Tái hiện làng lụa tơ tằm 3 thế kỷ giữa lòng Cố đô Huế
Ấn tượng đêm thời trang “Sự biến đổi kỳ diệu”
Ấn tượng với thời trang quốc tế tại Festival Huế
Nghệ nhân dệt vải bên bờ sông Hương
Văn hoá Huế – Trong những ngày diễn ra Festival nghề truyền thống Huế, giữa không gian thoáng đãng tại Công viên Tứ Tượng bên dòng sông Hương thơ mộng (TP Huế) hàng ngàn lượt du khách thập phương trong và ngoài nước đã có dịp được tận mắt chiêm ngưỡng, chứng kiến không gian làng lụa tơ tằm Hội An có lịch sử cách đây 300 năm được tái hiện chân thật. Hoạt động đã mang đến cho du khách nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Trong gian nhà truyền thống kiểu phố cổ, những nghệ nhân làng lụa tơ Hội An miệt mài, say sưa dệt nên những tấm lụa độc đáo để trưng bày, giới thiệu và đưa sản phẩm đến gần hơn với công chúng. Du khách không chỉ có cơ hội chiêm ngưỡng khoảnh khắc các bà, các chị và cô thiếu nữ làng lụa Hội An tỉ mỉ luộc kén, kéo sợi mà còn có điều kiện hiểu về một nghề truyền thống đã có lịch sử hàng trăm năm.
Chị Lê Thị Thúy Vy, du khách đến từ TP Quy Nhơn (Bình Định), chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mà tôi được tận mắt chứng kiến nhiều vật dụng, sản phẩm lụa nức danh ở Hội An. Được chứng kiến những nghệ nhân làm nên một sản phẩm lụa mềm mại thật là đặc biệt!”.
Giữa làn khói tỏa nghi ngút từ bếp nước luộc kén, nghệ nhân Lưu Thị Hoa vẫn thoăn thắt luộc kén, kéo tơ từ một guồng máy cồng kềnh được vận chuyển từ Hội An ra Huế. Chị luôn sẵn sàng trả lời, hướng dẫn du khách về những công đoạn tạo nên sản phẩm lụa mịn màng: “Công việc luộc kén, kéo tơ là một trong những công đoạn khó nhất, cả làng giờ đây chỉ còn vài người có thể làm được. Để có được những sợi tơ vàng óng bên khung quay đòi hỏi người thợ ngoài sự khéo léo còn phải am tường, nghĩa là khi luộc kén nước phải luôn giữ sôi ở mức nhiệt 90 độ C để tằm nhả kén đều, mịn. Bên cạnh đó, nguyên liệu dệt lụa cũng rất đặc biệt, đó là cây dâu Đa của người Chăm Pa cổ tìm từ vùng núi cao của Quảng Nam đưa về trồng trong vườn của làng để làm thức ăn cho tằm nhả vàng kén, đây là nguyên liệu chỉ có ở làng lụa này”.
Ông Lê Thái Vũ, Giám đốc quản lý làng lụa Hội An, cho hay: “Tham gia Festival nghề truyền thống Huế 2013, làng lụa Hội An mang theo tất cả các dụng cụ, nhằm tái hiện quy trình khép kín về nghề lụa, từ ủ tằm, nhả tơ, kéo sợi đến dệt lụa, để cho ra những sản phẩm bắt mắt, mịn màng và mềm mại”.
Giữa không gian thanh bình bên dòng Hương hiền hòa, nghề lụa tơ Hội An có lịch sử tròn 3 thế kỷ được tái hiện chân thật mang đậm giá trị quê hương đất Quảng đã mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn về làng nghề truyền thống tưởng chừng đã bị mai một theo thời gian. Từ đây, những dòng sản phẩm chỉnh chu từ chiếc khăn đến những chiếc áo, quần và cho đến những tấm vải mềm mại và mịn màng đã kéo khách du lịch đến một đông hơn, góp phần tạo nên một Festival nghề truyền thống Huế đa màu sắc mang đậm dấu ấn, văn hóa bản sắc mỗi vùng miền trên cả nước.
Hội An từng là đầu mối giao thương quan trọng của “Con đường tơ lụa trên biển”, được sánh với con đường tơ lụa huyền thoại từ Ả rập đến Trung Quốc. Từ chỗ mai một, gần đây, làng lụa Hội An đã được khôi phục, trở thành điểm tham quan hấp dẫn tại Quảng Nam. Những người gây dựng lại làng nghề đã cất công sưu tập 40 cây dâu cổ còn sót lại trên miền núi Quảng Nam để nghiên cứu, tái tạo giống. Theo các nhà nghiên cứu Việt Nam và Nhật Bản, đây chính là loại dâu có gen quí gần như đã tuyệt chủng. Chính loài dâu này đã cho ra nguyên liệu tơ lụa Quảng Nam trứ danh, được ưa chuộng khắp Đông Nam Á… Hiện nay, cách trung tâm phố cổ Hội An hơn 1km, Làng lụa Hội An là nơi trình bày nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa với ước muốn tôn vinh tinh hoa nghề Việt.
Nguồn: qdnd.vn