may mắn. Việc này đã trở thành nét văn hóa đầu năm của người dân kinh đô Huế, cũng như khách thập phương từ nhiều năm nay”.
Ông Nguyễn Hữu Hải, năm nay đã ngoài 80 tuổi, là một trong số ít những cao niên còn lại trong làng Báo Quốc, nhà ở cách giếng không xa. Khi thấy chúng tôi có ý muốn tìm hiểu về giếng, ông cho biết: “Tôi đã sống ở đây cả một đời người, cuộc đời tôi gắn liền với giếng như gắn với cha mẹ. Từ nhỏ, tôi đã được nghe nhiều giai thoại và những điều huyễn hoặc về giếng thiêng Hàm Long. Từ khi tôi còn nhỏ đến giờ, giếng quanh năm không bao giờ cạn. Nước giếng bốn mùa đều trong xanh, mát ngọt; mùa đông nước ấm áp, mùa hè mát lạnh sảng khoái. Dù cho mưa gió, lũ lụt thế nào, giếng nước cũng chẳng bao giờ vẩn đục, vì vậy nước giếng thường được bà con gánh về ăn uống, những ngày mùng một hoặc rằm, người gánh nước lại càng đông đúc hơn. Người dân quan niệm, nước quý từ giếng thiêng mang về rửa đồ cúng thờ tổ tiên, ông bà, sẽ thể hiện được lòng thành và được phù hộ an lành”.
Cũng theo ông Hải, tiếng lành đồn xa, người gánh nước từ giếng càng ngày càng nhiều, không chỉ ở khu vực lân cận mà người dân ở tít Thủy Phương, Thủy Biều cũng lũ lượt kéo nhau lên giếng gánh nước. Giếng Hàm Long có vai trò quan trọng đối với người dân bản xứ khi mà bão tố, nắng mưa, lam sơn, chướng khí, rồi bom đạn, gươm đao, chết chóc, tan cửa nát nhà… đe dọa cuộc sống của những người dân quê. Những điều này làm họ choáng ngợp, lo sợ cần được chở che, bảo vệ sống đời bình an. Về sau, khi đã nổi tiếng trong dân gian, nước giếng Hàm Long chỉ được dùng để tiến vua pha trà hoặc nấu chè sen. Trong cuốn “Đại Nam nhất thống chí” có ghi chép lại: “Buổi đầu khai quốc, các quan triều đình thường lấy nước giếng này để vua dùng nên lại có tên là giếng cấm”.
Cùng với những biến cố của lịch sử, giếng Hàm Long cũng phải chịu cảnh giày xéo khi quân Pháp – Nhật xâm lược nước ta. Ông Hải kể lại: “Hồi ấy, vì biết giếng Hàm Long ngon ngọt nổi tiếng, quân Pháp bèn dựng căn cứ ngay trên ngọn núi Bình An Sơn. Ngày ngày, chúng cướp bóc trâu, bò, heo là những con vật “cơ nghiệp” của người dân rồi mang xuống gần giếng cắt tiết, xẻo thịt, ăn uống linh đình để thỏa mãn thú ăn chơi trác tác, hưởng thụ. Khi giết hại những con vật, chúng vứt bỏ lục phủ ngũ tạng xung quanh giếng, ngày qua ngày, những thứ bỏ đi ấy càng nhiều, chất chồng lên nhau, hôi hám, thối rữa. Không những thế, run rủi cho người dân nào đi qua mà khiến chúng “ngứa mắt” cũng bị chúng kéo lê về giếng Hàm Long tra tấn, lấy đó làm trò vui”.
Sống dưới ách áp bức của quân giặc, cuộc sống của người dân hết sức lầm than. Nhìn cảnh giếng thiêng của làng bị lũ giặc man rợ sỉ nhục, nhiều người căm phẫn. Một hôm, vị trưởng làng đứng ra khẩn khoản can ngăn quân Pháp không làm vấy bẩn giếng Hàm Long liền bị chúng chặt đầu bêu riếu. Vào đêm, vị trưởng làng chịu hành hình, trời bỗng nổi gió to, sấm chớp long trời lở đất đến sáng hôm sau thì giếng Hàm Long cạn kiệt nước, binh lính Pháp đóng trên núi Bình An Sơn hơn quá nửa mắc căn bệnh lạ, ngứa ngáy khắp người, trên da xuất hiện những nốt đỏ, mẩn ngứa, uống thuốc bao nhiêu cũng không thuyên giảm. Sau đó, quân giặc cứ chết từ từ vì căn bệnh lạ. Người dân truyền tai nhau rằng, quân Pháp bị như vậy là vì đã mạo phạm giếng thiêng. Đó là câu chuyện mà những người dân ở xóm chùa Báo Quốc vẫn còn lưu truyền đến nay. Giếng Hàm Long có thể coi là minh chứng lịch sử một cách trung thực những gì không thể bị lãng quên.
Theo: Bảo Bình – nguoiduatin.vn