Văn hóa Huế

Sự im lặng trước di tích

Văn hóa Huế – Hội nghị trực tuyến về Nâng cao chất lượng công tác quản lý, phát huy giá trị di tích vừa được tổ chức với ba đầu cầu Hà Nội, Huế, TP.HCM sáng 11-6.
Không ít người dành cho hội nghị một sự trông đợi nhất định, bởi lẽ nó diễn ra sau tất cả những ồn ào quanh việc bảo tồn và quản lý di tích.

Thêm một lý do nữa, những người đứng đầu ngành văn hóa, từ trung ương đến địa phương, có mặt đông đủ để bàn về điều những người lo lắng cho di tích đang ưu tư. “Họ sẽ nói gì, họ nghĩ gì với những di sản đổ nát đang kêu cứu, những di tích biến dạng bởi trùng tu nhầm chỗ, những người dân bức xúc bởi kiểu quản lý di tích “cha chung không ai khóc”?”, ai đó có thắc mắc thế âu cũng là lẽ thường.
Kéo dài tới gần 12g trưa với 15 ý kiến phát biểu, từ thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, lãnh đạo sở, trưởng phòng di sản, nhà khoa học… Những vấn đề muôn thuở được đưa ra phân tích, đó là mô hình quản lý chưa hợp lý, là ý thức người dân chưa tốt, ý thức và tri thức với di sản còn hạn chế…
Đó là vấn đề của di sản, cũng là chuyện đã bàn mãi suốt chục năm nay. Bàn thì cứ bàn, nhưng lời giải cho những thách thức đó thì ít ai đề cập. Ai cũng nói phát triển kinh tế và bảo tồn di sản không phải chuyện một mất một còn, nhưng cũng chẳng một ai vạch ra được phải bảo tồn thế nào khi người dân vẫn cần mở mang đường sá, xây trường học, xây dựng nhà cửa.
Những lời đề nghị mở cuộc vận động giáo dục di sản, thành lập hội đồng tư vấn đã được đặt ra từ bao năm nay. Hết di sản này bị hư hại vì thiếu kinh phí, di sản kia bỗng dưng mới chỉ vì thiếu hiểu biết, còn những lời đề nghị vẫn mãi nằm trong khuôn khổ các cuộc hội thảo…
Cũng có điều lạ là những di sản đình Ngu Nhuế, chùa Trăm Gian hay mới đây như làng cổ Đường Lâm, đàn Xã Tắc lại vắng tên trong những bài phát biểu rất dài. Cũng chẳng có nổi tiếng nói một người dân, những người đang sống trong lòng di sản. Nếu họ không còn tha thiết giữ, di sản mục ruỗng từ bên trong, liệu nhà quản lý hay chuyên gia nào giữ gìn nổi.
Bài phát biểu của đại diện Sở VH-TT&DL Hà Nội không biết vô tình hay hữu ý cũng “lờ” đi câu chuyện nhức nhối của các di tích khắp Hà Nội. Đành rằng với hàng nghìn di tích quốc gia, kinh phí cho tu bổ không đủ để trang trải. Nhưng kinh phí hạn hẹp có lẽ không phải là lý do để khi di tích đã hư hại nhiều thì cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa lại là người biết sau cùng.
Một chuyên gia về di sản băn khoăn: “Các lớp tập huấn nhiều, tại sao những người đi học, đi dự hội thảo rồi khi về địa phương lại không có tiếng nói nào trong việc quản lý di tích? Hay cơ chế không huy động được tâm huyết của họ?”. Chuyện lạ mà không lạ. Các chuyên viên về di tích từ Cục Di sản đến các sở địa phương khi được hỏi về di tích bị nghi có dấu hiệu trùng tu sai đều lẩn tránh với lý do “không thuộc thẩm quyền trả lời báo chí”. Ngay cả chuyên gia di sản trên, khi được hỏi ý kiến về việc xây cầu vượt qua đàn Xã Tắc cũng thẳng thắn từ chối với lý do “dư luận đang tranh cãi, chưa thể phát biểu gì thêm”. Trước di tích đang lâm nguy, tất thảy đều chọn cách im lặng. Vào hội thảo, di tích thêm một lần nữa bị lãng quên.

Nguồn: tuoitre.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button