Tỉnh Thừa Thiên Huế: Chú trọng chăm sóc người cao tuổi cô đơn
Xã hội Huế – Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai nhiều mô hình chăm sóc NCT neo đơn như xây Nhà dưỡng lão chăm sóc người có công; Trung tâm Bảo trợ xã hội chăm sóc NCT không nơi nương tựa; triển khai dự án “Chăm sóc NCT tại cộng đồng”…
Mô hình tình nguyện viên
Mô hình “Chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng” được triển khai ở nhiều phường, xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu từ tháng 4/2010. Nhiều phường thành lập các đội tình nguyện viên (TNV), với nhiều tên gọi khác nhau, nhưng cùng chung mục tiêu là chăm sóc sức khỏe NCT, như phường Trường An (TP Huế), có đội “Hoa tình nguyện” gồm 6 đoàn viên thanh niên tham gia; phường An Cựu có Đội tình nguyện viên 20 người…
Bà Võ Thị Nga, 73 tuổi ở tổ 4, phường Trường An, bị bệnh gai đôi cột sống, mổ nhiều lần, đi lại phải dùng xe lăn; ông Hoàng Hoa chồng bà, 75 tuổi, hai mắt mờ. Ông bà có một con gái lấy chồng xa nên thường ngày tự lo cho nhau, lúc “trái gió trở trời” rất cần người giúp sức. Khi phường Trường An triển khai mô hình “Chăm sóc NCT dựa vào tình nguyện viên tại cộng đồng”, ông bà rất phấn khởi vì mỗi khi sức khỏe “có vấn đề”, TNV đã có mặt giúp đỡ. Ông Hoàng Hoa cho biết: “Vợ chồng tôi tuổi cao, sức yếu, không có con cháu ở gần, may nhờ có TNV thường xuyên đến khám sức khỏe, đo huyết áp, dọn dẹp nhà cửa, nên thấy yên tâm”. Còn em Hoàng Thị Khánh Linh, đội viên đội “Hoa tình nguyện” tâm sự: “Dần dà, tôi cảm thấy yêu quý các cụ như người thân trong gia đình”.
TNV Phan Thị Tuyết Phương, 58 tuổi, ở tổ 11, khu vực 4, phường An Cựu, từ năm 2000 đến nay âm thầm, nhẫn nại chăm sóc bà Bùi Thị Hường, 70 tuổi, bị huyết áp cao, mắt mờ, tai điếc, đi lại rất khó khăn, sống cô đơn không nơi nương tựa. Năm 2009, chị nhận chăm sóc thêm bà Nguyễn Thị Huệ, 78 tuổi, bị suy nhược thần kinh nặng, sống cô đơn. Mặc dù hoàn cảnh kinh tế gia đình không dư dả, chồng làm phụ nề, công việc thất thường, cả gia đình bốn miệng ăn trông vào gánh xôi, mì chị đi bán dạo hằng ngày. Mỗi khi rảnh rỗi, chị lại đến thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe cho hai bà. Nhiều khi chị kiêm luôn việc nấu cơm, cháo, giặt giũ, đưa đi bệnh viện và là người chăm các bà trong bệnh viện. Năm 2002, được tin phường An Cựu xây nhà tình nghĩa tặng bà Hường, chị Tuyết Phương quyên góp được 2 triệu đồng và 3 tấm tôn xây nhà cho bà. Chị tâm sự: “Tôi không có tiền của để giúp đỡ người già, bệnh tật đơn côi thì giúp công chăm sóc, giúp họ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống”.
Trung tâm nuôi dưỡng xã hội
Dù có nhiều “ngả đường” đến với Trung tâm Nuôi dưỡng xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, nhưng đến bằng con đường nào thì NCT neo đơn vẫn thấy ấm lòng bởi sự chăm sóc chu đáo, ân cần của nhân viên Trung tâm. Đã ở tuổi 90 “gần đất, xa trời”, nhưng cụ Tống Thị Hoa vẫn coi Trung tâm là gia đình của mình. Không chồng, không con, không nơi nương tựa, khi về già không thể kiếm nổi miếng cơm ăn hằng ngày, cụ vào sống tại Trung tâm từ năm 2004.
Trung tâm nuôi dưỡng gần 100 NCT, trong đó 2/3 ốm yếu, cô đơn, nhiều cụ nằm liệt, mù mắt. Rất nhiều câu chuyện cảm động về sự tận tụy của cán bộ, nhân viên tại đây. Chị Hồ Thị Ngọc Diệp, hộ lí, công việc hằng ngày bắt đầu từ 7 giờ sáng, chăm sóc NCT bệnh nặng nằm liệt giường, thay quần áo, tắm rửa, lau giường chiếu… Chị bón từng miếng cơm, ngụm nước cho các cụ. Chị Diệp tâm niệm: Chăm sóc các cụ ở đây cũng như chăm sóc ông bà mình. Vất vả là vậy, chị luôn cố gằng làm tròn nhiệm vụ. Chị Lê Thị Thu Giang, cấp dưỡng, hằng ngày dậy từ 4 giờ sáng đến các chợ vùng quê xa để mua thực phẩm tận gốc, vừa rẻ lại tươi để mong các cụ ăn ngon miệng, bổ dưỡng trong nguồn kinh phí còn eo hẹp (580.000 đồng/người/tháng).
Những cố gắng của các TNV, cán bộ, nhân viên các cơ sở nuôi dưỡng như bồi đắp thêm tinh thần lạc quan, tạo niềm vui cho NCT trong cuộc sống.
Bài và ảnh Kim Hoa
Nguồn: nguoicaotuoi.org.vn