Những “vọng phu” thay chồng bám biển nuôi con
Đất – Người Huế – Trong những chuyến ra khơi, biển cả đã cướp đi bao sinh mạng ngư phủ khỏe mạnh của làng biển xã Phú Diên, huyện Phú Vang (Thừa Thiên- Huế) để lại nỗi đau, sự vất vả và cực nhọc đè nặng xuống đôi vai gầy của những phụ nữ mất chồng, mất con. Thế nhưng, cố nén chặt nỗi lòng, những “vọng phu” ấy đã thay chồng nuôi con thành người…
Như đã thành thông lệ, cứ 5h sáng, dưới ánh điện sáng rực, con đường bê tông thẳng tắp chạy dọc xóm biển Phương Diên (xã Phú Diên) như thức giấc với tiếng nói cười, í ới gọi nhau của hàng chục phụ nữ làm nghề thu mua cá từ những con tàu vừa cập bến để kịp đi chợ sớm. Đứng bên sọt cá ngừ còn tươi rói vừa mua được từ một chủ thuyền trong làng, chị Nguyễn Thị Liễu (35 tuổi) niềm nở tâm sự: “Nếu các chủ thuyền ra khơi đánh bắt được nhiều cá, mực thì những người thu mua cá như chị em tui cũng kiếm ăn được. Bình quân mỗi ngày tui mua khoảng 3 sọt cá, nhưng đều bán hết veo; có ngày bán đến 5 sọt, lời lãi bao nhiêu đều dành dụm cho con đi học”. Sau khi bán hết số cá, chị Liễu mời tôi ghé thăm nhà…
Ngôi nhà cấp 4 được vợ chồng chị Liễu xây dựng cách đây chừng 5 năm nên tường đã phủ rêu vì mưa nắng. Thắp một nén nhang lên bàn thờ chồng, chị Liễu kể cho tôi nghe những ngày tháng khổ cực khi anh Trần Trương, người trụ cột của gia đình chị bị sóng biển cướp đi sinh mạng. “Tui còn nhớ, một sáng giữa tháng 11/2010, chồng tui cùng mấy ngư dân khác lên thuyền của ông Nguyễn Thắng để ra khơi. Nhưng, sau đó tui nghe anh Trương gọi điện vào báo, thuyền đi giữa đường thì gặp gió lớn, không thể cập bờ nên đành chạy về cảng Chân Mây để trú bão. Ai ngờ vừa đến cảng thì đã bị sóng biển đánh chìm thuyền, chồng tôi mất tích từ đó”, chị Liễu nghẹn ngào. Suốt nhiều ngày liền, mấy mẹ con chị Liễu ra bờ biển đứng từ sáng sớm đến tối mịt để chờ tin chồng. Không biết bao nhiêu nước mắt đã rơi, nhưng cuối cùng, người vợ ấy đã nén nỗi đau để vực dậy, thay chồng lo cho các con thơ dại…
Chồng mất, chị Liễu lấy nghề buôn cá mưu sinh qua ngày. Mỗi ngày, lời lãi từ việc thu mua cá chỉ được vài chục ngàn đồng nhưng chị vẫn cố chắt bóp để trang trải tiền học phí, sách vở cho 3 người con. Chị tâm sự: “Anh Trương mất để lại tui và 3 đứa con dại, nhưng tui vẫn gắng gượng để thay chồng nuôi con. May mắn là giờ đứa nào cũng khỏe mạnh và chăm học khi thằng Nhật học đến lớp 7, con Thảo lớp 3 và thằng út học lớp 1…”.
Cùng cảnh ngộ, chồng bà Phạm Thị Xọt (55 tuổi), ở thôn Phương Diên cũng gặp nạn khi đi chung chiếc thuyền với chồng chị Liễu. Từ ngày nhận được hung tin, bà Xọt một thân một mình với 2 bàn tay trắng bám víu mảnh vườn và lấy nghề buôn cá để nuôi 9 người con. Thương mẹ sớm hôm tảo tần, anh Trần Hà (32 tuổi), con đầu của bà Xọt rời quê vào Nam làm thuê giúp mẹ nuôi các em. “Để có tiền nuôi các con, mỗi sáng tui lấy cá từ các tàu rồi bỏ vào 2 chiếc thùng phía sau xe đạp để đem đi bán rong. Tuy hoàn cảnh nghèo khổ nhưng tui vẫn cố động viên mình không được gục ngã. Thế rồi các con tui cũng lần lượt bỏ học để chuyển sang học nghề với hy vọng kiếm cái nghề mưu sinh qua ngày”, bà Xọt nhớ lại những ngày tháng khó khăn khi chồng mất sau chuyến đi biển định mệnh…
Nằm cách nhà bà Xọt không xa là căn nhà khang trang vừa được quét lại màu sơn của bà Nguyễn Thị Tân. Bà Tân chính là vợ của chủ thuyền Nguyễn Thắng đã gặp nạn trong chuyến ra khơi năm ấy. Bà Tân kể rằng, chuyến đi biển ấy, chồng bà và người con rể tên Hồ Chạy cũng bị sóng biển cuốn mất tích. Chỉ riêng người con trai tên Nguyễn Quân đã may mắn được cứu sống… Đôi mắt xa xăm hướng ra phía biển, nơi những ngọn sóng đầu bạc đang thi nhau vỗ bờ, bà Tân chia sẻ nỗi lòng: “Ở gần biển mà không làm nghề theo đuôi con cá, con tôm trên biển thì không biết làm nghề chi nữa chú à. Tuy chồng tui mất trên biển nhưng tui vẫn dặn các con trai cố bám biển mà sống, mà làm giàu vì biển sẽ không phụ lòng người…”.
Tâm sự cùng tôi, ông Trương Thành Tiến, Trưởng đội tàu thuyền Phương Diên còn cho biết: Sau vụ tai nạn vào năm 2010 làm 4 ngư dân chết thảm thì đến nay, bà con ngư dân trong thôn vẫn quyết tâm bám biển. Để giúp ngư dân chủ động ứng phó với mưa bão nên hầu hết các thuyền, ghe đều được trang bị máy định vị, bộ đàm và nhiều phương tiện cứu hộ khác. Và mỗi năm, cứ đến mùa tháng 5 âm lịch, làng biển Phương Diên lại rộn rã trong tiếng trống, tiếng chiêng khi tổ chức lễ hội cầu ngư theo phong tục truyền thống. Với những ngư dân ở làng biển này, họ luôn cầu mong những chuyến ra khơi bình an và thuyền về đầy ắp tôm cá. Còn những người như chị Liễu, bà Xọt, bà Tân thì họ luôn mong rằng, sẽ không còn vụ tai nạn trên biển nào như 3 năm về trước. Bởi hơn ai hết, họ thấu hiểu được nỗi đau tận cùng của những “vọng phu” một đời thờ chồng nuôi con.
Theo: Lê Anh – cand.com.vn