Du lịch Huế

Tái hiện không gian nghề bên sông Hương

Du lịch Huế–  Qui tụ 33 làng nghề nổi tiếng cả nước, không gian chính của Festival Nghề truyền thống Huế 2013 được đặt bên sông Hương, với hệ thống nhà rường cổ và cảnh sắc đậm đà nét Huế.
Phong phú, độc đáo
Địa điểm trưng bày, quảng diễn nghề truyền thống của lễ hội lần này gói trọn trên tuyến đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và Công viên Tứ Tượng. Với không gian thơ mộng bên bờ sông Hương, 18 ngôi nhà rường truyền thống Huế đã được lắp đặt, làm nơi quảng bá, giới thiệu, trưng bày sản phẩm của các làng nghề. Khai mạc vào tối 27/4, đây là nơi qui tụ 170 nghệ nhân đến từ 33 làng nghề nổi tiếng cả nước.

Sau 4 lần tổ chức, Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 5, với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” đã được nâng lên một bước về qui mô và chất lượng. Trước thềm lễ hội, ông Phan Cảnh Việt Cường, Trưởng phòng Văn hóa-Thể thao-Du lịch T.P Huế tiết lộ: “Festival lần này đã mời gọi, chọn lọc tinh hoa hầu hết các làng nghề Việt, từ gốm, thêu, dệt Zèng, dệt lụa, mây tre, sơn mài, pháp lam đến nón lá, mỹ nghệ gỗ, kim hoàn, hoa giấy, tranh mộc bản, ẩm thực… Lễ hội hứa hẹn một cuộc trưng tập và quảng diễn nghề phong phú, sinh động, đến từ hàng chục tỉnh, thành, kéo dài từ Hà Giang cho đến Bình Dương…
hue24hBan tổ chức cũng kỳ vọng, các nghệ nhân làng nghề sẽ đem đến Huế những sản phẩm độc đáo, như sản phẩm lanh làm từ sáp ong của đồng bào Dao đến từ HTX lanh Lục Tiến (Quản Bạ-Hà Giang). Dịp này, làng dệt thổ cẩm Chămpa Mỹ Nghiệp của Ninh Thuận sẽ cử 10 nghệ nhân tham gia, mang theo khung thêu, sản phẩm để trưng bày và trình diễn nghề. Đặc biệt, đoàn sẽ kết hợp tái hiện lễ hội Rija Nưgar đặc sắc của đồng bào Chămpa và trưng bày 4 nhạc cụ truyền thống. Riêng làng lụa tơ tằm Hội An (Quảng Nam) sẽ tái hiện toàn bộ các công đoạn làm lụa, từ ủ lá, nhả kén, ươm tơ đến kéo sợi, dệt lụa…
Liên lạc với nghệ nhân Vũ Văn Giỏi-Chủ cơ sở thêu phục chế cung đình (Thường Tín-Hà Nội), ông cho biết, đã sẵn sàng cho chuyến vào Huế lần này, mang theo bộ sưu tập quý với 25 bức tranh cổ qua các triều đại, được phục chế bằng vải đoạn và tơ tằm.
Cơ hội quảng bá nghề
Trước thềm lễ hội, không khí chuẩn bị tại các làng nghề ở Huế trở nên rộn rã. Từ làng nghề đan đát Bao La (Quảng Phú-Quảng Điền), hai nghệ nhân gạo cội Thái Phi Hùng và Võ Chức đã hoàn thiện xong những sản phẩm tâm đắc. Từng đem tinh hoa làng nghề tham gia nhiều triển lãm, hội chợ trong nước, các nghệ nhân cho biết, lần đi này được làng nghề chuẩn bị công phu, với 7 nghệ nhân lành nghề được cử tham dự. Điều mới lạ là lần này, các nghệ nhân đan đát Bao La sẽ tham gia cuộc triển lãm chung có chủ đề “Tre” với nghệ sĩ tạo hình Nhật Bản và các nghệ nhân diều Huế.
Theo danh sách từ Ban tổ chức, Thừa Thiên Huế có trên 20 làng nghề và cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tham gia, trong đó có cửa hàng thêu Đức Thành của lão nghệ nhân Lê Văn Kinh, nghề làm hoa giấy truyền thống của Phú Vang; nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Ka-Tu (A Lưới), tranh giấy Dó làng Sình của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước; nghề gốm Phước Tích trên 500 năm tuổi của Phong Điền; nghề điêu khắc đến từ làng Mỹ Xuyên; diều Huế với sự có mặt của nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng-con trai cố nghệ nhân diều Nguyễn Văn Bê… Với các làng nghề Huế, Festival Nghề đã được đón đợi như một cơ hội lớn để giao lưu, quảng bá, học hỏi.
Trong khuôn khổ lễ hội, sẽ diễn ra các hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của đội ngũ nghệ nhân làng nghề, những người làm công tác nghiên cứu, các nhà kinh doanh và quản lý. Đây sẽ là cơ hội để nhìn lại hiện trạng các làng nghề, với một câu hỏi trăn trở: Làm gì để bảo tồn và phát huy tinh hoa nghề Việt trong xu hướng cạnh tranh khốc liệt của hàng hóa thị trường?.Đó cũng là cách mà 10 năm qua, Festival Nghề truyền thống Huế qua mỗi kỳ tổ chức đã nỗ lực góp phần bảo tồn giá trị các làng nghề Việt đang khó khăn, chật vật để giữ gìn cốt cách, tinh hoa. /.

Nguồn: baothuathienhue.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button