Rong chơi Xứ Huế, ăn Cơm Hến
Trời Sài Gòn chiều nay nóng, ở nhà bức bí quá, nên mình đành xách xe vi vu phố. Đi ngang một quán café nhỏ ở quận 3, thì tình cờ nghe giọng Khánh Ly ca bài “ dấu chân địa đàng.” – “ Ngàn mây xám chiều nay về đây treo lững lờ. Và tiếng hát về ru mình trong giấc ngủ vừa.”
Thế là nhớ ra vừa rồi là ngày chú Sơn đem đàn vào cõi không hát rong. Nhớ chú Sơn, thế là lại nhớ Huế. Nhớ Huế là nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ lũ em, nhớ cái lạnh của Huế, nhớ cả những món ăn rất Huế.
Để khỏa lấp một trời nhung nhớ trong lòng, mình quyết định đi ăn cơm hến, ở một quán nổi tiếng trên đường Lê Văn Sỹ. Vào ăn cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, ăn xong đi ra lại có lắm điều để nghĩ. Ở đây, thành cơm hến Sài Gòn mất rồi, ăn cũng thơm mùi ruốc đấy, cũng có ngon miệng đấy, song sao nó cứ nhạt nhạt thế nào.
Có lẽ, cơm hến với mình không còn là một món ăn thuần túy nữa rồi. Thành một món ăn kỉ niệm mất rồi. Cho nên, lần sau có nhớ Huế cũng quyết không khỏa lấp nỗi nhớ bằng một món ăn mất chất “ rất Huế”.
Đã là kỉ niệm, thì chỉ có đến Huế mới tìm được cái vị ngon cũ, cái hương xưa ấy. Mình nghĩ, ai đến Huế cũng nên ăn cơm hến một lần, nếu không thì coi như vẫn chưa đến Huế.
Từ nhỏ đến giờ, mình đã lớn lên cùng gánh cơm hến. Những ngày mưa, tháng nắng, cứ sáng sáng mẹ lại cho hai ngàn đồng đi ăn sáng. Mình tung tăng chạy lại gánh cơm hến đầu đường. Ở đó là hai mẹ con, O Bé đã gần hơn một đời bán cơm hến, chị Nê con của O cũng theo nghề của mẹ, mình thì lúc nào cũng lên ăn một tô bún hến, một tô cơm hến. Thủa đó, một ngàn đồng một tô.
Nói là cơm hến, bún hến nhưng thực ra thì lũ hến nép vào dưới rau cả rồi, một tô ít hến lắm. Vì đây là một món ăn của người nghèo những năm cũ. Vị cay của ớt xua tan cái lạnh sớm mai, vị thơm của ruốc, cái béo của đậu phộng, cái dòn của tóp mỡ da heo. Tất cả quyện lại, nhắc thôi đã như ngửi thấy mùi, đã thèm đến độ miệng muốn nhóp nhép.
Ruốc dùng ở cơm hến phải là ruốc hơi đặc, hòa lẫn với nước luộc hến, như thế mới ngon. Còn tóp mỡ da heo, thì phải lấy da heo phơi nắng rồi chiên lên mới ngon mới dòn. Ăn xong, còn phải xin một miếng nước hến để uống. Nhớ cái cảnh chị Nê giở nồi sắt múc một miếng nước hến nghi ngút khói, là cứ muốn chạy ùa về Huế để ngày mai đi ăn cơm Hến. Mùi khói của củi để nấu nước hến cứ mơ hồ thoang thoảng đâu đây.
Mà ăn cơm hến, bún hến thì phải ăn mỗi thứ hai tô mới no được. Nên hồi xưa, sáng đi học ăn hai tô bún hến, trưa về ăn thêm một tô cơm hến nữa nhưng vẫn còn bụng để về nhà ăn cơm. Chao ôi, một món ăn bình dị, mà ngon chi lạ.
Nếu bạn nào muốn đến Huế, muốn ăn thì quán O Bé nằm ở ngã tư Hàn Thuyên – Lê Thánh Tôn, phường Thuận Thành, trong nội thành, thành phố Huế. Quán chỉ bán buổi sáng. Đến chiều thì mình thường đi qua – cơm hến Hàn Mặc Tử để ăn. Đi qua đập đá, rẽ phải, quán nằm trên đường Hàn Mặc Tử thế là có tên cơm hến Hàn Mặc Tử luôn, nhưng mình thường ăn quán nguyên gốc ở đây, vì rất nhiều khách du lịch đến ăn nên người ta mở thêm ra, bạn bỏ qua quán lớn đầu tiên, đi thêm một đoạn sẽ thấy thêm quán nữa. Quán ấy mới ngon nhất.
Nhưng nếu bạn không có dịp đi qua đó, thì đường Mai Thúc Loan trong thành buổi tối lại được gọi là con đường cơm hến, phải hơn ba chục quán bán cơm hến ở đó, tuy nhiên ngon dở không đồng đều.
Cơm hến sáng thì rẻ hơn chiều tối, tám ngàn đồng một tô, còn chiều tối thì từ mười ngàn đồng đến khoảng mười lăm ngàn tùy quán.
Đi xa Huế lâu ngày, mỗi năm về được dăm ba ngày, thế mà O Bé với chị Nê vẫn nhớ cái nết ăn của mình- phải hơi cay một tí, không ăn khế hay xoài chua, vẫn nhớ mình dẫu mình là người kiệm lời, và hơn hết cả hai chẳng biết tên mình. Vẫn gọi mình là bằng cái tên “ thằng cu.” Nhớ mà thương ghê gớm.
Nhớ Huế, nhớ cơm hến đến quay quắt…
Phùng Lam