Kinh tế Huế

Phát triển bền vững kinh tế biển, đầm phá

[ad_1]


Cảnh đẹp Đầm Chuồn hấp dẫn du khách

An toàn, hiệu quả

Gương mặt ngư dân Hà Văn Thở (thị trấn Thuận An, Phú Vang) lộ rõ niềm vui sau chuyến biển dài hơn 10 ngày, thuyền đầy cá.

“Trong khi nghề đánh bắt gần bờ gặp khó khăn vì nguồn lợi hải sản ngày càng khan hiếm, đòi hỏi tàu công suất lớn vươn khơi, bám biển dài ngày an toàn, hiệu quả. Nghị định 67 ra đời, ngư dân vay vốn cải hoán, đóng tàu công suất lớn, tạo động lực, sinh khí mới cho nghề đánh bắt xa bờ (ĐBXB)”, ông Thở bày tỏ.

Từ những năm đầu hạ thủy chiếc tàu “67” đến nay, gia đình ông Trần Văn Đoàn từng bước ổn định cuộc sống. Hiệu quả từ chiếc tàu công suất lớn trên 800 CV, mỗi chuyến đánh bắt lãi từ 100 triệu đến vài trăm triệu đồng trở lên, không chỉ giúp gia đình ông trả nợ vay ngân hàng mà còn có cơ hội vươn lên làm giàu.

Ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Vang đánh giá, ngoài tàu “67”, trên địa bàn huyện còn nhiều ngư dân đầu tư cải hoán, đóng mới tàu công suất lớn từ nguồn vốn tự có đều hoạt động hiệu quả. Tàu công suất lớn từ 400 CV trở lên giúp ngư dân mạnh dạn vươn khơi, bám biển từ 10 ngày đến nửa tháng. Với thời gian đánh bắt dài ngày, tạo cơ hội cho ngư dân thăm dò, chờ gặp luồng cá lớn để đánh bắt, vươn tới vùng biển lớn, Trường Sa, Hoàng Sa. Với tổng số tàu, thuyền toàn huyện 1.365 chiếc, năm 2019 đạt sản lượng 29.405 tấn, tăng 3 ngàn tấn so với năm 2015. Năm 2020, sản lượng đánh bắt thủy hải sản toàn huyện ước đạt 30 ngàn tấn.

Thu mua hải sản tại Cảng Thuận An

Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền xác định, nuôi trồng thủy sản (NTTS) là mũi nhọn phát triển kinh tế, xã hội của huyện. 5 năm trở lại đây, Quảng Điền đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng nuôi, hoàn thành việc tách đê, khơi thông thủy đạo dọc theo tuyến đê ngăn mặn tây phá Tam Giang; hoàn thành quy hoạch chi tiết vùng nuôi tại xã Quảng An, Quảng Thành… Hằng năm, toàn huyện ổn định diện tích thả nuôi 644,9 ha thủy sản nước lợ và 1.016 lồng cá trên phá và ven sông. Các địa phương từng bước đưa các đối tượng mới, giá trị kinh tế cao vào nuôi, nhận rộng các mô hình nuôi cá đặc sản ở vùng nước lợ như cá nâu, cá dìa, cá kình, cá chẽm… lãi bình quân 80-100 triệu đồng/ha.

Kết hợp du lịch

Ông Trương Văn Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, 5 năm qua, tỉnh đã định hướng, đầu tư lớn cho hoạt động khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biển và đầm phá. Các công trình hạ tầng giao thông, bến cảng, âu thuyền được nâng cấp và đang triển khai xây dựng Cảng cá Thuận An loại 1, từng bước đáp ứng nhu cầu đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản trước yêu cầu mới.

