Tháng Năm ở làng Dương Nỗ
Đất – Người Huế – Tôi về làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) vào một buổi sáng tháng Năm nắng vàng rực rỡ. Tìm đến ngôi nhà lưu niệm Bác Hồ tại làng Dương Nỗ-nơi gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống, lao động và học tập mà lòng bồi hồi xúc động. Mái nhà xưa, đơn sơ, mộc mạc, chứa chan bao tình…
Lần này về thăm lại Nhà lưu niệm Bác Hồ tại làng Dương Nỗ, tôi không còn gặp lại cụ Liêm. Cụ đã đi xa vì già yếu và bệnh tật. Cụ Liêm là người tự nguyện nhận nhiệm vụ trông coi, chăm sóc cây cối, khuôn viên tại Khu lưu niệm Bác Hồ từ sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Hiện giờ, con trai cụ Liêm-anh Nguyễn Hạnh thay cha làm những công việc này. Anh chia sẻ: “Được làm công việc trông coi khu lưu niệm Bác Hồ là tâm niệm, ước vọng của không chỉ bản thân tôi mà cả cha tôi trước khi ông đi xa. Ngày lại ngày được đón tiếp các đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu khu nhà, càng làm tôi thấm thía hơn lời dạy của cha: “Được gắn bó với nơi Bác Hồ và gia đình từng sống, học tập là niềm tự hào lớn lao, không phải ai cũng may mắn có được. Gắng mà làm cho tốt con nhé”.
Những ngày này, Khu lưu niệm tấp nập du khách đến tham quan và tìm hiểu về một thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên-Huế phải tăng cường thêm cán bộ để đảm nhiệm nhiệm vụ giới thiệu, hướng dẫn khách du lịch. Anh Lê Hoài Nam, cán bộ Phòng Tuyên truyền-Hướng dẫn của bảo tàng, nói: “Đến với Khu lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ có không ít cán bộ, học sinh, sinh viên, du khách trong và ngoài nước. Chúng tôi luôn tâm niệm, phải gắng làm sao chuyển tải hết những nét dung dị, mộc mạc, đức tính cao đẹp của Bác Hồ và gia đình khi sống, học tập, lao động ở đây”.
Lật giở những trang nhật ký của những người đã từng đến thăm Nhà lưu niệm của Bác Hồ ở Dương Nỗ, tôi thật sự xúc động trước tình cảm của họ đối với Bác. Bạn Lê Quỳnh Hiếu, lớp K14 Trường Đại học Sư phạm Vinh, Nghệ An xúc động viết: “Thưa Bác kính yêu! Được đến thăm ngôi nhà Bác từng sống thời thơ ấu cùng cha và anh trai, cháu càng thấm thía mỗi nơi Bác từng sống, mỗi nẻo đường Bác đi qua đều để lại tình cảm thương yêu, trìu mến cho nhân loại. Lòng Bác mênh mông quá Bác ơi!”.
“Cháu tiếc rằng mình là thế hệ hậu sinh nên không có cơ hội được gặp Bác”-Phạm Văn Tân đến từ TP Hồ Chí Minh bày tỏ cảm xúc. “Cháu sinh ra ở Nghệ An, sống ở Khánh Hòa. Cháu từng được mẹ đưa đi thăm nhà Bác ở làng Kim Liên và giờ đây, cháu lại được đến thăm nhà Bác tại Huế. Chứng kiến những hiện vật in dấu một thời của Bác, cháu vô cùng kính trọng về sự giản dị, ham học của Bác”. “Chúng con đến đây, được tận mắt chứng kiến sự mộc mạc, giản dị của Bác. Từ đáy lòng mình, chúng con đời đời nhớ ơn Bác, nguyện học tập và làm theo tấm gương Bác” – nhóm học sinh Trường Quốc học Huế bày tỏ.
Anh Lê Hoài Nam cho biết thêm: “Người nước ngoài đến với Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ rất đông. Họ xúc động khi thấy những kỷ vật của Bác và gia đình. Nói rồi, anh chỉ cho tôi rất nhiều những đoạn ghi cảm xúc của du khách nước ngoài khi tới thăm Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ đến từ các nước: Anh, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Nga… “Hồ Chí Minh-con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam và thế giới. Chính sự dung dị, mộc mạc, đơn sơ ấy đã làm nên tính cách, con người Hồ Chí Minh”-Ông Rô-bét-can, một du khách người Anh đã viết như vậy khi đến đây.
Những ngày này, người dân làng Dương Nỗ đang nô nức phấn khởi đón chào dịp kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên mỗi con đường về Dương Nỗ đều rực rỡ cờ hoa, băng-rôn, biểu ngữ chào mừng ngày sinh của Bác. Người dân Dương Nỗ tự hào về nơi đã từng ghi đậm dấu ấn tuổi niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gặp tôi, ông Nguyễn Văn Bảy-người làng Dương Nỗ phấn khởi nói: “Cứ mỗi độ tháng Năm về, lòng người nơi đây lại thêm rạo rực. Ai cũng gấp rút thu vén công việc đồng áng, bếp núc để có thời gian tới thăm Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng nhau nghe, kể và hồi tưởng về những kỷ niệm của Bác Hồ khi còn sinh sống ở đây. Thời gian có trôi đi, nhưng Đình làng Dương Nỗ, Nhà lưu niệm Hồ Chí Minh, Am Bà, Bến Đá trong Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Dương Nỗ vẫn luôn lưu giữ hình ảnh dung dị, mộc mạc của Người và gia đình”.
Tháng Năm lại về. Ký ức những ngày tháng sống, học tập, lao động của Bác và gia đình lại trỗi dậy trong lòng người dân làng Dương Nỗ và trong mỗi du khách tới thăm nơi này. Có người lần đầu tiên, có người đã nhiều lần tới đây, trong họ đều trào dâng niềm tin yêu, kính trọng, tự hào vô bờ về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Năm 1898, Nguyễn Sinh Cung cùng anh trai Nguyễn Sinh Khiêm theo cha về làng Dương Nỗ sống, lao động và dạy học. Về Dương Nỗ, ông Sắc được ông Nguyễn Sỹ Độ dành hẳn cho một ngôi nhà gỗ 3 gian 2 chái để dạy học và sinh hoạt. Tại đây, Nguyễn Sinh Cung được học những bài Hán học đầu tiên. Người cha cũng chính là người thầy đầu tiên trong cuộc đời Hồ Chí Minh. Sống ở Dương Nỗ, Đình làng, Bến Đá, Am Bà là những nơi đã in đậm dấu ấn tuổi thơ của Bác.
Nguồn: qdnd.vn