“Quả cầu chữa cháy” đặc biệt của 3 học sinh Quốc học Huế
Phát minh “Quả cầu chữa cháy” của học sinh THPT
Giáo dục Huế – Bằng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, đề tài “quả cầu chữa cháy” của 3 học sinh lớp 12, Trường Quốc học Huế, đã vượt qua 94 dự án nghiên cứu khoa học xuất sắc trên cả nước để giành giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia học sinh trung học năm 2013.
Dù rất bận rộn với bài vở cho kỳ thi cuối cấp nhưng 3 em Trần Ngọc Nhật Huyền, Hoàng Trọng Thanh Tùng và Đỗ Kỳ Minh Triết, hiện đang học lớp 12, Trường Quốc học Huế đã bỏ ra nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi tài liệu và sáng chế nên “quả cầu chữa cháy” để dự cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Cầm quả cầu chữa cháy trên tay, em Huyền tâm sự rằng: “Trong một lần đi học về, thấy người dân tham gia chữa cháy bị bỏng nên em đã nảy sinh ý tưởng nghiên cứu để làm sao phát minh được một thứ gì đó giúp những người lính cứu hỏa và người tham gia chữa cháy bớt nguy hiểm. Từ đó em cùng Tùng và Triết thống nhất nghiên cứu đề tài quả cầu chữa cháy này”.
Em Triết kể, trong quá trình triển khai thực tế để làm đề tài, nhóm của em đã phát hiện bình chữa cháy có rất nhiều nhược điểm như, quá nặng, khoảng cách tiếp xúc giữa người chữa cháy với đám cháy rất gần do vòi xịt ngắn, tính cơ động hạn chế và trên hết là… giá thành đắt.
“Chính vì thế mà chúng em đã quyết tâm thực hiện bằng được đề tài khoa học này. Và chỉ sau ba tháng triển khai, quả cầu chữa cháy đã ra đời trong niềm vui sướng của cả nhóm và các bạn lẫn thầy cô trong nhà trường”, Triết không giấu được niềm vui.
Quả cầu chữa cháy do nhóm Huyền, Triết và Tùng làm nên có ba phần: Phần lõi chứa băng khô bằng bột, phần dung dịch chất tạo bọt và phần vỏ kim loại có van.
Khi quả cầu được kích hoạt bằng các xúc tác thì quá trình thăng hoa của băng khô sẽ tạo ra một lượng khí lớn trong bình kín và hình thành áp suất lớn. Khi áp suất này tích tụ đến cực đại thì các van được kích hoạt xoay tròn phun khí CO2 và bọt để dập tắt đám cháy.
“Không những khắc phục được các hạn chế của bình chữa cháy mà quả cầu chữa cháy còn có thể được sử dụng nhiều lần và linh động trong mọi tình huống”, em Tùng hồ hởi chia sẻ. Và, nếu một bình chữa cháy có giá thành khá đắt (khoảng 700 nghìn đồng) thì quả cầu chữa cháy của các em chỉ có giá bằng 1/2.
Nguồn: cand.com.vn