Thuyền rồng sông Hương không chịu “lên bờ”
Xã hội Huế – Đã hơn 2 tháng kể từ khi Sở GTVT Thừa Thiên – Huế có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp, chủ phương tiện vận chuyển khách du lịch trên sông Hương đưa thuyền lên đà để đăng kiểm, đến nay, chưa doanh nghiệp nào thực hiện.
Thuyền rồng đang đậu tại Bến thuyền du lịch Tòa Khâm, TP Huế
Doanh nghiệp phản ứng
Tháng 5/2013, 11 doanh nghiệp vận tải khách đường thủy nội địa trên địa bàn TP Huế… đồng loạt ký đơn trình bày việc họ không thể đưa thuyền lên đà trên cạn để kiểm tra phần đáy thuyền như công văn Sở GTVT yêu cầu. Lý do được đưa ra là những chiếc thuyền đôi (thuyền rồng) có sức chở dưới 35 khách được lắp dựng khung nhà có mái theo kiểu nhà rường rất nặng. Nếu phải đưa lên đà cạn sẽ hư hỏng. Các chủ doanh nghiệp cho rằng vỏ thuyền được bọc 1 lớp hợp kim nhôm dày 5mm, bên trong khoang thuyền rỗng, nên việc kiểm tra vỏ bên trong rất thuận lợi, không nhất thiết bắt buộc đưa phương tiện lên bờ để kiểm tra. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở sửa chữa tàu thuyền nào có đủ trang thiết bị đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo an toàn để đăng kiểm trên đà…
Không phải quy định mới!
“Các thuyền không đăng kiểm đúng hạn định sẽ không đủ điều kiện khai thác. Lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông sẽ xử lý nếu phát hiện vi phạm”. Ông Võ Văn Tươi – Phó Giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên – Huế
Ông Võ Văn Tươi – Phó Giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên – Huế cho biết, theo quy định thì các thuyền du lịch trên địa bàn tỉnh không phải là phương tiện dân gian, nhưng các doanh nghiệp lấy lý do này để đề nghị bỏ qua kiểm định trên đà. Việc đưa tàu, thuyền lên đà để kiểm tra là 1 trong 4 loại hình kiểm tra được quy định từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, thời gian qua, bộ phận đăng kiểm phương tiện thủy nội địa thuộc Sở đã không kiểm tra giám sát kỹ thuật phương tiện trên đà đúng định kỳ. Sở đã chỉ đạo rà soát và tiến hành điều chỉnh các hồ sơ kỹ thuật đã cấp cho phương tiện theo quy phạm áp dụng và thực hiện nghiêm quy trình kiểm tra, giám sát kỹ thuật phương tiện theo quy phạm.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, sau khi kiểm tra hiện trường, một số phương tiện đã được gia hạn, tuy nhiên, theo ông Tươi, hết thời hạn này, các thuyền sẽ buộc phải lên đà đúng quy định.
Nhiều biện minh
Ông Nguyễn Cửu Thắng – Trưởng Phòng Quản lý Vận tải và Phương tiện, Sở GTVT Thừa Thiên – Huế cho biết, thuyền du lịch hoạt động trên sông Hương có 134 chiếc, trong đó thuyền đôi hơn 40 chiếc. Hiện, khoảng 15 – 16 chiếc đã hết hạn kiểm định, số còn lại từ nay đến cuối năm là hết hạn. Theo quy định, việc đưa phương tiện lên đà để cơ quan đăng kiểm kiểm tra là trách nhiệm của chủ phương tiện. Nhưng, do địa phương chưa có triền đà, Sở GTVT đã chỉ đạo, vận động các chủ xưởng sửa chữa tàu thuyền đầu tư trang thiết bị. Sau đó, đánh giá và lựa chọn cơ sở của ông Nguyễn Thành (thị trấn Thuận An) làm địa điểm kiểm tra. Nhưng, các chủ phương tiện vẫn kiến nghị các cấp can thiệp, để bỏ qua việc kiểm tra trên đà.
Để các chủ doanh nghiệp hiểu rõ nghĩa vụ đảm bảo ATKT của phương tiện, Sở GTVT đã họp với các chủ doanh nghiệp có thuyền phải lên đà. Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp đã hiểu rõ hơn quy định của pháp luật về đăng kiểm phương tiện thủy, nhưng lại viện nhiều lý do để không đưa tàu lên đà như di chuyển tàu sang vùng nước mặn sẽ bị gỉ sét, đường xa sợ sóng gió…
Ông Thắng cho rằng: “Vật liệu đóng thuyền du lịch là hợp kim nhôm thì ảnh hưởng của nước mặn lên vỏ thuyền không đáng kể. Đường đi qua đập Thảo Long và đầm phá cũng không có gì nguy hiểm. Các lý do đều chỉ là biện minh cho việc không chấp hành quy định”.
Nguồn: giaothongvantai.com.vn