Xã hội Huế

Tòa án “một cửa” dễ tiếp cận và phục vụ dân

Xã hội Huế – Trong chiến lược cải cách hệ thống tòa án, việc thành lập Bộ phận hành chính tư pháp tại Tòa theo mô hình “một cửa” mới triển khai thí điểm tại ba tòa án là Hưng Yên, Thừa Thiên Huế và Vĩnh Long.

 Từ “trống vắng” quy định
Bộ luật Tố tụng Dân sự và Nghị quyết số 02/2006/HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC đều có quy định về thủ tục công tác hành chính của tòa án.
Theo đó, Tòa án chỉ chấp nhận khi đơn khởi kiện được làm bằng văn bản và gồm có các nội dung được quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự. Tòa án phải có Sổ nhận đơn để ghi ngày tháng năm nhận đơn của đương sự làm căn cứ xác định ngày khởi kiện và thời hiệu khởi kiện.
Sau khi nhận đơn khởi kiện, Tòa án phải cấp Giấy nhận đơn khởi kiện cho người khởi kiện. Nếu Tòa án nhận đơn khởi kiện gửi qua đường bưu điện thì Tòa án gửi giấy báo nhận đơn khởi kiện để thông báo cho người khởi kiện biết.
Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện phải có một trong các quyết định như thụ lý, trả lại đơn kiện hay chuyển đơn kiện.
Tuy đã có những quy định “khung” trên đây song trên thực tế TANDTC chưa có một hướng dẫn cụ thể nào về quy trình thủ tục hành chính tư pháp hay quy trình công tác hành chính của cơ quan Tòa án.
Việc tiếp nhận đơn được quy định là do Tòa án nhưng việc xem xét để thụ lý vụ án lại là do thẩm phán. Trách nhiệm của thẩm phán, thư ký Tòa và cán bộ Tòa án khác tham gia vào quá trình nhận đơn và xử lý đơn lại thiếu những quy định cụ thể.
Đối với những trường hợp người tiếp nhận cố tình không cấp “giấy hẹn”, “giấy nhận đơn khởi kiện” và không ghi nhận việc nộp đơn vào Sổ nhận đơn gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người khởi kiện thì trách nhiệm thế nào cũng không được đề cập.
Thêm vào đó, việc phần lớn các Tòa phân công thẩm phán xem xét hồ sơ có đủ điều kiện thụ lý hay không đồng thời sẽ là thẩm phán giải quyết vụ kiện sau này dễ làm phát sinh tiêu cực trong hoạt động tư pháp.
Chính quy trình chưa rõ ràng như trên cũng đã gây nhiều tốn kém cho công tác hành chính tư pháp cho Tòa án và người dân.
Đến thí điểm cải cách
Để cải tiến quy trình hành chính tại tòa án, TAND tại ba tỉnh Hưng Yên, Thừa Thiên – Huế và Vĩnh Long đã được thí điểm thành lập và triển khai Bộ phận hành chính tư pháp tại Tòa theo mô hình “một cửa”. Đây là chương trình thí điểm theo Dự án JUDGE (do Chính phủ Canada tài trợ, Bộ Tư pháp và TANDTC thực hiện) từ đầu năm 2010.
Việc triển khai thí điểm cải cách thủ tục hành chính tư pháp này có ba tiêu chí rõ ràng là Tòa án phải dễ dàng tiếp cận và phục vụ nhân dân; Tòa án phải hoạt động có hiệu quả và hữu ích; chất lượng hoạt động của Tòa án phải được cải thiện.
Để có thể cải cách công tác hành chính tư pháp, các tòa án thí điểm phải thực hiện tám chỉ tiêu công việc bao gồm: cải tiến công tác tiếp nhận toàn bộ đơn khởi kiện; cải tiến công tác tiếp dân tại Tòa án; cải tiến công tác tiếp nhận thư và thư từ giao dịch của Tòa án; xây dựng hệ thống lưu trữ của Tòa án; Chánh án phân công án cho thẩm phán và theo dõi công việc của thẩm phán để đảm bảo các vụ án tuân thủ yêu cầu tố tụng, xác định trách nhiệm và chức năng rõ ràng; cung cấp bản án; cải tiến quy trình và phương thức công khai lịch làm việc tại Tòa án.
Sau một thời gian thực hiện, mô hình tòa án “một cửa” đã mang lại những thay đổi tích cực trong nội bộ mỗi Tòa án thực hiện thí điểm, đặc biệt là tăng cường khả năng tiếp cận công lý cho nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án cũng được cải tiến theo hướng công khai, đơn giản, thuận tiện để người dân dễ dàng thực hiện quyền khởi kiện của họ trước Tòa án. Cải cách thủ tục hành chính đã giúp chi phí tuân thủ của ngành Tòa án và mức chi phí tuân thủ cho người dân giảm đi một nửa. Các mức giảm tương ứng tại TAND tỉnh Hưng Yên là 62% và 51%, ở TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế là 62% và 50%, tại TAND tỉnh Vĩnh Long là 63% và 50%.
Thông qua hoạt động thí điểm, các Tòa án tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm, cách thức tổ chức và tiến hành việc cải cách hành chính tư pháp tại Tòa án, góp phần làm cho hoạt động của Tòa án minh bạch và dễ tiếp cận hơn với người dân.
Không những thế, việc thí điểm này cũng đã hỗ trợ tích cực cho ngành Tòa án Việt Nam trong công cuộc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo định hướng của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng lực cho ngành Tòa án.

Nguồn: nhandan.org.vn

Show More

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button