Thoáng Bình Định trong một nhà vườn Huế
Đất – Người Huế – Đến Huế, ghé vườn An Hiên (xã Hương Long), cảm nhận nét Bình Định trong một ngôi nhà vườn Huế. Và lắng lòng trong chiều sâu văn hóa, lịch sử, đọng trong từng cây trái của ngôi nhà vườn này…
1. Huế những ngày hạ. Đi qua bờ hữu sông Hương về phía Kim Long, nơi phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa ẩn dưới những bóng cây, thủ phủ đàng Trong trong một phần đoạn của thế kỷ XVII. Và dừng bước trước An Hiên, một trong ba ngôi nhà vườn tiêu biểu nhất của xứ thần kinh.
Một cổng ngõ xây bằng gạch, vôi vữa, quét màu xám tro, theo lối xưa ở Huế, với hình vòm, quay mặt ra sông Hương. Chiếc cổng nửa như muốn khép lại những ồn ã bên ngoài, nửa như gợi mở về một nếp vườn Huế ẩn sau. Chiếc cổng cao gần 5m, có mái che, nóc mái trang trí hổ phù, vừa tạo vẻ bề thế, nghiêm cẩn cho cảnh trí, vừa mang một dụng ý thật nhân văn, “còn là nơi trú chân cho khách bộ hành khi gặp những cơn mưa bất chợt. Những giống cây quen thuộc phủ bóng bên cạnh những ngõ nhà vườn Huế như cối, vông đồng, bàng, đa… không phải ngẫu nhiên được trồng ở đó nếu như chủ nhân không nghĩ đến chỗ dừng chân nghỉ ngơi phút chốc trong cơn nắng gắt cho khách bộ hành” như chính lời bà Nguyễn Đình Chi, chủ nhân ngôi nhà vườn này, từng nói.
Vẻ đẹp Huế là đây, một nếp nhà xưa ẩn sau hoa trái, thoáng hiện sau khi ta vượt qua ngõ dẫn dài và đẹp, hai bên là những cây mận trắng xứ Bắc đan nhau trên tầng lá, trông như một cung đường lạc vào xứ sở “hoa Đào” nào đó trong mộng tưởng. Rẽ ngang và vượt qua chiếc bình phong cổ kính trang trí chữ thọ, hai bên trổ song hỷ, là chiếc hồ nước ngậm những bông súng, soi bóng cả cảnh trời, hoa lá. Bao quanh ba mặt hồ, những bụi hoa hường, mận, bạch mai bên này; bên kia là tường vi, trà mi… Rồi chậu bồ đề, tóc tiên; kia giàn hoa với hàng chục giò phong lan đủ loại, những cánh trường kiếm đang độ hoa.
Ngôi nhà xưa ba gian, hai chái, một mái nhà rường xứ Huế cổ kính rất đặc trưng, với những vì kèo chạm trổ công phu, những bờ nóc với đồ án rồng mây, mái ngói cổ. Ngôi nhà có diện tích 135m2, với 48 cột gỗ mít chắc khỏe, tựa trên những tảng đá hình vuông, vách nhà làm từ gỗ lim, những đòn tay kền kền bề thế. Tựa lưng vào những chiếc cột gỗ, ngắm đôi liễn chữ chân pha thảo, được dịch là “Chí ấy ở non cao nước chảy/ Người kia như trúc biếc ngô xanh”, cảm giác bình yên lạ. Dường như, ngôi nhà, đâu chỉ là chốn ở, còn là nơi để con người hòa nhập với thiên nhiên, an trú trong hiện tại, một cõi để đi – về.
2. Mà lạ. Bước chân ra khu vườn, một khu vườn Huế, mà người Bình Định là tôi, bỗng thấy nôn nao cảm giác thân quen, tưởng như đang đứng giữa một ngôi nhà vườn Bình Định. Cũng hoa ấy, lá ấy như những khu vườn Huế khác, mà đâu có cái chăm chút, tỉa tót thường thấy. Đứng ở góc nào của khu vườn, cũng thấy ấm cúng lạ. Cũng gồm đủ những hệ cây đặc trưng nhà vườn Huế, nhưng vẫn khác. Khác về cách bố trí, hình như tự nhiên hơn chứ không quá lớp lang kiểu “chuối sau, cau trước” đặc trưng Huế. Lại nữa, hệ cây gia vị và hệ cây thực phẩm, vốn rất phổ biến và tạo nên cái mà các nhà nghiên cứu Huế gọi là “chất mệ” trong vườn Huế, cũng có phần thưa hơn. Và trên tất cả, là ngôi nhà gợi cho ta cái cảm giác hồn hậu, ấm áp như cái chất của một ngôi nhà người Bình Định.
Lang thang trong vườn. Này, cây hồng xiêm Tiên Điền được trồng cách đây khoảng 80 năm, do ông Nghè Mai, chắt nội của đại thi hào Nguyễn Du mang từ quê hương đại thi hào vào tặng chủ nhân, đang chuẩn bị đơm trái; kia là cây trái miền Nam, với măng cụt, sầu riêng Lái Thiêu; còn cây trồng xứ Bắc thì nhiều, nào nhãn, nào mơ chùa Hương, vải thiều Thanh Hà, cam Xã Đoài; đến những giống cây mà trước nay, ta chỉ gặp trong sách vở, như hải đường, ngô đồng; cả những giống cây được chủ nhân mang về sau những chuyến đi xa, như trà mi Nhật Bản… Nghĩa là đủ cả cây trái ba miền, bốn phương tụ hội, khác với chủng loại cây trồng được ưa chuộng của vườn Huế theo thứ tự đã được thống kê là đào, sapôchê, mít, thanh trà. Mỗi cây trái trong vườn, như vậy, đều gắn với một kỷ niệm, một chuyến đi, để rồi cả khu vườn đầy ắp những ký ức và lắng chiều sâu lịch sử, văn hóa của cả dặm dài đất nước, quê hương.
