Kinh tế Huế

Thủy điện góp phần giảm lũ hạ du

[ad_1]


Thủy điện Hương Điền điều tiết, xả lũ đúng quy định

Hạn chế tối đa thiệt hại

Cứ mỗi lần lũ về, hạ du ngập sâu thì một bộ phận dư luận nghĩ rằng do thủy điện xả lũ gây nên hậu quả. Qua trao đổi, hầu hết lãnh đạo các địa phương vùng trũng đều thừa nhận đã có nhiều cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức, thông tin đến người dân biết việc xảy ra lũ lớn không hoàn toàn do thủy điện. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn chưa hiểu rõ, cho rằng xảy ra lũ lớn là do thủy điện xả nước về hạ du.

Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ (Quảng Điền), ông Hoàng Công Phong nhận thấy, các công trình thủy điện cơ bản phát huy vai trò, trách nhiệm trong sản xuất nông nghiệp, ứng phó lũ lụt. Từ khi có các công trình thủy điện, hồ Tả Trạch tích nước đến nay, trên địa bàn tỉnh ít xảy ra lũ lớn; nhiều năm lượng mưa đầu nguồn khá lớn nhưng không gây ngập sâu cho hạ du. Nhiều năm nay, ít xảy ra lũ tiểu mãn, giảm thiệt hại đáng kể đến sản xuất lúa, hoa màu. Các vụ mùa khô hạn, thủy điện luôn chấp hành yêu cầu của địa phương về điều tiết xả nước về hạ du cứu lúa, cá lồng.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Phong (TX. Hương Trà), ông Trần Viết Chức kể, trận lũ lịch sử năm 1999, nước trên sông Hương, đầm phá dâng cao, chảy xiết, nhanh chóng tràn qua đường, vào khu dân cư, nhà dân ngập sâu chỉ trong chốc lát. Dù đã được dự báo, cảnh báo nhưng chính quyền, Nhân dân vẫn không kịp trở tay, nhiều hộ không kịp sơ tán người, tài sản, vật nuôi gây thiệt hại nặng nề. Một số trận lũ sau này tuy không lớn nhưng nước lên nhanh gây khó khăn trong công tác ứng phó.

Ông Chức đánh giá, các công trình thủy điện và hồ Tả Trạch có vai trò rất lớn trong công tác ứng phó lũ lụt cho các vùng hạ du. Hương Phong là vùng thấp trũng, lại nằm hạ lưu sông Hương, gần cửa biển Thuận An nên thường gánh chịu hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội do các trận lũ lớn. Từ khi các công trình thủy điện đi vào vận hành đã hạn chế thiệt hại rất lớn trong mùa mưa lũ. Trước khi các công trình điều tiết xả lũ về hạ du, địa phương đều nhận được thông báo, cảnh báo sớm từ các cơ quan chức năng, chủ công trình; nhờ đó các ban ngành, đoàn thể có đủ thời gian, chủ động triển khai sơ tán dân, tài sản và các biện pháp ứng phó, bảo vệ an toàn tính mạng.

Trận lũ từ ngày 6 – 13/10 được xem tương đương, thậm chí ngập sâu hơn trận lũ lịch sử 1999, nhưng xã Hương Phong cũng như nhiều địa phương hoàn toàn chủ động ứng phó. Các hộ dân vùng xung yếu, ven sông, ven suối, vùng núi, có nguy cơ sạt lở đều được các lực lượng sơ tán, di dời đến nơi trú ẩn, an toàn trước khi lũ lớn xảy ra. Sự chủ động ứng phó đã hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Số người chết và bị thương chủ yếu do chủ quan, bất cẩn khi giằng chống nhà, săn bắt chim, bủa lưới khi nước lũ dâng cao, chảy xiết. Các diện tích thủy sản, rau màu, cây trồng được thu hoạch kịp thời nên không thiệt hại lớn so với nhiều năm trước.

Tích nước, giảm lũ

Tả Trạch điều tiết lũ, đảm bảo an toàn công trình và hạ du

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẳng định, thực tế các hồ thủy điện, thủy lợi có vai trò rất lớn trong việc cắt lũ, giảm lũ trên các sông và vùng hạ du. Các đợt lũ vừa qua, công trình thủy điện Bình Điền, Hương Điền, hồ Tả Trạch đã tuân thủ, chấp hành nghiêm túc quy định, quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa. Mặc dù đợt mưa kéo dài từ ngày 6/10 đến 13/10 với tổng tượng mưa rất lớn, tương đương trận lũ năm 1999 nhưng không gây lũ bất ngờ, nhanh và thiệt hại lớn như trận lũ lịch sử này.

Tổng lượng mưa trung bình (tính từ ngày 6/10 đến 13/10) từ 1.600 – 2.200mm; riêng lượng mưa tại Bạch Mã rất lớn, đột biến đến 2.900mm, tương đương với tổng lượng mưa trong đợt lũ lịch sử 1999. Với lượng mưa lớn, tương ứng với tổng lượng nước về các hồ trên lưu vực sông Hương khoảng 3,7 tỷ m3, trong đó các hồ chứa giữ lại khoảng 1 tỷ m3. Lượng nước còn lại đổ về hạ du khoảng 2,7 tỷ m3, kết hợp lượng nước mưa tại đồng bằng khoảng 1,4 tỷ m3 nên vùng đồng bằng có tổng lượng nước khoảng 4,1 tỷ m3. Theo tính toán của cơ quan chức năng, với dung tích chứa của các hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã giảm mức độ ngập lũ trên sông Hương hơn 1 mét và sông Bồ 0,5 mét.

Các đợt mưa lớn, kéo dài vừa qua khiến mực nước trên sông Bồ tại Phú Ốc vào ngày 9/10 đạt đỉnh +5,24m, vượt đỉnh lũ lịch sử 1999 là 0,06m (lũ lịch sử +5,18m); mực nước trên  sông Hương tại Kim Long đạt đỉnh +4,17m, trên báo động III là 0,67m gây ra một đợt ngập lũ nặng trên diện rộng.

Diễn biến mưa lũ vẫn còn phức tạp, khó lường. Dự báo từ ngày 17 đến 19/10, trên địa bàn tỉnh sẽ còn mưa lớn trên diện rộng. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 300 – 500mm, có nơi trên 600mm, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất vùng núi, ven sông, ven biển. Tình hình mưa lũ dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài đến ngày 21-24/10. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng đã yêu cầu chủ các công trình thủy điện, thủy lợi chấp hành nghiêm túc quy định, quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa. Các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó lũ lụt, sơ tán, di dời dân, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản.

Từ ngày xảy ra mưa lũ đến nay, lãnh đạo tỉnh thường xuyên theo dõi diễn biến mưa lũ, mực nước và quy trình vận hành của các công trình thủy điện, thủy lợi thông qua hệ thống camera tại Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để có sự điều hành, chỉ đạo vận hành tiều tiết, xả lũ một cách hợp lý, đúng quy định nhằm đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

[ad_2] Báo Thừa Thiên Huế Online

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button