Kinh tế Huế

Qua mùa khô khát

[ad_1]


Hoàn thành năm 2016, công trình hồ Tả Trạch có dung tích trên 600 triệu m3, tạo sức mạnh ngăn lũ đầu nguồn sông Hương. Ảnh: Nguyễn Khánh  

Sau thất bại của công trình Đại thủy nông Nam sông Hương, vấn đề thủy lợi ở Thừa Thiên Huế hầu như bị “khựng” lại, mãi đến sau những năm 1990, hàng loạt hồ chứa có dung tích khá lớn dồn dập xuất hiện trên địa bàn.

Nếu ở phía Nam có hồ Truồi (dung tích trên 55 triệu m3) thì ở phía Bắc có hồ Hòa Mỹ (dung tích 10 triệu m3) và tiếp giáp với hai đầu là các hồ chứa nước Phú Bài, Khe Ngang, Thọ Sơn, Mỹ Xuyên và mới đây là hồ chứa Thủy Yên ở Phú Lộc. Đó những hồ chứa nước loại lớn, có dung tích xấp xỉ từ 5 triệu m3 trở lên, không chỉ phục vụ sản xuất mà còn cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho cư dân trong vùng.

Từ khi hồ chứa thủy điện Hương Điền (dung tích trên 800 triệu m3) được đưa vào vận hành, kể từ năm 2010, vào mùa hè, sông Bồ đã thôi khô cạn. Vùng hạ lưu không chỉ đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt mà trên sông đã xuất hiện nghề mới, đó là nuôi cá lồng.

Hệ thống hồ chứa này kết hợp với hàng chục hồ chứa có quy mô vừa và nhỏ kết thành mạng lưới tưới tắm cho ruộng vườn, góp phần phát triển sản xuất, chăn nuôi và ổn định đời sống cho bà con nông dân.

Riêng vùng nước lợ Tam Giang, không thể không đề cập đến công trình ngăn mặn Cửa Lác nằm ở hạ lưu dòng Ô Lâu. Sau giải phóng, công trình này được bồi đắp bằng công sức của người dân Quảng Thái – Quảng Điền nhưng do không trụ nổi trước sức công phá dữ dội của lũ nên sau năm 2000, Thừa Thiên Huế đã kiên cố bằng bêtông dài hơn 2 km.

Nhờ có công trình ngăn mặn giữ ngọt này mà hơn 5.000 ha lúa của vùng Ngũ Điền, của vựa lúa Hòa-Bình-Chương (Phong Điền), của 2 xã Quảng Lợi, Quảng Thái (Quảng Điền), kể từ năm 2002 mới chủ động làm vụ lúa hè thu. Đó là chưa kể hàng nghìn ha lúa của huyện Hải Lăng (Quảng Trị) hưởng lợi.

Cũng như sông Bồ trên sông Ô Lâu sau đó nghề nuôi cá lồng xuất hiện. Và nhờ có nguồn nước ngọt nên HueWaco mới mở thêm 2 nhà máy nước: Phong Thu, Hòa-Bình-Chương

Do phần lớn các hồ được xây ở vùng gò đồi nên việc dẫn dòng tưới tiêu khá thuận. Hệ thống hồ chứa này kết hợp với hàng chục hồ chứa có quy mô vừa và nhỏ kết thành mạng lưới tưới tắm cho ruộng vườn, góp phần phát triển sản xuất, chăn nuôi và ổn định đời sống cho bà con nông dân.

Khi những công trình thủy lợi nhỏ và vừa đã định hình,việc tưới tiêu tương đối ổn thì vấn đề chỉnh trị sông Hương đã trở nên bức thiết, đặc biệt là sau khi Thừa Thiên Huế hứng chịu hậu quả nặng nề của trận lũ lịch sử 1999.

Để giảm lũ và ngăn mặn, sông Hương nhất thiết phải làm đập Thảo Long và xây hồ chứa Tả Trạch vì đây là khát vọng từ lâu của Nhân dân, của nhiều thế hệ lãnh đạo và của chính đội ngũ các nhà khoa học ở và yêu Huế.

