Siêu bão lướt qua, lũ tràn vùng trũng
Xã hội Huế – Tính đến chiều nay (10/11) tại tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn còn nhiều trường học ngập lụt nhiều nhất là các trường tiểu học và THCS các xã vùng trũng thuộc các huyện Quảng Điền, Phú Vang, và Phong Điền.
2 người thiệt mạng trước bão
Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có 2 người chết do ảnh hưởng bão số 14. Trường hợp thứ nhất xảy ra tại huyện Phú Lộc, nạn nhân là ông Hồ Phàm (68 tuổi, trú tại thôn Hiền Hòa, xã Vinh Hiền). Sáng 10/11, ông Phàm cũng bà con ngư dân ra giằng néo tàu thuyền ở trong khu vực thôn, do sóng lớn, gió to nên ông Phàm bị trượt chân ngã, chấn thương nặng rồi tử vong.
Trường hợp thứ hai là ông Nguyễn Văn Giáp (58 tuổi, trú tại thôn Hải Thế, xã Phong Hải). Chiều 9/11, ông Giáp giúp hàng xóm chằng chống nhà cửa thì bị tai nạn và chấn thương nặng rồi tử vong.
Sáng nay, ông Nguyễn Văn Cao – Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên – Huế và lãnh đạo huyện Phong Điền đã đến chia buồn, động viên và hỗ trợ các gia đình có người thân không may bị thiệt mạng trước bão.
Bão lướt qua trước, lũ tràn đến sau
Trong lúc người dân tại tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa thở phào nhẹ nhỏm khi bão Hai Yan đi qua, thì nay lại phải “gồng mình” chống lũ do ảnh hưởng hoàn lưu bão. Đến chiều 10/11, tại các thôn Quy Lai, xã Phú Thanh (huyện Phú Vang), thôn Thuận Hoà, xã Hương Phong và xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà), các địa phương thấp trũng của các huyện: Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc…, nước lũ ngập nhiều khu dân cư.
Bà Lê Thị Tình – sống ở ven bờ sông Hương thuộc thôn Thuận Hoà B (xã Hương Phong) – nói: “Mỗi mùa mưa lũ về, gia đình tui thường gặp khó khăn trong sinh hoạt và đời sống. Do lớn tuổi nên chỉ dựng hàng quán nhỏ ven đường để mưu sinh, nhưng đến mùa mưa lũ hàng quán hầu như ế khách. Những lúc như thế phải vay mượn tiền, gạo của bà con để sinh sống hằng ngày”.
Do hoàn cảnh khó khăn, bà không dự trữ lương thực được nhiều nên thường bị túng thiếu mỗi khi mùa mưa lũ kéo dài… Đời sống nhiều hộ dân ở thôn Thuận Hoà, xã Hương Phong chủ yếu dựa vào trồng lúa, chăn nuôi, đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Đến mùa bão lũ, người dân gặp nhiều khó khăn do các hoạt động sản xuất chăn nuôi, đánh bắt thuỷ sản bị ngừng trệ.
Bà Lê Thị Tình, cũng như nhiều người dân thôn Thuận Hoà cho biết: Nếu lũ tiếp tục kéo dài thì nguy cơ thiếu lương thực rất cao. Nguyện vọng của người dân là mong chính quyền địa phương, các ban ngành cấp trên quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ lương thực, thực phẩm nếu mưa lũ tiếp tục kéo dài…
Tại hai xã Phú Mậu và Phú Thanh (huyện Phú Vang), nước mưa và lũ tràn vào nhiều khu dân cư ven sông, vùng thấp trũng. Nếu mưa lũ tiếp tục xảy ra thì thôn Mậu Tài, xã Phú Mậu và thôn Quy Lai, xã Phú Thanh có nguy cơ bị chia cắt hoàn toàn. Trước bão Hai Yan, các lực lượng đã sơ tán, di dời khẩn cấp khoảng 140 hộ dân đến nơi an toàn để tránh bão, lũ.
Sau bão, nhiều hộ trở về nhà, song vẫn còn khoảng 40 hộ tiếp tục ở lại các công trình cao tầng tránh lũ. Phú Mậu cũng là một trong những địa phương thường gặp nhiều khó khăn trong mùa lũ lụt. Những đợt lũ vừa qua, điều đáng mừng là địa phương không để thiệt hại về người, nhưng thiệt hại khá lớn về sản xuất nông nghiệp. Mấy năm nay không ít hộ trồng hoa đã thoát được nghèo, vươn lên khá. Trong vụ đông này, toàn xã đã trồng hơn 20 ha hoa các loại nhưng đều bị ngập, có khả năng thiệt hại lớn nếu lũ kéo dài.
Trong ngày 10/11 tại Huế hơn 33.600 hộ với 132.400 khẩu phải di dời sơ tán, tránh trú bão số 14 bắt đầu trở về nhà. ở Thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, những chiếc xe ô tô chở người dân đi lánh bão một ngày đêm nay đã đưa họ về lại căn nhà của mình.
Riêng huyện Quảng Điền, tuyến đê Nho Lâm (Nghĩa Lộ) là công trình có vai trò quan trọng trong việc phòng chống lũ lụt. Tuy nhiên, tuyến đê này đang có nhiều nguy cơ bị sạt lở do bão, lũ lớn. UBND huyện Quảng Điền đã huy động hơn 80 người (trong đó có 30 chiến sĩ quân đội) và sử dụng hơn 1.500 bao tải để gia cố xử lý chống sạt lở đê Nho Lâm Nghĩa Lộ.
Các công trình hồ đập, thủy điện, thủy lợi vẫn đảm bảo an toàn. Hai công trình thủy điện: Bình Điền, Hương Điền tiếp tục vận hành điều tiết, xả lũ theo quy định, quy chế phối hợp và yêu cầu của tỉnh.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 7.894 khách du lịch (trong đó, 4.512 khách quốc tế và 3.382 khách nội địa) cũng được bảo vệ chặt chẽ. Riêng hai khu du lịch ven biển Laguna có 120 khách. Ông Lê Trường Lưu, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Những lao động chính và thanh niên cho phép rời khỏi nơi trú ẩn để trở về quản lý nhà cửa, còn đối với phụ nữ, người già, trẻ em thì bắt đầu từ khoảng 10.30 – 11.00 mới về.
Tuy nhiên, những vùng mà có nguy cơ ngập lụt thì giao cho chính quyền các cấp tiếp tục quản lý, theo dõi. Cũng khuyến cáo chính quyền các cấp phải quản lý chặt chẽ, các gia đình cũng phải quản lý chặt chẽ con em sau cái bão để tránh thiệt hại đáng tiếc xảy ra.
Một số hình ảnh ghi tại Thừa Thiên – Huế chiều 10/11:
Theo: Minh Ngọc – giaoducthoidai.vn