Kinh tế Huế

Thành công nhờ đam mê

[ad_1]


Anh Nguyễn Văn Ánh giới thiệu những chi tiết khi thi công nhà rường

Cứ tưởng ngày nay kén khách nhà rường lắm, chưa nói về những tiện ích khi nhà được thiết kế theo phong cách hiện đại; mà, để làm một căn nhà rường phải mất từ hơn tỷ đến hàng chục tỷ đồng tùy theo chất liệu gỗ và sự cầu kỳ của mỗi căn nhà. Vì thế, khách nhà rường vừa phải có tiền, vừa là người có thú “chơi”. Thế nhưng, khi gặp chúng tôi, anh Ánh tự tin: “Là tác phẩm mà khách hàng ấp ủ, nên họ phải tìm bằng được thợ tốt”.

Tôi thực sự ấn tượng với từ “tác phẩm” mà anh dùng. Tìm hiểu thì biết, từ những ngày đầu đến với bào, đục… anh Ánh đã xem những ngôi nhà rường là những tác phẩm nghệ thuật để rồi trở thành một thợ giỏi.

Thuộc thế hệ 7X, Ánh theo gia đình lên vùng kinh tế mới Nam Đông từ nhỏ. Nhà nghèo, xa trường học, nên 16 tuổi, Ánh rời sách vở về Vinh An học nghề mộc. Như một cơ duyên, môi trường mới cứ thế khơi dậy niềm đam mê nơi anh, từ mục đích học cho được cái nghề kiếm sống, Ánh may mắn là học trò của một thợ giỏi trên vùng bạch sa Vinh An để rồi thành công với nghề hơn cả mong đợi.

Cũng gỗ, cũng những dụng cụ đó, nhưng để trở thành thợ nhà rường, ngoài siêng năng, yêu nghề phải là người có năng khiếu nên chọn được thợ làm nhà rường như chọn hạt cát trên sàn… Thầy giáo phát hiện ra Ánh khi thấy cậu học trò nhỏ ngày đó cứ đứng hàng giờ nhìn đàn anh thực hiện các thao tác đục, bào, chạm…; có lúc, nhận xét, so sánh về độ sắc sảo ở các đường nét trên mỗi chi tiết nên được thầy truyền nghề làm nhà rường.

Năm 1990, mới 18 tuổi, anh Ánh trở thành thợ chính và luôn nhận được sự đánh giá cao của thầy cũng như khách hàng. Chi phí sinh hoạt xong, lương mỗi tháng nửa chỉ vàng, anh bắt đầu nuôi ước mơ lập cơ sở riêng. Bốn năm sau, Vinh An một lần nữa ban tặng cho anh người bạn đời xinh đẹp, ngoan hiền là chị Trương Thị Xá để cùng anh chia sẻ công việc, xây dựng cuộc sống.

“Gỗ làm nhà rường phải là gỗ nhóm 2 trở lên như mít vườn, lim, kiền… mới đảm bảo độ săn, chắc”. Chị Xá đột nhiên tham gia ý kiến khiến chúng tôi ngạc nhiên.

Anh Ánh nhìn vợ với ánh mắt đầy kiêu hãnh, khoe: “Bà chừ nhìn thân cây là biết chất lượng gỗ. Rồi thì nhà cửa, nhân công đều nhờ bà quán xuyến mình mới toàn tâm với công việc được”. Chị Xá cười kể thật, hồi đó anh ấy được nhiều ông bố, bà mẹ “ngắm” vì vừa giỏi lại vừa siêng. Kết hôn xong, anh chị dùng hết tiền dành dụm mua mảnh đất hơn ngàn mét vuông, mạnh dạn vay tiền ngân hàng mở xưởng riêng và nhận công trình đầu tiên cũng tại Vinh An. Giỏi nghề, hết lòng với công việc và có uy tín, anh ngày càng có nhiều khách hàng, không chỉ trong tỉnh mà anh phải đưa thợ đến các tỉnh, thành từ Đồng Nai đến Quảng Bình để làm nhà rường. Nhờ đó, xưởng mộc của anh luôn đảm bảo công việc thường xuyên cho 12 lao động với mức lương từ 8 đến 12 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, luôn có từ 5 đến 7 lao động thời vụ với mức lương từ 150 đến 200 nghìn đồng/ngày.

Căn nhà của vợ chồng anh Ánh ngay trong xưởng không hoành tráng, hầu hết không gian để làm nơi sản xuất. Thế nhưng, chúng tôi vẫn cảm nhận được sự ấm cúng của một gia đình thành đạt. Các con anh chị đều đang du học tại Mỹ và Canada. Ánh trải lòng: “Tôi luôn động viên các cháu học xong thì trở về quê hương. Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, chỉ cần có ý chí thì sẽ thành công, thì sao không chọn quê hương làm bến đỗ”.

Ông Phạm Phụng, Chủ tịch UBND xã Vinh An, nhận xét: “Tấm gương vượt qua khó khăn của anh Nguyễn Văn Ánh giúp nhiều thanh niên địa phương có cái nhìn tích cực hơn khi quyết định xây dựng tương lại trên quê hương Vinh An”.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button