Đập Thảo Long nằm ở hạ lưu sông Hương thuộc địa phận huyện Phú Vang là nơi nối đôi bờ hai xã Phú Thanh (Phú Vang) – Hương Phong (Hương Trà) nhằm ngăn nguồn nước mặn từ cửa Thuận xâm nhập lên sông Hương.

Năm 1978, tỉnh Bình Trị Thiên đã xây dựng công trình này nhưng vẫn không ngăn được mặn. Mãi đến cuối năm 2001, sau kết luận của Thủ tướng, công trình ngăn mặn Thảo Long làm lễ khởi công và gần 6 năm sau – năm 2007 Bộ NN&PTNT mới bàn giao công trình ngăn mặn giữ ngọt lớn nhất Đông Nam Á cho Thừa Thiên Huế sử dụng.

Đập mới Thảo Long có chiều rộng 472,5m gồm 15 khoang thoát nước, trong mỗi khoang được lắp cửa van clape trục dưới, rộng đến 31,5m, cao 4,2m, được đóng mở bằng xi-lanh thủy lực. Nhờ cửa van lớn được điều khiển hiện đại bằng máy tính nên công trình đáp ứng được yêu cầu thoát lũ và ngăn mặn kịp thời cho sông Hương.

Từ khi có đập mới Thảo Long, kể từ đó đến nay, nguồn nước sông Hương chưa bao giờ bị nhiễm mặn.

Mặc dù dự án Tả Trạch đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX ghi vào văn kiện và Thủ tướng đồng ý, nhưng do trở ngại về vốn nên phải sang đầu nhiệm kỳ tiếp theo mới được triển khai trên thực tế.

Khi biết nguồn ODA gặp khó, “vì chờ không biết khi mô mới có” nên lãnh đạo Thừa Thiên Huế, thông qua tư vấn đã chủ động đề xuất. Thấy phù hợp, cuối cùng Chính phủ chấp thuận cho sử dụng nguồn trái phiếu để đầu tư cho công trình Tả Trạch.

Cuối năm 2005, sau khi 850 hộ dân của khu vực lòng hồ đã được bố trí tái định cư, Phó Thủ tướng Vũ Khoan chính thức phát lệnh khởi công. Sau hơn 10 năm thi công, dù gặp không ít trở ngại nhưng cuối cùng, năm 2016, hồ chứa Tả Trạch  có dung tích trên 600 triệu m3 đã hoàn thành.

Hồ chứa Tả Trạch, kết hợp với hồ chứa thủy điện Bình Điền (ngăn dòng Hữu Trạch có dung tích trên 400 triệu m3) đã tạo thành sức mạnh ngăn lũ đầu nguồn sông Hương.

Kể từ năm 2013, trên thực tế, Huế đã không còn tái hiện cảnh “trời hành cơn lụt mỗi năm” và nhờ công trình ngăn mặn Thảo Long phát huy tác dụng, trong vòng mươi năm trở lại đây thay vì lơ lớ vì nhiễm mặn, mùa hè  nước sông Hương đã ngọt, ngon!.

Người dân Huế không còn quay quắt vì thiếu nước sinh hoạt như nhiều nơi khác. Đổi thay của Huế không diễn ra ồ ạt nhưng khá căn cơ. Như sông Hương để có nguồn nước ngọt, ngon, ngoài những công trình trị thủy nói trên, không thể không đề cập đến hiệu ứng môi trường khi rừng đầu nguồn được bảo vệ, gò đồi của lưu vực phủ kín cây xanh và dân cư tá túc ven bờ hay sống trên các vạn đò lần lượt được giải tỏa.

Cảm nhận sạch, trong của nguồn nước, nhiều vị trung, cao niên đã dắt dìu cháu con quần tụ bên bờ sông Hương. Kẻ tắm, người hóng mát. Chưa bao giờ như hè vừa qua, sông Hương rộn rã tiếng cười như thế!.

“Huế thu nhập bình quân đầu người có thể thấp hơn một số tỉnh, thành nhưng chỉ số hạnh phúc thì hơi bị cao”. Chị Tạ Thị Ngọc Thảo là người dịch chuyển nhiều nên tôi tin nhận định ấy là xác đáng.

Phạm Hữu Thu

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button