Đất - Người Huế

Những lão ngư chinh phục biển cả

Đất – Người Huế – Nữ lão ngư Lê Thị Thẻo 61 tuổi, hiện ngày ngày vẫn ra khơi để tiếp lửa cho con dân làng chài Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Còn ông Nguyễn Dê, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế nửa thế kỷ bị mù lòa vẫn tung hoành lướt sóng làm giàu cho gia đình và đất nước… Họ được suy tôn là những báu vật lưu giữ kỹ nghệ chinh phục biển cả.
Ra khơi mùa biển động
Giữa mùa biển động. Sóng biển quăng quật như muốn nuốt chửng những con thuyền nhỏ đang bươn bả ra khơi. “Đó là phương tiện vươn khơi của bà con ngư dân nghèo, hành nghề đánh bắt con cá hố, cá nhảy… Sóng to, nước biển chuyển màu đùng đục, đàn cá hố mới quần tụ về vùng biển gần bờ – lão ngư Lê Thị Thẻo chia sẻ thêm, cá hố giờ đây bán xuất khẩu giá cao, nhưng câu được không hề đơn giản… Nó (cá hố) rất khôn ngoan nên người hành nghề cần quan sát chính xác đàn cá để móc mồi bỏ câu… Cá ăn mồi, phải nhanh tay kéo câu theo đường chéo để bắt được nhiều con cá trong đàn. Đấy là khoảnh khắc thể hiện tay nghề cao thấp người đi câu…”. Hơn 50 năm làm nghề lưới hai đánh bắt gần bờ, bà Thẻo thuộc làu từng quãng nông sâu, từng con sóng bạc giữa mênh mông biển Cửa Việt. Vậy mà khi hỏi về bí quyết trở thành kình ngư thạo nghề, bà chỉ cười và cho rằng: “Có gì mà bí quyết. Muốn chinh phục biển cả, đầu tiên phải vượt qua giai đoạn say sóng đến nôn ra mật xanh, mật vàng với cảm giác lâng lâng, nao nao khó tả lắm… Người thể trạng tốt say sóng ngắn hơn, tức khoảng 2 – 3 ngày đi biển là hết, còn người yếu say sóng đến cả tuần, cả tháng. Tiếp đó, phải biết bơi giỏi. Nếu không khi thuyền gặp giông tố hay chẳng may sơ sẩy rơi xuống biển chỉ có cầm chắc cái chết. Còn để trở thành một ngư dân lão luyện trong nghề, phải học kinh nghiệm của những người đi trước như đoán được hướng lưu chuyển của dòng hải lưu, hướng gió, thủy triều lên xuống, phán đoán hướng đi của đàn cá, xác định thời điểm nào buông câu thì cá, mực mới ăn… Nói chung là có nhiều thứ để học và thậm chí học cả đời cũng không hết đâu chú à”.

Ở làng chài Cửa Việt, lão ngư dân Lê Thị Thẻo được mệnh danh “sát thủ” cá hố. Nay ở tuổi 61, bà vẫn đi lại thoăn thoắt ra bờ biển mỗi ngày để “tư vấn” cho con cháu và cả những ngư dân khác trong làng vươn khơi, bám biển. Nụ cười tươi rói khi nhìn thấy từng khoang thuyền đầy ắp tôm cá cập bến mỗi ngày như cho bà thêm tin yêu vào khát vọng biển ta, ta đánh cá. Bà bảo: “Bây giờ mình sức tàn, lực kiệt không thể vẫy vùng với sóng nước biển cả như trước đây. Thi thoảng ra bờ biển để động viên, chia sẻ kinh nghiệm khó nhọc và niềm vui với con cháu cho vơi bớt nỗi nhớ nghề. Và cũng đỡ nhớ từng con sóng, ánh đèn giăng lưới giữa trùng khơi cứ như thành phố nổi trên biển… Nơi ấy, con dân các làng chài đất Việt đang ngày đêm thả lưới, giăng câu “đón” từng luồng cá với ước mong làm giàu cho gia đình và quê hương” – lão ngư Lê Thị Thẻo hy vọng.
Kỳ nhân làng chài
Lặn ngụp dưới dòng nước xanh thẫm ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai giữa mênh mông chiều muộn một lúc lâu, lão mới ngoi lên khỏi mặt nước, trên tay giữ chặt con cá dìa quẫy mạnh. Bà Dưỡng vợ lão ngóng ở mạn thuyền, lum khum ôm khạp đón thành quả của chồng… Lão lại tiếp tục dò dẫm khua mái chèo hướng mạn thuyền về phía cửa Tư Hiền, nơi thông đầm Cầu Hai với biển cả. Đó là kế mưu sinh mỗi ngày của vợ chồng lão Nguyễn Dê bị mù ngay từ thuở nhỏ. Lão ngư phủ mù Nguyễn Dê năm nay tuổi ngót nghét 70 nhưng hiếm ai cùng tuổi còn cường tráng, giọng nói sang sảng được như lão. Từ lâu người dân làng chài Trung Hưng, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã quen với hình ảnh lão Dê mù lòa lướt sóng, vượt gió tung hoành trên phá Tam Giang – Cầu Hai. Lão ngụp lặn bắt con tôm, con cá thành thạo hơn cả những ngư phủ bình thường.

