Ông Tây 20 năm nhặt xác trên biển Thuận An
Nhiều người kêu ông là lão rồ, lão hâm, nhưng kệ, 20 năm nay, ông Lê Hữu Tây (52 tuổi, trú thôn Hải Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn miệt mài với công việc ấy.
ớt xác người trong đêm đông
Một đêm mùa đông cách đây hơn 20 năm, dưới cái lạnh buốt giá, anh Tây khi đó mới là chàng thanh niên 30 tuổi đã có vợ con chợt nghe tiếng hô hoán của cư dân trong thôn. Giật mình chạy ra biển, anh thấy có 3 xác chết đang trong giai đoạn phân hủy nổi lềnh bềnh trên mặt biển đầy sóng. Những người dân khác vì sợ quá không dám ra vớt. Ngay tức khắc, anh nhanh thoăn thoắt cởi áo, lao ra mặt nước trong đêm tối. Anh dùng hai tay của mình để đưa xác những nạn nhân xấu số vào bờ. Sau đó, một tay của anh Tây đi mua nệm, trà, hương, đèn… về để tắm rửa sạch sẽ và liệm
“Lúc đầu khi thấy 3 xác chết đó tui cũng ớn lạnh lắm. Nhưng vì thấy thương họ xấu số, lạnh lẽo trên biển dài ngày, không có người thân nên tui quyết định an táng cho họ”, ông Tây trầm ngâm kể.
Kể từ ngày đó, cứ như số kiếp vận vào người, từ chàng thanh niên Lê Hữu Tây đến khi tóc đã hai màu, thành ông Tây, ông vô tình trở thành “anh hùng” lượm xác. Ông không nhớ nổi đã có biết bao cái xác chết trên biển được ông vớt lên, rồi đem chôn cất. Cái cồn cát ven biển trước mặt nhà ông là nơi an nghỉ của biết bao con người xấu số, thành một nghĩa trang được ông Tây bảo vệ và gắn bó.
Nhiều lúc đi biển để đánh cá mà gặp xác chết trôi trên biển, ông Tây thường bảo anh em đánh thuyền vào để vớt họ đem về chôn. Có nhiều người ngại ngùng và sợ không dám đánh thuyền vào, vậy là mình anh liền nhảy phắt xuống biển để để vớt họ lên, đem về mai tang mà không kiêng cữ với nghề đi biển.
Ông còn kể thêm, cách đây một năm, có một ông bác sĩ ở Hà Nội đi du lịch và tắm biển Lăng Cô chẳng may bị sóng cuốn trôi và dạt vào bãi biển của ông. Xác chết ấy đã được gần 10 ngày và bốc mùi hôi thối. Nhiều người bảo nên đào hố chôn lại đi, chứ phân hủy như thế này làm sao mà liệm. Nhưng ông Tây đã phớt lờ đi. Thế là ông đi mua urê, trà, dụng cụ khâm liệm… về và một tay ông tắm rửa sạch sẽ và an táng cho họ.
Một tháng sau, có người thân ở Hà Nội nghe tin vô nhận xác, cũng một tay ông đào lên, gói ghém và đưa cho người thân đem về. “Họ cảm động và muốn hậu tạ tui nhiều lắm. Nhưng tui nghĩ mình làm là tự nguyện, là lấy đức cho con cháu nên không nhận của ai một thứ gì”, ông Tây nói.
Ngủ với xác chết
Vớt xác, liệm, chôn cất người chết trôi trên biển thì đã ghê gớm lắm rồi. Thế nhưng, ông Tây lại khiến vợ con, hàng xóm sửng sốt khi có đôi lần ngủ cùng xác chết. Vào đêm 14/10/2011, trong lúc đang ăn cơm tối sau một ngày rong ruổi trên biển đánh bắt cá, ông lại nghe người dân trong thôn réo gọi. Thế là ông vội vàng bỏ đũa và đi ra biển. Lúc sau, vợ con ông thấy ông dùng xe kéo một xác chết to lớn, không có đầu và tay chân, bốc mùi hôi về. Ngay trong đêm đó, sau khi lau chùi, tẩm liệm người đó xong, ông để người chết nằm đó để sáng mai mới đem đi chôn. Ông lại lấy gối nằm cạnh bên xác chết để vừa ngủ vừa trông coi.
“Lúc đầu, tôi thấy ông ấy vớt xác người chết trôi như vậy cũng sợ và can ngăn. Nhưng về sau, thấy người chết trôi thật đáng thương, âu cũng là số phận của họ nên tui ủng hộ cho ổng làm việc nghĩa này”, Bà Huỳnh Thị Lái, 51 tuổi, vợ ông Tây nói.
Suốt cuộc đời, ông Tây không nhớ nổi mình đã từng tẩm liệm cho biết bao nhiêu người dân trong thôn, xã. Hễ ở đâu có người chết vì tai nạn giao thông, chết đuối, giật điện thì ông lại đến và làm phúc giúp họ. Những lúc như thế, ông không hề lấy một đồng tiền cắc bạc nào hết. Ông còn nhớ rõ mồn một cách đây vài tháng, có một vụ tai nạn giao thông trên Thành phố Huế. Lúc đó, nạn nhân bị xe cán rất thảm khốc, máu me đầm đìa. Thế là công an lại gọi ông lên để khâm liệm cho họ.
Cũng có lúc nhặt xác người chết trôi trên biển, nhà ông lại gặp cảnh túng tiền. Khi ấy, ông phải đi quanh thôn để xin mỗi người dân vài ngàn để mua nhang, đèn, hòm… để an táng cho người xấu số. Tháng nào cũng vậy, cứ đến rằm hay mùng một, ông lại ra khu nghĩa trang của mình để cúng, thắp hương cho vong linh những những nạn nhân xấu số ấy.
Và đã hơn hai mươi năm qua, ngày nào ông cũng đều đặn ra thăm biển, rồi nghe tin người ta báo có người chết trôi dạt vào bờ là ông đem về mai táng, xây mồ mả. Tất cả từ tâm nguyện cao cả, không một chút tính toán, lợi lộc cho bản thân mình. “Hy vọng đừng có ai xấu số như những người này nữa. Họ nằm lẻ loi, lạnh lẽo ở đây mà không biết người thân ở phương nào, tội nghiệp lắm” – ông lẩm nhẩm trong lúc ngồi chăm chút cho một ngôi mộ.
Lê Thành – Hà Kiều
Báo Infonet