Thuận An, thị xã trong tương lai
Tin tức Huế – Ngày 17-4-2013, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua Nghị quyết công nhận thị trấn Thuận An mở rộng, huyện Phú Vang là đô thị loại IV. Đây là điều kiện để Thuận An tiếp tục phấn đấu trở thành thị xã trong tương lai gần.
Tốc độ đô thị hóa nhanh
Thuận An là địa phương gần trung tâm thành phố Huế (cách Huế chừng 12km), với hệ thống giao thông nằm trên tuyến Quốc lộ 49A, 49B, đường tỉnh lộ 2… thuận lợi để giao lưu kinh tế thương mại trong huyện, vùng tỉnh, vùng liên tỉnh; hệ thống đường nội thị quy hoạch khá hoàn chỉnh và đã được đặt tên (năm 2010). Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được đầu tư nâng cấp đáng kể; điện chiếu sáng đô thị đường phố, khu dân cư đang ngày càng càng hoàn chỉnh. Đặc biệt, thời gian qua, UBND huyện Phú Vang đầu tư nhiều tỷ đồng nâng cấp hạ tầng ở các bãi tắm, hệ thống đèn chiếu sáng, quảng trường trung tâm du lịch biển…
Các thiết chế văn hóa – xã hội được đầu tư xây mới khá khang trang, hiện đại như bệnh viện đa khoa, nhà văn hóa, hệ thống trường học từ bậc mầm non đến THPT. Các công trình hạ tầng xã hội cũng được đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động mang lại hiệu quả cao như Trung tâm thương mại Thuận An, siêu thị An Phú. Cảng Thuận An được đầu tư nâng cấp, đạt công suất 1,5 triệu tấn/năm vào năm 2020. Cụm công nghiệp Thuận An với tổng diện tích quy hoạch 15,2 ha, gồm: Cảng trung chuyển Thuận An, kho xăng dầu, Xí nghiệp nước đá Thuận Phát, Hoàng Hiệp, cơ sở đóng sửa chữa tàu thuyền, Công ty hải sản… hoạt động khá tốt.
Ông La Phúc Thành, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang cho rằng: “Nhờ có tốc độ đô thị hóa nhanh, đã giúp cho Thuận An có bước tăng trưởng mạnh về kinh tế – xã hội cũng như phát triển diện mạo đô thị về kiến trúc, hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân và tiện nghi đô thị”.
Phát triển mạnh mẽ về du lịch, dịch vụ
Lợi thế của Thuận An là một địa phương có bãi biển đẹp nổi tiếng, xung quanh tiếp giáp với biển Đông, đầm phá Tam Giang và hạ lưu sông Hương. Để đẩy mạnh du lịch biển, hàng năm, Thuận An đều tổ chức Festival “Thuận An biển gọi” với nhiều hoạt động phong phú, như thả diều bãi biển, đá bóng trên cát, triển lãm nghề truyền thống vùng biển… đem lại hiệu quả cao.
Du lịch biển, du lịch di sản văn hóa cũng được Thuận An đẩy mạnh. Lễ hội dân gian gắn với nghề chài lưới đặc, như “Lễ hội Cầu Ngư”, tham quan di sản Trấn Hải Thành (một trong những di tích trong Quần thể di tích Cố đô Huế); miếu Thái Dương gắn với sự tích nữ thần Thai Dương, miếu Âm Linh thờ thần cá voi… hàng năm cũng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan và tìm hiểu.
Hạ tầng du lịch, dịch vụ đã được quan tâm đầu tư. Hiện nay, Thuận An đã hình thành một số khách sạn cao cấp, như Tam Giang Resort, khu du lịch 4 sao cách bãi biển 200m. Khách sạn biển 5 sao Ana Mandara đã đi vào hoạt động với quy mô gồm các biệt thự biển, câu lạc bộ đêm, bể bơi ngoài trời, câu lạc bộ trẻ em, cửa hàng, phòng tập thể dục… thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Thuận An còn đang nỗ lực triển khai một số dự án du lịch quan trọng khác, như Khu du lịch sinh thái Phú Thuận, khu du lịch và nghỉ dưỡng Cồn Sơn; khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và hội nghị quốc tế Hương Giang. Hệ thống các nhà hàng, quán ăn cũng được đầu tư khá quy mô, đáp ứng nhu cầu ẩm thực cho du khách gần xa.
Từ những điều kiện đầy đủ, thiết yếu, đáp ứng cho việc thúc đẩy phát triển du lịch biển, Thuận An luôn thu hút được một lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển tương đối lớn và ổn định. Theo thống kê của ngành du lịch tỉnh, hàng năm, tổng lượng khách đến Thuận An chiếm khoảng từ 10 – 15% tổng lượng khách đến Thừa Thiên Huế.
Với tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch biển rất lớn, tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt; quy mô dân số đô thị đứng hàng thứ tư của tỉnh (sau thành phố Huế, thị xã Hương Thủy và Hương Trà)… giúp cho Thuận An được HĐND tỉnh nâng loại đô thị khá nhanh, đến nay, đã đạt đô thị loại V. Không lâu nữa, Thuận An sẽ trở thành thị xã, trực thuộc tỉnh là điều tất yếu.
Theo Hoàng Trọng Bửu
Nguồn: Baothuathienhue.vn