hue24h

Sinh ra trong gia đình làm nghề đánh bắt lâu đời trên phá Tam Giang – Cầu Hai rộng lớn nhất Đông Nam Á thuộc xã Vinh Giang, huyện Phú Lộc. Hồi lên 8 tuổi, căn bệnh đậu mùa đã cướp đi đôi mắt của cậu bé Dê. Cũng từ đó, cậu bé Dê bắt đầu luyện tập sống theo cách của một người mù. Mười tuổi, ông theo ba mẹ giong đò đi đánh cá trên đầm. Thời gian sau, ông thuộc lòng từng vị trí đánh bắt, cách bủa lưới, phương pháp lặn mò cá tôm dưới nước… Năm 1964, Nguyễn Dê lên 18 tuổi cũng là lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc bước vào giai đoạn cam go ác liệt. Xã Vinh Giang quê ông trở thành căn cứ cách mạng trong lòng địch. Cả vùng cách mạng vượt sóng nước đi lại chỉ có mỗi con đò của gia đình Nguyễn Dê làm bằng gỗ nên khi cách mạng vận động thì ông và 3 người em cùng tham gia ngay bằng việc bốc vác lương thực, đưa du kích vượt phá Tam Giang qua vùng căn cứ cách mạng ở xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc xa gần chục cây số. “Tui mù nên quân địch không nghi ngờ theo cách mạng. Mỗi lần đưa đò tui ngồi phía sau chèo lái, mấy người em ngồi trước hướng dẫn đường” – ông Dê kể.
Trong lúc đang cùng ông trở về quá khứ thì một bà lão gần 70 tuổi bước ra từ gian bếp lụp xụp của gia đình. Ông bảo: “Vợ tui đó, bà tên Nguyễn Thị Dưỡng. Hồi trẻ bà ấy đẹp nhất vùng, con trai tán tỉnh nhiều vô kể. Tui với bà ấy quen rồi bén duyên cũng từ bom đạn chiến tranh”. Ông nhớ lại, lúc ấy hai bên bờ phá Tam Giang – Cầu Hai có rất nhiều đồn bốt canh gác của quân địch, nhiều lần chiếc đò của tui chạy ra giữa dòng thì bị phát hiện, giặc bắn đạn như mưa, nhưng anh em tui nhiều lần thoát chết… Trong đó, vào một đêm cuối năm 1968, khi chiến dịch Tết Mậu Thân ở Thừa Thiên – Huế mở màn, tui cùng những người em mình chèo đò đưa lương thực vượt phá. Đò mới chạy được một khúc thì địch phát hiện, súng nổ rền vang trên mặt phá, con đò bị trúng đạn bốc cháy và chìm nhanh xuống đáy. Tui và những người em nhanh chóng nhảy xuống nước tránh đạn… Trời mùa đông nước lạnh như đá, tui mù không thấy đường nên khi nhảy xuống nước liền lặn một hơi dài, sau đó theo cảm tính mà bơi vào bờ. Phải 2 giờ bơi lặn trên phá tui mới vô được bờ”. Đến năm 1971, quân địch nghi ngờ 4 anh em nhà Nguyễn Dê tham gia vận chuyển du kích, lương thực cho quân giải phóng nên gia đình ông phải chuyển đến sống tại xã Vinh Hưng. Và cũng từ đây, bà Nguyễn Thị Dưỡng đem lòng yêu thương và hai người lập gia đình.
Dẫu trên bờ lão ngư phủ Nguyễn Dê phải dò dẫm từng bước đường, nhưng khi dưới đầm, lão vượt xa đám thanh niên vạn chài sáng mắt và lão cứ như cá gặp nước, tung hoành lặn ngụp chẳng khác gì con rái cá tìm mồi… Hơn 40 năm sau ngày cưới, vợ chồng ông Dê lần lượt sinh được 5 người con trai, 2 người con gái và nuôi dạy khôn lớn. “Vợ chồng tui dạo này nhờ có 3 đứa con theo nghiệp hỗ trợ, phụ giúp công việc và kỹ thuật nuôi trồng thủy hải sản nên đời sống đã khá lên nhiều. Ước tính vụ cá dìa và cá hồng đợt ni nếu trời thuận thì trừ hết chi phí, 2 vợ chồng tui cũng thu về cả chục triệu đồng. Nay dẫu sức tàn lực kiệt, lại cảnh mù lòa, vẫn nhọc nhằn mưu sinh với đầm phá, nhưng đồng tiền tui cũng đã làm ra được nhiều hơn để lo cho 2 đứa cháu ngoại ăn học bằng người” – lão ngư mù Nguyễn Dê nói thật thà.

Theo: VĂN THẮNG – sggp.org.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button