Thú vị phiên chợ giữa đại ngàn Trường Sơn
Xã hôị Huê – Trong chuyến hành trình lên vùng rẻo cao A Lưới (Thừa Thiên – Huế), chúng tôi đặc biệt thú vị với phiên chợ sáng của đồng bào đại ngàn Trường Sơn. Những bước chân chắc nịch, trên vai đựng đầy ắp những sản vật của núi rừngå làm “phố núi” bỗng trở nên nhộn nhịp hơn…
Khi màn đêm còn bao phủ cả phố núi, những giọt sương đêm khẽ rơi trên lá cây, chợ thị trấn A Lưới bị đánh thức bởi những bước chân hối hả mưu sinh. Họ là các đồng bào cùng sinh sống trên dải Trường Sơn hội tụ ở phiên chợ sớm với những trang phục mang bản sắc riêng của dân tộc mình. Đồng bào của sáu dân tộc anh em: Kinh, Pa Cô, Pa Hy, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều về đây làm cho phiên chợ nơi đại ngàn thêm sinh động và độc đáo. Có dịp lên A Lưới, tôi may mắn được cô bạn là người bản địa thuộc dân tộc Pa Cô dẫn đi phiên chợ sớm. Mới 3h sáng, chúng tôi đã thức dậy trong tiết trời lạnh giá đặc trưng. Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp những mẹ mặc chiếc váy xòe, đội khăn và gùi a chói trên vai đi bộ tới chợ.
Vừa đặt a chói xuống đất, mẹ Kan He (80 tuổi, người dân tộc Pa Cô) đã chọn một chỗ để sắp xếp những quả dứa, măng rừng bán. Mẹ cho biết: “Nhà mẹ ở cách xa chợ ba cây số, sáng nào mẹ cũng đi bộ tới đây để bán. Mẹ biết đi chợ từ thời còn con gái đến giờ già rồi vẫn đi, đi chợ để có tiền mua gạo nấu cơm”. Ở phiên chợ không chỉ có các “bố” “mẹ” (cách gọi người lớn tuổi của đồng bào), các anh, chị mà có cả các em nhỏ… Những khuôn mặt ngây thơ nhưng đã bị nắng gió làm nước da của các em đen sạm hơn, tóc vàng và xoăn tít bởi cháy nắng.
Phiên chợ bày bán chủ yếu là sản vật của rừng còn mang đậm chất “nguyên sơn”. Đó là củ sắn, bắp ngô, măng, rau má, rau khoai hay con gà, con lợn mà đồng bào nuôi được. Họp chợ đã trở thành thói quen trao đổi, buôn bán của người dân tộc nơi đây từ lâu khi mà vùng đất A Lưới đang còn hoang sơ. Dù đường xá có xa xôi nhưng thói quen đi bộ đã ngấm vào “máu thịt” trong mỗi bước chân của đồng bào. Chị Kan Mơ (thôn 2, xã A Ngo) chia sẻ: “Mình chỉ đi bộ thôi vì quen rồi, không thích đi xe máy đâu vì tốn xăng lắm. Mỗi ngày bán hết chỉ được 20-30 ngàn đồng thôi, không bán hết thì mang về ăn, không có tiền mua gạo”.
Niềm vui của tuổi thơ
Ngậm chiếc tẩu thuốc, phì phèo khói trong sương lạnh, mẹ Hồ Thị Pao cho biết: “Ngày trước, đồng bào mình chỉ đổi gà, lợn, rau lấy gạo về ăn thôi. Như con gà của mẹ là đổi được 10 cân gạo, hay hai bó rau khoai cộng với bó sả thì được ba lon gạo…”. Mẹ ngồi nhẩm tính và chỉ cho tôi biết cách thức “đổi” của đồng bào. Dừng hút thuốc, mẹ như phân trần: “Bây giờ khác rồi, người ta ít đổi hơn mà đưa bằng tiền, sau mỗi lần đi chợ về, mẹ lấy tiền đi mua gạo”. Nhưng dù bán lấy tiền hay đổi lấy gạo thì người đồng bào cũng cứ lấy gạo làm “mức giá”.
Phiên chợ không chỉ là nơi trao đổi, mua bán mà nó còn là nơi để những đứa trẻ “tìm niềm vui” cho tuổi thơ của mình. Hàng ngày, ngoài giờ đến trường, các em lại vào rừng hái rau, hái lá thuốc để mỗi sáng lại mang ra họp chợ. Chúng tôi dừng lại ở chỗ năm cô bé người dân tộc Pa Cô, em lớn nhất tên là Hồ Thị Tuyết năm nay học lớp 8, em nhỏ nhất Hồ Thị Mau mới vào lớp 2. Sản vật mà các em mang tới phiên chợ chỉ có 3 – 4 bó cây chó đẻ hái trên rừng từ buổi chiều hôm qua. Ngồi co ro với cái lạnh, một em cho biết: “Ba, bốn bó lá này chỉ được 10 ngàn thôi, nhưng ngày nào chúng em cũng đi chợ, khi thì đi cùng mẹ, khi thì đi cùng bạn bè. Vì đi chợ vui lắm, thích lắm, cứ 5h sáng, chúng em lại đi bộ về nhà để kịp giờ đến lớp”.
Chúng tôi hòa vào dòng người nơi phiên chợ để thấy sự tất bật với những giấc ngủ không tròn vì mưu sinh. Một cô bé thân hình nhỏ bé, gầy guộc đang trải rau má ra bán. Một chị người dân tộc Tà Ôi cho biết: “Em đó người dân tộc Lào, không biết nói tiếng Kinh đâu, chẳng biết nhà ở đâu, nhưng sáng nào cũng ra chợ bán rau má. Mỗi ngày kiếm được dăm bảy ngàn thôi, tội lắm…!”. Chúng tôi không có ý định mua rau má, nhưng cho em ít tiền… Khi chúng tôi định đi thì cô bé đuổi theo đưa cho chúng tôi túi rau má. Chúng tôi không nhận, nhưng cô bé cương quyết đưa. Chị người dân tộc Tà Ôi với theo nói: “Các cô nhận đi, vì nó đã bán cho cô thì phải lấy thôi. Như thế nó mới vui, chứ nó không thích ai cho tiền đâu…”.
Theo: Hoàng Yến – nguoiduatin.vn