Xã hội Huế

Người phụ nữ “nghĩa hiệp” vì người nghèo

Túi nylon qua sử dụng là loại rác thải có hại cho môi trường, thế nhưng có một người phụ nữ đã cần mẫn nhặt nhạnh và “biến” nó thành hàng hóa có giá trị để bán kiếm tiền giúp người nghèo. Nhờ tấm lòng thảo thơm ấy mà nhiều trẻ em mồ côi được đến trường, nhiều cụ già neo đơn được giúp đỡ hàng tháng…

Đó là việc làm rất thiết thực và đầy ý nghĩa của bà Nguyễn Thị Đối, năm nay 63 tuổi, ở thôn Tây Trì Nhơn, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế).

Mỗi ngày nhặt được 10 ký rác nylon

Trong tiết trời se lạnh xứ Huế vào một ngày đầu tháng 3, chúng tôi hỏi đường tìm về thôn Tây Trì Nhơn. Có lẽ vì cái tiếng làm việc thiện bấy lâu nay mà người dân trong thôn, ai cũng nhanh miệng chỉ vanh vách địa chỉ nhà bà Đối. “Chú đi thẳng con đường xóm này tới ngã ba cua phải, chạy khoảng 100m đến cầu ông Ngòi, qua cầu là đến nhà bà Đối”, chị chủ quán tạp hóa ở đầu làng chỉ đường cho chúng tôi.

Ngay từ đầu ngõ dẫn vào nhà bà Đối, hàng ngàn túi bao nylon được phơi trên bờ rào lẫn hai bên lối đi. Thấy có khách lạ, bà Đối bỏ dở công việc rồi vồn vã mời khách vào nhà. Bà kể: “Thấy các tàu cá mỗi lần cập cảng đều xả rất nhiều túi nylon nên tui tranh thủ nhặt đem về. Cố gắng thì ngày nhiều cũng nhặt được gần chục ký chú à, dù giặt qua hai nước rồi nhưng vẫn tanh mùi cá lắm…”.

Vốn là dân buôn cá, mỗi buổi sáng bà Đối chạy xe máy gần chục cây số để về cảng cá Thuận An lấy cá bỏ chợ. Trong lúc đợi tàu cập bến thì bà tranh thủ đi nhặt những túi bao nylon do những người đi biển làm cá bỏ lại trên bãi cát. Hơn ba năm qua, chiếc xe máy “cà tàng” đã giúp bà vận chuyển hàng chục tấn nylon phế thải từ cảng về nhà.

Để xử lý khối phế thải khổng lồ tanh nồng mùi cá ấy, bà Đối đã huy động toàn bộ người thân từ chồng con đến dâu rể phụ giúp. Từ công đoạn giặt lần một, cắt quai túi nylon, giặt lần hai, phơi khô rồi đóng vào bao tải… Ai rảnh việc lại xắn tay giúp bà. Hàng phế thải luôn được xử lý sạch cộng thêm cái tiếng nhặt rác “làm phước” nên các đại lý ve chai ở Huế luôn ưu tiên mua hàng của bà với giá 14 nghìn đồng/kg. Tính ra mỗi ngày bà Đối kiếm được khoảng 100 nghìn đồng từ việc nhặt túi nylon”.

Nhiều đợt, hàng phế thải thành phẩm chất đống ở hiên, bà Đối phải gọi đến hai chiếc xe tải mới chất hết đống hàng, hàng xóm thấy thế cứ lời ra tiếng vào nhưng khi biết bà dùng số tiền ấy để hỗ trợ cho những em mồ côi trong thôn, mua vài trăm suất cơm hộp tặng Hội người mù tỉnh Thừa Thiên – Huế thì ai cũng lắc đầu thán phục trước đức tính chịu khó lẫn việc làm “nghĩa hiệp” của bà.

“Nghĩ đến sự chịu khó của bà Đối mà bà con trong xóm ai cũng cảm phục, thời buổi này ít ai lại bỏ công sức và thời gian để đi nhặt rác nylon làm phước như bà Đối”, chị Lê Thị Tảo, người ở thôn Tây Trì Nhơn tâm sự.

“Nghĩa hiệp” vì người nghèo

Thấy vợ mình làm việc người dưng, chồng bà Đối hết sức can ngăn nhưng thuyết phục mấy bà Đối cũng không từ bỏ, kể từ đó, con cháu trong nhà đã noi gương theo bà, giúp bà làm việc nghĩa. “Mùa nắng còn mượn sân hàng xóm phơi được chứ về mùa lụt là cực lắm. Nhiều lần nước con sông Phổ Lợi trước nhà dâng cao, cha con tui phải tìm cách rào chắn sân vườn không thì nước lũ cuốn hết mấy tạ nylon thành phẩm”, ông Trần Thiên Trò, chồng bà Đối dẫn chúng tôi ra vườn sau rồi chỉ vào mấy chục bao tải đựng nylon được kê gọn gàng chia sẻ.

“Sao bà chọn việc nhặt bao nylon để làm từ thiện mà không phải là một việc khác?”. Nghe chúng tôi hỏi, bà Đối cười hiền rồi đáp: “Người ta giàu có bỏ tiền túi dăm bảy triệu đồng làm việc nghĩa, mình nghèo nhưng mình có sức khỏe thì cứ làm. Ai cấm người nghèo không làm từ thiện mô chú”.

Năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng bà Đối chưa hề có ý định từ bỏ công việc nhặt rác làm phước. Tính đến nay, số tiền bà Đối kiếm được từ việc bán nylon đã lên đến gần 200 triệu đồng. Và mỗi lần tích cóp được khoảng dăm bảy triệu, bà liền đi mua sách vở hay trích tiền mặt để giúp đỡ cho những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thôn. Bà còn ủng hộ cho các trại trẻ mồ côi, trại tâm thần trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. “Bố mẹ cháu mất sớm, cháu ở với ông bà nội, may nhờ được mệ Đối thương tình cho sách vở, áo quần… cháu mới đi học đến hôm nay”, em Trần Thanh Trà, học sinh trường THCS Phú Thượng cho chúng tôi biết.

nguoi tot hue
Nhiều năm qua, bà Đối đã giúp được rất nhiều người nghèo từ việc nhặt túi nylon phế thải.

Mỗi dịp nghỉ Tết hay nghỉ hè, sân nhà bà Đối lại thêm rộn ràng tiếng cười nói của cháu nội, cháu ngoại và trẻ con hàng xóm đến phụ giúp bà xử lý bao nylon phế thải. “Nghe lời mệ (bà) dặn nên mỗi lần đi học về cháu thường nhặt bao nylon trên đường để đem về cho mệ. Mệ nói làm vậy là giúp được nhiều người khó khăn lại còn bảo vệ môi trường…”, em Trần Văn Bình, học sinh lớp 7 nhớ lại lời dặn của bà nội.

“Bốn năm trước, trong một lần đi chùa, tôi gặp một bà cụ vừa quét rác, vừa nhặt bao nylon cho vào cái túi vải mang bên lưng. Tui hỏi cụ nhặt bao nylon ấy để làm chi, cụ bảo gom bao nylon để cuối tháng đổi lấy hương nhang khói cho nhà chùa… Thấy cách làm hay của bà cụ nên tui học theo, vừa có tiền, lại làm sạch cảnh quan môi trường. Cực khổ một chút nhưng vui, rứa thì dại chi mình không làm”, bà Đối đã tâm sự về cái duyên nhặt rác giúp người của mình.

Báo Nhân Dân .oRG

ANH KHOA – CÔNG HẬU

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button