Thăm gallery Bội Trân
Văn hóa Huế – Ở Huế, không ai không biết đến phủ Bội Trân trên đồi Thiên An, nơi có một khu vườn Huế giữa rừng thông, có những công trình kiến trúc đẹp và có một gallery trưng bày các tác phẩm mỹ thuật do chủ nhân dày công sưu tầm cùng với tranh do chính chị sáng tác.
Để trưng bày bộ sưu tập tranh quý giá của mình, nữ chủ nhân dành hẳn hai ngôi nhà thật đẹp: một nhà rường Huế rộng 200m2 và ngôi nhà mới xây dựng theo kiểu kiến trúc thuộc địa rộng 400m2, nằm quanh một hồ nước rộng với những lối đi dưới lá.
Trong mỗi ngôi nhà, ngoài khối lượng tranh đồ sộ treo kín các bức tường, được sắp xếp theo từng tác giả, còn có đồ gốm và tượng cổ đặc trưng của nhiều nền văn hóa trên đất Việt, chén bát cung đình trong nội phủ triều Nguyễn, cùng nhiều tư liệu, sách nghiên về mỹ thuật truyền thống và đương đại của Việt Nam và thế giới.
Chính Bội Trân là một trong những người đã mở gallery tư nhân đầu tiên tại TP. Huế. Gallery của chị ngày ấy chiếm một không gian rộng ở tầng trệt của Khách sạn Morin bên bờ sông Hương, nơi trưng bày nhiều tác phẩm hội họa có giá trị, trong đó có tranh Nguyễn Trung, người thầy đầu tiên dạy vẽ cho chị.
Với đam mê mãnh liệt và bền bỉ dành cho hội họa, Bội Trân đã bỏ nhiều công sức và cả tiền của để đeo đuổi công việc của một nhà sưu tập (và kinh doanh) tác phẩm mỹ thuật. Chị quan niệm đầu tư cho nghệ thuật về lâu dài để đạt được đẳng cấp cao sẽ mang lại siêu lợi nhuận cả về vật chất lẫn tinh thần.
Trong bộ sưu tập của chủ nhân hiện có gần 2.000 tác phẩm hội họa của các họa sĩ Việt Nam nhiều thời kỳ: Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Đông Lương, Tôn Thất Đào, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Hoàng Việt, Sĩ Ngọc… Rồi Nguyễn Trung, Đinh Cường, Hoàng Đăng Nhuận, Thành Chương…
Thiếu nữ – tranh sơn dầu của Bội Trân
Đặc biệt, trong bộ sưu tập của chị có toàn bộ 130 tác phẩm của cố họa sĩ Trần Quang Trân (tự Nghim), người cùng thời với những danh họa thời mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Trần Văn Cẩn, Phạm Hậu, Nguyễn Khang.
Đến nay, gallery Bội Trân đã trở thành một địa chỉ có uy tín, tạo được quan hệ tốt với giới mỹ thuật trong và ngoài nước, được mời tham dự nhiều triển lãm và các phiên đấu giá tranh quốc tế.
Là một họa sĩ tự học nhưng Bội Trân ngày càng chứng tỏ chị có năng lực hội họa thật sự. Chị vẽ tranh sơn mài, sơn dầu, lụa…
Dễ nhận thấy ảnh hưởng của Nguyễn Trung vẫn còn rất rõ trên tranh của Bội Trân, nhưng nói như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì trong tranh chị có “những dấu hiệu nữ tính nổi trội” và “những bức tranh của chị lôi dắt người xem trở về với dáng vẻ u hoài và kiêu sa của xứ Huế cố đô”.
Trong cuộc đấu giá tác phẩm mỹ thuật Đông Nam Á hiện đại và đương đại tại nhà Christie’s năm 2010, hai bức tranh Bội Trân đã có người mua.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Jean-Francois Hubert, chuyên gia hàng đầu về mỹ thuật châu Á của nhà đấu giá Sotheby’s, khi nhận định về tranh Bội Trân đã ví von vẻ đẹp trong tranh chị với những vần thơ trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều:
Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa
Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên
Thoát trần một gót thiên nhiên
Cái thân ngoại vật là tiên trong đời.
Nguồn: doanhnhansaigon.vn