Kinh tế Huế

Thừa Thiên Huế nỗ lực để sớm trở thành đô thị loại I

Kinh tế Huế – Thừa Thiên Huế đã và đang nỗ lực để sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung. Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh tập trung phát triển toàn diện các thế mạnh, lợi thế, đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư.

Ông có thể cho biết những mục tiêu kinh tế trọng yếu của tỉnh trong thời gian tới?
Thừa Thiên Huế phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2011 – 2020 đạt 12 – 13%/năm; nhanh chóng đưa GDP/người đến năm 2020 đạt trên 4.000 USD. Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển kinh tế theo cơ cấu: dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp; đến năm 2020, tỷ trọng này tương ứng là 47,4% – 47,3% – 5,3% trong GDP. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1 tỷ USD vào năm 2020, thu ngân sách chiếm khoảng 14% GDP vào năm 2020…
Năm 2013 được dự báo còn nhiều khó khăn và thách thức, tỉnh đặt mục tiêu phát triển kinh tế thế nào, thưa ông?
Tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 10%, trong đó, ngành dịch vụ tăng 12,4 – 13%, công nghiệp – xây dựng tăng 9 – 10%, nông – lâm – ngư nghiệp tăng 2,3 – 2,5%; xuất khẩu hàng hoá đạt 540 triệu USD, tăng 17,4%; đầu tư toàn xã hội 14.500 tỷ đồng, tăng 16%; GDP bình quân đầu người đạt 1.760 USD; tổng thu ngân sách nhà nước trên 5.270 tỷ đồng.
Năm 2013 được tỉnh tiếp tục xác định là “Năm đô thị”, nên sẽ huy động tối đa các nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo chuyển biến căn bản diện mạo đô thị gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị; phấn đấu để tiến tới đạt cơ bản các tiêu chí đô thị loại I.
Tỉnh xây dựng giải pháp trọng tâm gì để đạt được mục tiêu trên, thưa ông?
Về phát triển đô thị, Thừa Thiên Huế sẽ huy động tối đa nguồn lực đầu tư theo hướng tiệm cận các tiêu chí đô thị loại I. Ưu tiên tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ hạ tầng đô thị và hạ tầng giao thông. Tiếp tục hoàn thành các dự án quy hoạch thuộc Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương. Công khai các quy hoạch được phê duyệt; quản lý thực hiện theo quy hoạch; xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Về thu hút đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phát triển thị trường, từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật gắn với thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp – làng nghề; tổ chức gặp mặt doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh, các ngành liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư.
Về văn hóa – du lịch, sẽ triển khai thực hiện các giải pháp xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước. Củng cố và phát triển tour, tuyến du lịch, các tuyến phố du lịch; xây dựng mới mô hình du lịch cộng đồng; đổi mới các hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch gắn với xây dựng các thương hiệu ẩm thực Huế.
Du lịch được đánh giá là thế mạnh của tỉnh, ông có thể cho biết thêm về hướng khai thác thế mạnh này?
Du lịch Thừa Thiên Huế đã gặt hái được nhiều thành công với sự kiện Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ – Huế 2012 và Festival Huế 2012.
Năm 2013, Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2013, với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”; giới thiệu về các sản phẩm dịch vụ du lịch và các gói kích cầu; chương trình khuyến mãi mùa thấp điểm, chương trình kích cầu “Tuần lễ vàng du lịch” tại khu di sản Huế… và nhiều chương trình du lịch quan trọng khác; phấn đấu đón 2,5 – 3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 1 – 1,2 triệu, dịch vụ du lịch chiếm 48 – 50% GDP.

Nguồn: baodautu.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button