Tay trắng vì lao động “chui”
Xã hôị Huê – Thường xuyên bị bỏ đói, bắt làm việc từ 16-20 giờ/ngày và không được trả lương, 22 người sau một thời gian sang Nga lao động “chui” phải nhờ gia đình gửi tiền chuộc mới được về quê
Qua lời giới thiệu việc làm của những người môi giới, 22 người ở xã Phú Xuân, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) sang Nga làm công nhân (CN) may với mức lương… khủng. Nhưng hơn một năm làm lụng cực nhọc, họ không những trở về với hai bàn tay trắng mà gia đình phải nộp tiền để chuộc về.
Dính bẫy lừa
Chị Trần Thị Mới (24 tuổi), trú thôn Lê Bình, xã Phú Xuân, cho biết khoảng tháng 5-2012, qua giới thiệu của một người bạn, chị tới gặp ông Võ Văn Tuyên (thị trấn Phú Bài, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế) làm hồ sơ sang Nga làm CN. Sau đó, chị Mới được ông Tuyên đưa đến gặp một phụ nữ tên Dung. Bà Dung hứa sẽ đưa chị Mới cùng một số người khác sang Nga làm CN may với mức lương từ 60-80 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền thưởng, làm thêm. Chi phí làm thủ tục sang Nga khoảng 30 triệu đồng do bà Dung bỏ ra, sau đó sẽ trừ tiền lương hằng tháng. 20 ngày sau, chị Mới và chị gái của mình được bà Dung dẫn đi làm hộ chiếu.
Đến cuối tháng 7-2012, sau khi nộp 30 triệu đồng, chị Mới và một số người khác trong xã được bà Dung đưa ra Hà Nội và bay sang TP Kaluga (Nga). Tại đây, họ được một người Việt đón và chở thẳng về chỗ trọ tập thể của xưởng may. Ở nơi đất khách quê người, cùng 20 người khác, chị Mới được bố trí ở chung trong một căn phòng rộng khoảng 40 m2 và không được ra ngoài vì dễ bị cảnh sát bắt. “Mỗi suất ăn của chúng tôi chỉ có vài miếng thịt heo, thi thoảng mới có rau. Ai cũng uống nước chung một vòi, nơi tắm giặt thì chật hẹp” – chị Mới kể lại. Những ngày đầu chủ xưởng chỉ bắt mỗi người làm việc từ 10-12 tiếng nhưng sau đó cứ tăng dần, có hôm đến 23 giờ mới nghỉ. Nhiều lúc rất mệt, buồn ngủ nhưng tôi vẫn cố làm vì chủ xưởng có quy định phạt tiền rất nặng” – chị Mới cho biết thêm.
Cùng đi trong chuyến đó, chị Đặng Thị Rớt (20 tuổi, trú thôn Quảng Xuyên) được bà Dung làm thủ tục xuất ngoại sang Nga làm ở Công ty T.G. Chị Rớt cho biết mình được sắp xếp ở trong căn phòng chật chội và thiếu thốn đủ bề. Giường ngủ là miếng ván gỗ đặt dưới đất, chỉ đủ cho một người nằm. Mỗi ngày, chị Rớt phải làm việc 20 tiếng, chưa kể phải làm công việc dọn rác nhà máy. “Điều kiện sống và làm việc tệ hại nên ban đêm có nhiều người tìm cách trốn nhưng không thoát được. Những CN có ý định bỏ trốn đã bị đánh đập, ăn uống khổ sở hơn và không được liên lạc về gia đình” – chị Rớt kể.
Vay tiền chuộc con
Một tháng sau khi được người nhà nộp tiền chuộc về quê, nét mặt chị Hồ Thị Lành (22 tuổi, trú thôn Lê Bình) vẫn còn hốc hác, xanh xao bởi hậu quả của những ngày làm việc cực nhọc nơi đất khách quê người. Bà Trần Thị Duân, mẹ của Lành, cho biết với mức lương như bà Dung hứa là 60 triệu đồng/tháng, thời hạn làm việc 3 năm thì khi trở về con bà cũng có một số vốn không nhỏ.
Tuy nhiên sau 1 năm, Nga và Lành trở về với hai bàn tay trắng, thêm vào đó gia đình bà Duân phải gửi sang 60 triệu đồng mới chuộc được con về. Đó là số tiền gia đình bà Duân phải đi vay mượn nhiều nơi. “Con kêu làm cực khổ, cả năm trời chẳng gửi được đồng nào về quê. Tôi hỏi thì nó nói mỗi ngày làm 20 tiếng, liên hệ với ông chủ Công ty T.G, họ bảo phải gửi sang 60 triệu đồng để mua vé máy bay và trả nợ kinh phí đưa sang Nga mới cho về”- bà Duân nghẹn ngào. Ông Nguyễn Văn Hùng, cha của chị Mới, cũng cho biết để đưa con về nước, ông phải vay 65 triệu đồng và nhờ người gửi vào tài khoản công ty ở Nga. “Tưởng sang Nga con cái sẽ có một ít tiền để về quê làm ăn, nào ngờ bị họ bóc lột, không trả công. Ước mơ đổi đời đâu chẳng thấy mà sau 1 năm sang Nga giờ gia đình phải ôm một đống nợ” – ông Hùng cay đắng nói.
Ông Nguyễn Thanh Phong (trú thôn Lê Bình), người trực tiếp chuyển tiền sang Nga để đưa những lao động ở xã Phú Xuân về quê, cho biết đến nay đã đưa 22 người về nước (từ 30-65 triệu đồng/người). Số lao động trên cho biết chủ xưởng may có công khai sổ sách ghi tiền công từng ngày của mỗi người. Tuy nhiên, số tiền này bị trừ sạch vào các khoản ăn ở, tiền “bảo kê” để nộp cho các đầu mối ở Nga… nên họ chẳng còn đồng nào. Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, ngoài huyện Phú Vang, còn có rất nhiều người dân ở thị xã Hương Thủy, huyện Quảng Điền, huyện Phong Điền và ở cả TP Huế hiện đang làm việc tại các xưởng may ở Nga thông qua môi giới của ông Giáo, bà Dung.
Theo: Quang Nhat – nld.com.vn