Và đây, một góc vườn, trước nhà, gần hàng rào dẫn, tôi gặp những cánh phượng cúng, phổ biến ở Huế, nhưng cũng rất đặc trưng trong không gian nhà lá mái Bình Định. Chẳng là người Bình Định vẫn thường trồng cây phượng cúng sát thổ kỳ, ngay mặt tiền của ngôi nhà lá mái.
3. Có cảm giác ấy cũng thật dễ hiểu thôi, bởi chủ nhân ngôi nhà là một người Bình Định. Chị Thanh, năm nay 46 tuổi, một người giúp việc đã gắn bó với ngôi nhà này từ ngày bà Nguyễn Đình Chi còn sống, cho biết: Ngôi nhà vườn này nguyên là phủ An Hiên của ông Phạm Đăng Thập xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, sau nhường lại cho ông Tùng Lễ, rồi đến năm 1936 bán lại cho ông bà Nguyễn Đình Chi. Năm 1940, ông Nguyễn Đình Chi mất, bà Nguyễn Đình Chi về sống tại An Hiên và kiến tạo nơi này thành một nhà vườn xinh đẹp như hiện nay.
Bà Nguyễn Đình Chi, nhũ danh Đào Thị Xuân Yến, sinh năm 1909, quê ở làng Hưng Thạnh, phủ Tuy Phước (nay thuộc TP. Quy Nhơn). Năm 1923, bà ra Huế học trường Đồng Khánh. 18 tuổi, bà cầm đầu cuộc bãi khóa chống thực dân Pháp của nữ sinh Đồng Khánh. Năm 1933, bà là phụ nữ Trung kỳ đầu tiên đậu Tú tài Tây. Sau cách mạng tháng Tám, bà là Phó Chủ tịch Hội Liên Việt Thừa Thiên, năm 1952 làm Hiệu trưởng trường Đồng Khánh. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, bà thoát ly ra vùng giải phóng, làm Phó Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh Thừa Thiên-Huế, rồi Ủy viên Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam; năm 1974, là Ủy viên Hội đồng Hòa bình Thế giới. Sau năm 1975, bà là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, rồi đại biểu Quốc hội khóa VI, VII.
Ngôi nhà vườn An Hiên, do vậy, gắn với cuộc đời của vị nữ chủ nhân ấy. Chị Thanh kể, ngày bà Chi còn sống, bà vẫn ở nơi ngôi nhà xây bên cạnh ngôi nhà chính. Bà ngủ trên chiếc giường nhỏ, nay người con dâu của bà vẫn nằm; hàng ngày tiếp bạn bè, đọc sách và chơi đàn tại đây; còn ngôi nhà rường thì chỉ để thờ và tiếp khách. Và cứ vậy, “mùa xuân, bà trồng thêm cây, mùa hạ làm cỏ, đốt lá, mùa thu hái quả, mùa đông đọc sách báo, hái măng, thầm lặng chờ xuân tới” (Hoàng Phủ Ngọc Tường).
Chủ nhân hôm nay của ngôi nhà, người con dâu của bà Chi, từ Pháp về trông coi khu vườn và tiếp tục chăm chút cho một nếp nhà. Còn chị Thanh, người gắn bó với nhà vườn An Hiên như một mối duyên. Chị sống trong khu vườn từ năm 16 tuổi. Sau khi bà Chi mất, chị phải vào TP. Hồ Chí Minh mưu sinh, nhưng một thời gian, chị lại về. Nay thì chị và người con gái đang đi học đều sống ở đây. Ngoài việc chăm chút cho ngôi nhà và khu vườn từ sáng sớm đến tối mịt, chị còn trở thành người hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” cho du khách thăm vườn và hiểu cặn kẽ, từng chi tiết ngôi nhà, từng gốc cây, ngọn cỏ trong vườn. “Tất cả không gian, cây cối, cách chăm sóc, đều y như lúc bà còn sống. Chỉ chỗ nào thấy thật cần thiết mới tu bổ lại. Chẳng như, vừa rồi, mái nhà được lợp lại, nhưng vẫn giữ nét rêu phong” – chị Thanh cho biết.
4. “Người Huế xưa, tuổi năm mươi trở lên là muốn quay về nơi cây cối để làm bạn”. Tôi chẳng là người Huế, cũng chưa tới tầm tuổi để có thể tri thiên mệnh. Vậy mà một lần ghé An Hiên, lại thường mơ thấy mình, trong những ngày nhàn, kết võng dưới gốc cây, đọc sách và làm bạn cùng hoa trái. Để rồi, thoáng trong ngọn gió mát lành thổi từ mặt nước sông Hương, tưởng như có vọng, chút gió nồm tự cửa Thị Nại, mặn mòi một tình yêu quê nhà.
Báo Bình Định