Giáo dục Huế

Sinh viên chế tạo xe điện siêu rẻ

Chàng SV ráp thành công xe ô tô điện tử … từ đồ phế thải

Giáo dục Huế – Với mong muốn tự trang bị phương tiện đi lại chi phí rẻ, thân thiện với môi trường…, chàng sinh viên Nguyễn Thanh Việt (SN 1987, thôn Nam Phổ Cần, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã mày mò nghiên cứu, chế tạo và lắp ráp thành công chiếc ô tô điện độc đáo với giá cực “mềm”.

Nguyễn Thanh Việt hiện là sinh viên năm 4 Khoa Vật lý – Trường Đại học Khoa học Huế. Bố mẹ Việt đều là giáo viên dạy Địa lý ở quê nhà. Từ khi còn nhỏ, Việt đã mày mò tự làm được các đồ chơi như quạt nhỏ, đèn học… “Năm học lớp 10, khi có 1 chiếc xe đạp, em tháo ra để cắt xẻ khung xe và tìm cách ráp động cơ… thành chiếc xe đạp điện, nhưng vì thiếu kinh nghiệm em làm hỏng chiếc xe, phải đi bộ đến trường và gác lại ước mơ… xe đạp điện”, Việt chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Thanh Việt thi đỗ vào ngành Vật lý tại một trường đại học ở TPHCM, nhưng rồi việc học dở dang và với quyết tâm, em đã thi đỗ vào Khoa Vật lý – Trường Đại học Khoa học Huế. Việt cho biết, ngành Quang học – Quang phổ em đang theo học liên quan chủ yếu các ứng dụng vào điện chiếu sáng, không được đào tạo chuyên sâu về chế tạo xe máy, ô tô. Nhưng ngành Vật lý cũng là điều kiện thuận lợi giúp em tiếp cận kiến thức tổng quát về cơ điện của một chiếc xe, hơn nữa với đam mê tìm tòi động cơ điện, Việt đã mua những chiếc xe đạp điện hư hỏng về sửa chữa và sau đó quyết tâm làm chiếc xe điện 4 bánh.
Ngoài linh kiện, phụ tùng xe đạp điện sẵn có, Việt tìm mua các thiết bị xe gắn máy và ô tô cũ, đồng thời lên mạng internet tham khảo tài liệu chế tạo ô tô điện. Nhưng khi bắt tay vào làm, Việt gặp không ít trở ngại, mà trở ngại lớn nhất do không được đào tạo chuyên ngành để có thể tự thiết kế bản vẽ kỹ thuật. Việt cho biết, cái khó là phải tính toán thay đổi công suất, bởi vì xe 2 bánh chỉ chở được khoảng 100kg, nhưng xe 4 bánh có thể chở được tải trọng gấp đôi, phải tính toán thay đổi con sò, hệ thống dây điện… Chàng sinh viên này cũng tính toán sử dụng nhông xích xe máy để truyền động, đồng thời mua sắt ống chịu lực về gia công bộ khung sườn xe và tham khảo thêm ý kiến của thầy giáo để thiết kế bộ khung sườn tương ứng với tải trọng và tốc độ khi lưu thông.
Vô lăng, cần gạt nước, gương trước của chiếc ô tô điện được Việt tận dụng từ xe ô tô cũ. Còn chân ga, chân phanh Việt sử dụng chân số của xe máy; đèn hậu và đèn chiếu sáng trước là đèn xe gắn máy “độ” lại, còn vành và lốp là của xe máy Spacy… Việt còn tính toán “lấy số lượng bù chất lượng”, như 2 bánh xe sau sử dụng 6 phuộc xe máy Sirius (mỗi bên 3 phuộc), còn 2 bánh xe trước sử dụng 4 phuộc xe máy Attila (mỗi bên 2 phuộc). Phanh trước sử dụng phanh đĩa xe máy, phanh sau là bố thắng xe máy và 1 phanh điện hỗ trợ thêm. Việt còn mua nhựa alu về làm phần thân vỏ xe, lắp bộ tăng âm, loa nghe nhạc, tivi mini cũ và hệ thống báo động đề phòng mất cắp.
Đặc biệt, Nguyễn Thanh Việt đã sáng tạo ra cách dùng 2 mô tơ truyền động độc lập cho 2 bánh xe sau mà không cần dùng đến hệ thống vi sai như những chiếc ô tô khác. Riêng sáng tạo này đã làm đơn giản hóa kết cấu của chiếc xe, giúp giảm được một khoản chi phí khá lớn, đồng thời tạo nên sự khác biệt với các xe khác. “Chiếc ô tô điện em làm dài 2m, cao 1,4m, rộng 1,2m, gồm 2 ghế ngồi, trọng lượng 400kg và có thể chạy tốc độ tối đa 40km/h, em cũng tính toán thiết kế tải trọng thấp và đã chạy thử qua nhiều địa hình đều an toàn, leo dốc cũng tốt”, Việt cho biết.
Sau gần một năm nỗ lực, chiếc ô tô điện của Nguyễn Thanh Việt đã góp mặt tại Triển lãm sản phẩm sáng tạo của sinh viên và cán bộ giảng dạy trẻ Đại học Huế 2013. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác Công nghệ – Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam – Phùng Minh Lai đã lái thử chiếc xe này.
“Ưu điểm của chiếc ô tô điện em làm được là các linh kiện phụ tùng rất dễ tìm mua ở Việt Nam với giá rẻ, tổng số tiền em bỏ ra chưa đến 20 triệu đồng. Trong khi đó, với 4 bình điện trên xe khi nạp đầy thì số tiền điện chưa đến 10.000 đồng, nhưng xe có thể chạy được 100km. Chiếc xe cũng nhỏ gọn, thân thiện với môi trường, có thể hoạt động tại các sân golf, bệnh viện, resort, hay có thể cải tạo dùng để chở khách du lịch, ngắm cảnh trong thành phố… Em rất mong sẽ nhận được sự trợ giúp của các nhà chuyên môn để chiếc xe được thẩm định, cấp giấy phép hoạt động và ứng dụng rộng rãi”, Việt chia sẻ.

Nguồn: giaothongvantai.com.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Check Also
Close
Back to top button