Nghị định 67 của Chính phủ ra đời đến nay đã có 45 chiếc tàu ĐBXB công suất lớn được đóng mới, nâng tổng số tàu ĐBXB toàn tỉnh lên khoảng 450 chiếc, 1.943 thuyền khai thác gần bờ và hơn 3.500 thuyền máy khai thác vùng sông, đầm phá. Sản lượng khai thác thủy, hải sản năm 2019 đạt gần 42 ngàn tấn, cao hơn khoảng 3 ngàn tấn so với năm 2015; năm 2020 ước đạt 43 ngàn tấn.

Dịch vụ hậu cầu phát triển mạnh, điển hình tại thị trấn Thuận An đã thành lập Hiệp hội Dịch vụ hậu cần nghề cá, một cách làm sáng tạo, bám sát yêu cầu thực tế, xu hướng ĐBXB. Các tàu có nhiệm vụ phân công, luân phiên cung ứng các dịch vụ xăng dầu, lương thực, nhu yếu phẩm, thu mua hải sản cho các tàu ĐBXB, các vùng biển xa, ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Đến nay, riêng ở Thuận An có 25 tàu hậu cần công suất lớn từ 400 CV đến 800 CV, mỗi tàu tạo việc làm cho 10 – 15 lao động.

Các địa phương ven biển đã xây dựng, hình thành hơn 330 cơ sở chế biến thủy hải sản với sản lượng hằng năm đạt khoảng 1,5 triệu lít nước mắm, 1,5 tấn mắm và hơn 100 tấn thủy sản khô… Nghề biển đã tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hơn 10 ngàn hộ gia đình với hơn 21 ngàn lao động.

Các địa phương đầu tư, sắp xếp, tổ chức lại sản xuất NTTS theo hướng tập trung chuyên canh, sản xuất hàng hóa; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai một cách đồng bộ, mở rộng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề ven biển và đầm phá gắn với bảo vệ môi trường… Ngoài diện tích NTTS trên đầm phá Tam Giang khoảng 4.000 ha, tỉnh đầu tư khai thác, sử dụng 1.500 ha mặt nước hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hồ tự nhiên để NTTS. Vùng cát ven biển có hơn 550 ha nuôi tôm chân trắng, thu nhập khoảng 2.500 tỷ đồng/năm. Năm 2020, sản lượng NTTS toàn tỉnh ước đạt trên 24 ngàn tấn, cao hơn 9 ngàn tấn so với năm 2015.

Việc thành lập 23 khu bảo vệ thủy sản và trồng 126 ha rừng ngập mặn tạo bãi giống, bãi đẻ giúp nguồn lợi thủy sản ngày càng phục hồi, sinh sôi. Hàng vạn ngư dân vùng đầm phá có nguồn thu nhập ổn định, mỗi tháng 6-10 triệu đồng/hộ từ đánh bắt thủy sản trên vùng đầm phá.

Du lịch đầm phá, ven biển đang được tỉnh đầu tư, đẩy mạnh khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, phấn đấu xây dựng vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai trở thành vùng du lịch sinh thái trọng điểm. Du lịch đầm phá, ven biển Quảng Điền, Đầm Chuồn, biển Thuận An, Phú Thuận, Vinh Thanh (Phú Vang), Lăng Cô, Lộc Bình (Phú Lộc)… hình thành và phát triển. Các hoạt động, dịch vụ du lịch hấp dẫn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham quan, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều ngư dân vùng đầm phá, ven biển.

Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô thu hút nhiều dự án (DA) du lịch, một số DA có nguồn đầu tư lớn đến hàng ngàn tỷ đồng. DA Laguna có mức đầu tư lên đến 2 tỷ USD, xây dựng số phòng lưu trú khoảng 5.000 phòng và đưa vào khai thác casino sau năm 2020. Một số DA du lịch đã đi vào hoạt động, như khu nghỉ dưỡng huyền thoại Địa Trung Hải; khởi công khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô với vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Cảng Chân Mây được đầu tư mở rộng bến số 2,3, nâng cao năng lực vận chuyển hành khách và hàng hóa…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button